Lắng nghe, thấu hiểu trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

GD&TĐ - Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, đảm bảo phát triển toàn diện cả trí tuệ, nhân cách của mỗi người học...

Ban giám hiệu trường THCS Giảng Võ và nhiều thầy cô đón học sinh tại cổng trường.
Ban giám hiệu trường THCS Giảng Võ và nhiều thầy cô đón học sinh tại cổng trường.

Nhiệm vụ trọng yếu trong kế hoạch năm học

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh xã hội đang ngày càng phát triển và có nhiều biến đổi thì việc giáo dục, quản lý đạo đức, lối sống cho học sinh là một vấn đề khá nan giải, phức tạp và nhạy cảm.

Công việc này đã và đang trở thành thách thức lớn cho toàn xã hội, ngành giáo dục nói chung và giáo dục Ba Đình nói riêng.

“Trong thời gian qua, ngành GD&ĐT Ba Đình đã rất chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống trên địa bàn quận. Hằng năm, Phòng GD&ĐT quận đã đưa nội dung này trở thành một nhiệm vụ trọng yếu trong kế hoạch năm học, là một tiêu chí để đăng ký thi đua.

Chính vì thế công tác này đã được nhân rộng khắp các cơ sở giáo dục, các nhà trường trong quận và trở thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng rãi theo từng cấp học...”, ông Lê Đức Thuận bày tỏ.

Theo ông Thuận, các nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, có sự phối kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể trong nhà trường, với địa phương và cha mẹ học sinh.

Trong đó, chú trọng giáo dục học sinh về niềm tự hào, tự tôn dân tộc; biết tôn trọng và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa của cha ông; thực hiện hiệu quả và có ý nghĩa đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Các nhà trường cũng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh song song với các phong trào “Xây dựng nhà trường văn hoá - nhà giáo mẫu mực - học sinh thanh lịch", “Xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội - văn minh, thanh lịch”…

Chuyên đề xây dựng tình bạn đẹp và nói không với bạo lực học đường của học sinh Ba Đình.
Chuyên đề xây dựng tình bạn đẹp và nói không với bạo lực học đường của học sinh Ba Đình.

“Những nội dung trên được các nhà trường tổ chức bằng hình thức truyền thông, tọa đàm, giao lưu, hội thảo, chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ hoặc các hoạt động văn hóa văn nghệ, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt đầu tuần...”, Trưởng phòng GD&ĐT Ba Đình nói.

Tại quận Ba Đình, một số mô hình, chuyên đề tiêu biểu về giáo dục đạo đức lối sống đã được triển khai tại một số trường học như mô hình “Nói lời hay, làm việc tốt”; chuyên đề “phòng chống bạo lực học đường”; hội nghị đối thoại “xây dựng trường học xanh sạch đẹp, an toàn”…

Thầy cô là những tấm gương 

Tại trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình), cô Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Giáo dục đạo đức, lối sống luôn được nhà trường rất quan tâm. Bởi lẽ, học sinh tới trường không đơn giản chỉ là tiếp thu kiến thức mà còn học hỏi các kỹ năng sống, cách đối nhân xử thế trong suốt quá trình lên lớp.

Cô Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Công Trứ chia sẻ với Báo GD&TĐ.
Cô Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Công Trứ chia sẻ với Báo GD&TĐ.

Hiện, nhà trường có Ban Truyền thông riêng để chủ động xây dựng và đăng tải các video, hình ảnh giáo dục đạo đức, lối sống cho các em học sinh một cách dễ hiểu, gần gũi với đồ họa bắt mắt, tươi vui.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhà trường đã triển khai chương trình “Cha mẹ đồng hành cùng con mùa dịch”. Trong chương trình này, các chuyên gia tâm lý sẽ chia sẻ với phụ huynh và học sinh cũng như cán bộ, giáo viên của nhà trường cách thích ứng và tháo gỡ khó khăn, trăn trở trong quá trình con em học tại trường.

Trường THCS Nguyễn Công Trứ cũng xây dựng riêng một chuyên đề về “an toàn sử dụng không gian mạng”. 

“Theo đó, nhà trường không tuyên truyền một cách thô cứng theo cách truyền thống mà truyền tải thông điệp qua các video, hình ảnh. Từ đó, các em học sinh dễ dàng tìm hiểu và làm theo. Mục đích cuối cùng là học sinh trở thành một công dân mạng văn minh, lịch sự…”, cô Nguyễn Thị Thu Thuỷ chia sẻ.

Theo cô Thủy, nhà trường rất chú trọng trang fanpage trên Facebook vì đó là “con đường” ngắn nhất để tiếp cận với học sinh. Nếu chỉ phát tờ rơi, ngoại khóa giáo dục đạo đức, lối sống thì rất nhàm chán. Trong khi, các bài đăng, hình ảnh, clip ngắn giúp học sinh hiểu tại sao không nên gây gổ với bạn bè, quay cóp trong bài thi hay tham gia các hành vi vi phạm giao thông.

“Không chỉ vậy, mỗi năm, những chiến sĩ, cán bộ trẻ thuộc lực lượng công an phường sẽ tới trường chia sẻ, trao đổi kiến thức pháp luật cho học sinh. Để tạo hứng thú, những trò chơi đố vui, tình huống giả định, hài kịch… sẽ được xây dựng để các em hứng thú hơn với giờ ngoại khóa. Ngoài ra, phụ huynh học sinh cũng chính là một tuyên truyền viên đắc lực vì cha mẹ luôn gần gũi, sẵn sàng chia sẻ với con mọi lúc, mọi nơi”, cô Thủy nói.

Học sinh trong CLB Truyền thông - Trường THCS Nguyễn Công Trứ thực hiện phần giới thiệu sách cùng Ban thư viện nhà trường.
 Học sinh trong CLB Truyền thông - Trường THCS Nguyễn Công Trứ thực hiện phần giới thiệu sách cùng Ban thư viện nhà trường.

Còn tại trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình), đại diện Ban giám hiệu nhà trường cho biết, về mặt chiến lược giáo dục, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống đặc biệt quan trọng bên cạnh kết quả học lực của học sinh.

Không chỉ vậy, việc giáo dục đạo đức, lối sống còn được coi là nền tảng, là điểm tựa để đạt được kết quả học tập trong nhà trường, đây cũng là nguồn sức mạnh then chốt của mỗi nhà trường…

Trường THCS Giảng Võ những năm qua hoàn toàn không xảy ra bất cứ vụ bạo lực học đường nào.

“Để đạt kết quả vậy, thứ tư hàng tuần, Ban giám hiệu nhà trường sẽ tiếp công dân, phụ huynh và học sinh. Bên cạnh đó, bất kì học sinh nào cũng có thể viết thư cho Hiệu trưởng và gửi vào các hòm thư được đạt tại nhiều nơi trong khuôn viên nhà trường. Hàng tuần, phòng tư vấn tâm lý học đường sẽ thống kê, ghi chép lại các vụ việc để có căn cứ giải quyết, xử lý các vấn đề tiếp nhận được…”, đại diện Ban giám hiệu trường THCS Giảng Võ nhấn mạnh. 

Với trường THCS Giảng Võ thì mỗi người thầy ngoài việc dạy học và truyền tải kiến thức cho các em học sinh thì còn cần thấu hiểu, nắm rõ tâm tư tình cảm của các em.

Từ đó, các thầy cô trở thành tấm gương đạo đức, lối sống gần gũi, dễ hiểu để học sinh noi theo. Có thể là thầy cô đến trường dạy học đúng giờ, chủ động tham gia và đóng góp ý kiến cho các câu lạc bộ của học trò, tình nguyện vệ sinh trường học cùng các em để gắn kết tình thầy - trò…

“Vấn đề mâu thuẫn, va chạm trong trường học là điều khó tránh khỏi. Do đó, các giáo viên của nhà trường đều chủ động lắng nghe, thấu hiểu và tháo gỡ khúc mắc một cách hài hoà, hợp lý nhất. Luôn phải cố gắng hướng tới sự công bằng. Đó là nhiệm vụ cốt lõi mà không thể xem nhẹ…”, đại diện Ban Giám hiệu trường THCS Giảng Võ nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.