Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Việc làm nhỏ, bài học lớn

GD&TĐ - Thông qua hoạt động trải nghiệm, nhân ái, các trường học muốn giáo dục học sinh phải biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, gìn giữ những nét văn hoá truyền thống.

Học sinh đọc sách tại thư viện xanh từ vật liệu tái chế.
Học sinh đọc sách tại thư viện xanh từ vật liệu tái chế.

Hỗ trợ gia đình khó khăn

Cô Hoàng Thị Hoà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Số 2 thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) cho biết: Toàn trường có 925 học sinh với 28 lớp. Nhằm hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn và giáo dục các em biết yêu thương, sẻ chia với nhau, cán bộ, giáo viên đã thành lập quỹ “Nâng bước em đến trường”. Theo đó, mỗi thầy cô tiết kiệm 20.000 đồng/tháng để hỗ trợ  học sinh khó khăn, cụ già neo đơn trên địa bàn.

Phong trào này được nhà trường triển khai từ năm học 2019 đến nay đã hỗ trợ, nhận nuôi 3 cháu bé, 3 gia đình có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ 150.000 – 200.000 đồng/tháng. Với số tiền này, nhà trường sử dụng mua nhu yếu phẩm, quần áo. Ngoài ra, mỗi thầy cô giáo trong trường triển khai nuôi heo 1.000 đồng/ngày để phối hợp với một số đơn vị gây quỹ xây dựng nhà tình thương.

Em Hoàng Võ Bình An (lớp 3A) chia sẻ: "Thông qua những hoạt động nhân ái của trường tổ chức đã giáo dục em biết yêu thương, sẻ chia với mọi người. Bên cạnh đó, tủ sách di động từ vật liệu tái chế được làm từ vật liệu phế thải nên rất thân thiện với môi trường. Qua đó, giúp em biết gìn giữ, bảo vệ môi trường tự nhiên luôn trong lành".

“Trong những trường hợp khó khăn được nhà trường hỗ trợ, có những hoàn cảnh éo le khiến ai nấy đều xót xa. Như trường hợp của một gia đình có 3 chị em nhưng bố đi tù, mẹ lại làm ăn xa. Người chị cả mới học cấp 2 phải lo cho 2 người em nhỏ ăn học. Do đó, nhà trường mong muốn góp chút nhu yếu phẩm để hỗ trợ, giúp các em bớt khó khăn khi đến trường. Thông qua những hoạt động này nhà trường cũng muốn giáo dục học sinh phải biết sẻ chia, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn”, cô Hoà tâm sự.

Cũng theo cô Hoà, nhà trường cũng sử dụng những vật liệu tái chế từ nhựa, tre… để làm thư viện lưu động. Qua đó, nâng cao văn hoá đọc, vốn tiếng Việt cho học sinh. Đồng thời giáo dục các em biết tái sử dụng những vật liệu tưởng chừng như bỏ đi và bảo vệ môi trường sống.

Giáo dục học sinh qua hoạt động trải nghiệm

Nhà trường hướng dẫn học sinh trải nghiệm làm rượu ghè.
Nhà trường hướng dẫn học sinh trải nghiệm làm rượu ghè.

Để học sinh hiểu rõ hơn văn hoá truyền thống của các dân tộc, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ (xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum) tổ chức cho các em được trải nghiệm, tham gia các nội dung khác nhau về văn hoá, truyền thống của dân tộc, địa phương.

Tại buổi hoạt động ngoại khoá, giáo viên hướng dẫn cẩn thận, tỉ mỉ cho học sinh các bước làm rượu ghè, cơm lam và nướng thịt. Bởi đối với người Xơ Đăng, rượu ghè có vị trí đặc biệt trong văn hóa ẩm thực. Theo đó, khi làm rượu ghè sẽ phải lấy những cục men khô giã thành bột. Sau đó, rắc đều vào các nguyên liệu dùng để ủ rượu như: nếp than, bo bo, kê, củ mì, gạo nếp… đã được nấu chín rồi cho vào ghè để ủ.

Thầy Nguyễn Trung Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đối với chương trình giáo dục địa phương, chủ đề múa Xoang có thời lượng 5 tiết. Tuy nhiên thay vì giảng dạy cho các em tại lớp, nhà trường tích hợp hướng dẫn các em trải nghiệm thực tế. Tại buổi trải nghiệm, nhà trường mời các nghệ nhân về trực tiếp hướng dẫn cho học sinh.

"Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ đã và đang xây dựng một môi trường học tập thân thiện, tích cực để gieo niềm đam mê đến trường cho học sinh với phương châm “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, thầy Dũng nói.

“Những hoạt động này nhằm đổi mới phương pháp và hình thức dạy học cho học sinh theo hướng trải nghiệm nhằm phát triển phẩm chất, năng lực. Bên cạnh đó, xây dựng môi trường học đường thân thiện, hiệu quả cho học sinh người dân tộc thiểu số”, thầy Dũng nói.

Cũng theo thầy Dũng, nhà trường không chỉ giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua những hoạt động văn hoá truyền thống mà đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và phát triển văn hoá đọc cho học sinh.

Với hơn 95% học sinh nhà trường là người dân tộc Xơ Đăng, do đó, việc tăng cường tiếng Việt cho các em là một trong những nội dung cốt lõi. Thông qua đó, nhà trường mong muốn học sinh thêm hiểu rõ và yêu tiếng Việt, có thể áp dụng trong học tập, giao tiếp.

Thầy Dũng cho hay, bên cạnh thư viện lớn được trang bị với đa dạng các đầu sách thì khuôn viên nhà trường có rất nhiều thư viện xanh dành cho các em học sinh. Theo đó, ngay từ chân cầu thang, dưới gốc cây, ghế đá… nhà trường đều trang trí và chuẩn bị sách, chỗ ngồi để học sinh phát triển văn hoá đọc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...