Giáo dục đạo đức lối sống trong nhà trường: Coi học sinh như con em mình

GD&TĐ - Song hành cùng giáo dục kiến thức cho học sinh dân tộc thiểu số, thầy cô giáo luôn quan tâm, đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức lối sống với tâm niệm "coi học sinh như con em mình".

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh dân tộc. Ảnh minh họa.
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh dân tộc. Ảnh minh họa.

Nhiều phương pháp tiếp cận

14 năm đi dạy cũng là chừng ấy năm thầy Lê Văn Vỹ, giáo viên Trường TH&THCS Đinh Núp, tỉnh Đắk Lắk, gắn bó với học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều gia đình giao khoán việc giáo dục con cái cho nhà trường và thầy cô.

Giáo dục pháp luật cho học sinh là một trong những nội dung được thầy giáo Lê Văn Vỹ đặc biệt quan tâm. Ảnh: NVCC.
Giáo dục pháp luật cho học sinh là một trong những nội dung được thầy giáo Lê Văn Vỹ đặc biệt quan tâm. Ảnh: NVCC.

Đồng cảm với hoàn cảnh của các em, thầy Lê Văn Vỹ chia sẻ: Trẻ em dân tộc thiểu số có tính cách nhút nhát, kỹ năng sống còn hạn chế. Để giáo dục học sinh nói chung và bồi dưỡng đạo đức, lối sống, trước hết, thầy cô phải thấu hiểu hoàn cảnh của trò và tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hoá dân tộc của các em.

Một điều khiến thầy Vỹ trăn trở là khả năng tiếp cận với kiến thức pháp luật của học sinh còn mỏng. Là giáo viên dạy môn Địa lí, thầy Vỹ thường lồng ghép vào bài giảng những kiến thức pháp luật giúp các em nhận thức hành vi hợp pháp, tránh xa các hành vi phạm pháp. Bên cạnh đó, thầy truyền tải kiến thức về an toàn giao thông, luật giao thông…

Để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, thầy giáo trẻ biến các kiến thức trên trở thành đề tài sáng chế khoa học. Đơn cử, trong Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh niên, nhi đồng tỉnh Đắk lắk lần thứ VIII, thầy Vỹ cùng nhóm học sinh lớp 9 chế tạo mô hình giao thông vận tải Việt Nam trên bảng điện tử, có nút lệnh, ký hiệu, biển báo… Sản phẩm giành giải Khuyến khích.

Thông qua dự án, học sinh lớp 9 đã nắm rõ một số biển báo giao thông đường bổ phổ biến hay quy định tham gia giao thông đúng… Sản phẩm tiếp tục trở thành giáo cụ học trực quan, sinh động cho các khoá tiếp theo.

Thầy Vỹ chia sẻ: Đồng bào bận rộn việc nương rẫy nên ít có thời gian quan tâm đến việc học tập của con cái. Thiếu sự động viên của gia đình, các em dễ mất động lực phấn đấu. Nếu học hành sa sút, thậm chí có thể bỏ học. Do đó, tôi thường khen ngợi học trò từ những thành tích nhỏ nhất.

"Nhiều học sinh tại trường đã phấn đấu để tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp xã. Dù thành tích chưa cao, sự nỗ lực này vẫn xứng đáng được ghi nhận, khen ngợi. Dần dần, các em sẽ được tiếp nguồn động lực và nhận thức đúng đắn để phấn đấu học tập", thầy giáo trẻ cho hay.

Tại Trường Tiểu học Lâm Thiện, tỉnh Bình Thuận, giáo dục về văn hoá truyền thống là một nội dung quan trọng trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

Cô giáo Thông Thị Lệ chia sẻ: Là người con của dân tộc Chăm, dạy Tiếng Chăm cho học sinh dân tộc, tôi thường lồng ghép các bài học về văn hoá, câu chuyện dân gian, sự tích của người Chăm. Những tư liệu này gắn liền với học sinh giúp tăng cường việc học tiếng dân tộc, đồng thời, giáo dục các em lưu giữ, bảo tồn văn hoá truyền thống.

Ngoài ra, hàng năm, nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khoá vào các dịp lễ quan trọng. Học sinh biểu diễn bài hát, điệu múa dân tộc… để thể hiện tình yêu với dân tộc, quê hương, đất nước.

Cô giáo Quách Thị Huế (ở giữa, hàng hai) chụp ảnh kỉ niệm cùng học sinh Trường PTDT Nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán. Ảnh: NVCC.
Cô giáo Quách Thị Huế (ở giữa, hàng hai) chụp ảnh kỉ niệm cùng học sinh Trường PTDT Nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán. Ảnh: NVCC.

Lan tỏa bài học tích cực

Cô Quách Thị Huế, giáo viên Trường PTDT Nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán, tỉnh Đồng Nai, chia sẻ, giáo dục đạo đức, lối sống là công tác quan trọng, song hành cùng giáo dục văn hoá cho học sinh dân tộc thiểu số đang sinh hoạt và học tập nội trú.

Cô Huế cho biết: Ở lứa tuổi THCS, học sinh thường gặp những thay đổi về tâm, sinh lý nhưng phải sống xa gia đình. Chung suy nghĩ "coi học sinh như con em mình", thầy cô thường xuyên quan tâm, lắng nghe chia sẻ, tâm tư của các em để đưa lời khuyên, hướng dẫn chăm sóc và bảo vệ bản thân khi sống xa nhà. Trên lớp, bên cạnh giáo dục văn hoá, thầy cô lồng ghép giáo dục về lý tưởng sống, kỹ năng sống để học sinh có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội.

Cô Tuyền vận động quyên góp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC.
Cô Tuyền vận động quyên góp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, cô giáo Hồ Thị Thanh Tuyền, giáo viên Trường Tiểu học Châu Điền A, tỉnh Trà Vinh, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ học sinh và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cô kêu gọi quyên góp tiền, thuốc men, nhu yếu phẩm để phân phát cho học sinh và người có hoàn cảnh khó khăn.

Cô Tuyền tâm sự: Học sinh nhà trường đa phần là người Khmer, sống với ông bà do cha mẹ làm ăn xa. Nhiều em vẫn đang sống trong lán tạm, quần áo, đồ dùng học tập còn thiếu thốn. Khi dịch bệnh xuất hiện, gia đình các em càng bị ảnh hưởng nặng nề. Thương trò, tôi chỉ mong các em có cuộc sống đầy đủ hơn.

"Những bài học về đạo đức, lối sống không ở đâu xa, chính trong những hành động thường ngày. Khi giúp đỡ các em, tôi cũng muốn lan tỏa ý nghĩa của tinh thần "lá lành đùm lá rách". Sự sẻ chia, bao bọc lẫn nhau sẽ giúp chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn này", cô Tuyền cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ