Rèn dạy giáo dục đạo đức, lối sống qua các hoạt động thực tiễn

GD&TĐ - Cùng với việc dạy kiến thức văn hoá, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được các nhà trường quan tâm. Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, giáo điều, thầy cô chú trọng rèn dạy các em qua các hoạt động.

Được học các môn chuyên, học sinh không chỉ thể hiện năng khiếu mà còn rèn kĩ năng, lối sống chan hoà, lành mạnh.
Được học các môn chuyên, học sinh không chỉ thể hiện năng khiếu mà còn rèn kĩ năng, lối sống chan hoà, lành mạnh.

Rèn dạy qua thực tiễn

Trường THCS Cát Bà (thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) có trên 700 học sinh. Do đặc thù huyện đảo, số lượng các khu vui chơi còn hạn chế, học sinh không có nhiều cơ hội tiếp cận và vui chơi lành mạnh sau mỗi giờ học căng thẳng trên lớp. Vì vậy, công tác rèn kỹ năng sống, giáo dục đạo đức của nhà trường được thực hiện thông qua các chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp và gắn liền với thực tiễn.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Cát Bà chia sẻ, nhà trường tập trung giáo dục đạo đức, rèn lối sống, kỹ năng cho học sinh thông qua các tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp theo chủ điểm tháng như: “Truyền thống nhà trường” nhân dịp chào mừng năm học mới; “Tôn sư trọng đạo” nhân dịp kỉ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11; “Uống nước nhớ nguồn” chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; trải nghiệm“Đi tìm địa chỉ đỏ”.

Qua các hoạt động, các em được giáo dục về lịch sử, địa lý địa phương, truyền thống của nhà trường từ đó thêm yêu quê hương nơi mình sinh ra; gắn bó, đoàn kết với các bạn cùng xây dựng tập thể lớp, nhà trường thêm vững mạnh. Vì thế, qua thời gian, lớp lớp thế hệ thầy cô, học sinh luôn tự hào, dành tình cảm yêu mến với nhà trường.

Để học sinh thấy được vai trò, trách nhiệm của mình với xã hội, nhà trường thường tổ chức phong trào “Em làm kế hoạch nhỏ”  bằng cách thu gom rác thải nhựa, giấy vụn để xây dựng quỹ đội.

Học sinh Trường THCS Cát Bà có những hoạt động ngoại khoá bổ ích.
Học sinh Trường THCS Cát Bà có những hoạt động ngoại khoá bổ ích.

Các phong trào “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” quyên góp, ủng hộ các bạn học sinh nghèo vượt khó thành truyền thống của Trường THCS Cát Bà. Học trò không chỉ được thể hiện sự quan tâm, san sẻ với các bạn có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình mà còn được học cách sống đẹp, bồi dưỡng tâm hồn và lòng nhân ái; khơi dậy niềm trắc ẩn trong mỗi các em.

Bên cạnh đó, các buổi đối thoại, tọa đàm, sinh hoạt Liên đội về nội dung như : “Tuyên truyền Luật an toàn giao thông”; “Tuyên truyền Sức khoẻ sinh sản tuổi vị thành niên”; “Tuyên truyền phòng chống cháy nổ và cứu nạn cứu hộ”; “Tuyên truyền pháp luật”. 

Thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động tập thể mang tính chất phối hợp với cộng đồng là cơ hội lớn để thầy cô giáo dục đạo đức, lối sống đối với học sinh. Cũng qua các hoạt động trên, góp phần tích cực trong công tác rèn kỹ năng sống, giải quyết các vấn đề thực tiện xã hội. Những việc làm thường xuyên của nhà trường sẽ ngấm dần trong học sinh từ đó giúp các em lớn lên với hành trang vững vàng, cô Hương cho hay.

Chú trọng các môn chuyên

Cô Nguyễn Thanh Trà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quốc Tuấn, huyện An Lão, TP Hải Phòng cho hay, để phát triển toàn diện phẩm chất năng lực cho học sinh thì giáo dục đạo đức, lối sống cho các em rất quan trọng.

Với học sinh tiểu học đó là sự hợp tác trong học tập, nề nếp ra vào lớp, thái độ ứng xử với thầy cô và bạn bè. Nhà trường luôn quán triệt và đề cao vấn đề này với giáo viên chủ nhiệm. Trong mỗi lớp học, thầy cô thường phân quyền cho học sinh tự đánh giá, giám sát nề nếp lẫn nhau.

Thay vì nhắc nhở, giáo dục các em trong các tiết học, giáo viên là người làm gương, từ lời ăn, tiếng nói đến cử chỉ, hoạt động. Ở Trường tiểu học Quốc Tuấn, không có việc kiểm điểm, phê bình học sinh trước lớp hay trong nhóm phụ huynh trên mạng.

Những em thực hiện tốt sẽ được thầy cô tuyên dương trong lớp và trong nhóm phụ huynh. Còn em nào chưa đạt, giáo viên gọi điện trực tiếp cho phụ huynh trao đổi và cùng phối hợp, cô Trà cho biết.

Việc rèn đạo đức, kỹ năng, lối sống cho học sinh qua các môn học được các nhà trường chú trọng.
Việc rèn đạo đức, kỹ năng, lối sống cho học sinh qua các môn học được các nhà trường chú trọng.

Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm mà việc ăn quà vặt còn tạo nên hành vi, thói quen không tốt ở trẻ. Vì thế, nhà trường quán triệt tới phụ huynh và các em học sinh hiện tượng ăn quà vặt nơi cổng trường. Đội Sao đỏ của trường, cô Tổng phụ trách đội được giao sát sao việc này.

Qua mỗi dịp lễ, Tết nhà trường cho học sinh viết thư, viết bưu thiếp thể hiện tâm tư, tình cảm, điều các em muốn nói với cha mẹ, thầy cô và mái trường. Dựa vào đó, giáo viên nắm được tâm lý các em để có biện pháp giáo dục phù hợp.

Chương trình Phát thanh học đường, hòm thư Điều em muốn nói được duy trì trong Trường tiểu học Quốc Tuấn. Theo cô Trà, qua hòm như, nhiều em thể hiện mong muốn nhà trường có khu vui chơi, tổ chức nhiều hoạt động thăm quan, trải nghiệm.

Những tiết học Âm nhạc vui nhộn truyền đi năng lượng tích cực, giúp trò hào hứng khi đến trường.
Những tiết học Âm nhạc vui nhộn truyền đi năng lượng tích cực, giúp trò hào hứng khi đến trường.

Ông Cao Văn Rôi, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng cho hay, các môn chuyên như: Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục địa phương, Âm nhạc, Mỹ thuật...có tác dụng tích cực trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Ngoài việc học các kiến thức văn hoá, các em được thể hiện năng khiếu, sở thích qua môn chuyên. Giờ học nhẹ nhàng, vui vẻ khiến trò cân bằng được hoạt động giáo dục khi đến trường. Qua đó, giáo viên có thể truyền năng lượng tích cực về tình yêu quê hương, đất nước, thiên nhiên thắng cảnh hay rèn dạy kỹ năng cho học sinh.

Xác định được vai trò của các môn chuyên nên phòng GD&ĐT huyện Tiên Lãng luôn quán triệt tới các nhà trường phải chú trọng thực hiện nghiêm quy định khung chương trình và kế hoạch giáo dục. Huyện Tiên Lãng hàng tháng đều có chuyên đề cấp cụm, cấp huyện để thầy cô dạy những môn chuyên cùng nhau trao đổi, học tập và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ