Linh hoạt hình thức giáo dục đạo đức, lối sống để học sinh có hoài bão và bản lĩnh

GD&TĐ - Cùng với việc thi đua “Dạy tôt – Học tốt”, nâng cao chất lượng giáo dục, các nhà trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn đặc biệt chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Trường THCS Phù Ninh tăng cường hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh
Trường THCS Phù Ninh tăng cường hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

Từ đó, giúp các em phát triển toàn diện về cả trình độ, năng lực và phẩm chất tốt đẹp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Linh hoạt các hình thức

Những năm qua, Trường THCS Chu Hóa, TP Việt Trì (Phú Thọ) đã và đang kết hợp đa dạng và linh hoạt các hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Trước tiên, các thầy cô giáo phải là tấm gương sáng, mẫu mực hàng động việc làm để học sinh noi theo. Hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh mà nhà trường triển khai thông qua các chương trình ngoại khóa theo chủ đề, chủ điểm, các tiết chào cờ đầu tuần...

Trong những buổi học ngoại khóa các em được thể hiện mình, được chia sẻ, được học từ thầy cô, bạn bè. Giúp các em nhận ra được mái trường, thầy cô, bạn bè thật sự là gia đình của mình, từ đó các em thấy hạnh phúc và khát khao hoàn thiện bản thân.

Trường THCS Chu Hóa đã và đang kết hợp đa dạng các hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh
Trường THCS Chu Hóa đã và đang kết hợp đa dạng các hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, thầy giáo Hà Sỹ Toàn – Hiệu trưởng Trường THCS Chu Hóa nhấn mạnh: Giáo dục là một khoa học và là một nghệ thuật; trong đó giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là một vấn đề khá nan giải, phức tạp và nhạy cảm đòi hỏi sự khéo léo, tế nhị. Để khơi dậy sự hứng thú giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thì phải bắt nguồn từ sự chân thành, tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu, vừa làm thầy vừa làm bạn. Các em mong muốn được tôn trọng, được chia sẻ và được yêu thương.

Đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh qua mạng xã hội, thầy giáo Hà Sỹ Toàn bày tỏ quan điểm, vấn đề mạng xã hội ngày càng có sức ảnh hưởng lớn với học sinh. Mạng xã hội bên cạnh mặt lợi thì nhà trường cũng gặp không ít khó khăn trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống học sinh.

Theo đó, trường THCS Chu Hóa đã đưa ra những giải pháp phù hợp, khai thác những thế mạnh của mạng xã hội để giáo dục đạo đức học sinh. Giúp các em biết tiếp cận với mạng xã hội và biết cách làm chủ bản lĩnh, biết chọn lọc thông tin, biết kết nối với cộng đồng với thế giới, mở mang tri thức, hoàn thiện bản thân. Thầy cô luôn tư vấn kịp thời để học sinh sử dụng hiệu quả nhất mạng xã hội.

Học sinh trường THCS Chu Hóa thi khoa học kỹ thuật cấp TP Việt Trì với dự án “Trích ly tinh dầu hạt Hoàng Bì bằng rượu trắng, những công dụng tiện ích”
Học sinh trường THCS Chu Hóa thi khoa học kỹ thuật cấp TP Việt Trì với dự án “Trích ly tinh dầu hạt Hoàng Bì bằng rượu trắng, những công dụng tiện ích”

Em Hà Thảo Vân – Học sinh lớp 6A trường THCS Chu Hóa hào hứng cho biết: Đến trường, em và các bạn được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích theo chủ đề, chủ điểm; các hoạt động trải nghiệm, kĩ năng sống qua các tiết chào cờ…giúp gắn kết học sinh trong toàn trường; chúng em có thêm nhiều bạn bè mới, tự tin khi trao đổi, trò chuyện với các thầy, cô giáo. Qua đây, chúng em có cơ hội rèn luyện tác phong, đạo đức lối sống; tự tin và chủ động trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Cầu nối Gia đình – Nhà trường - Xã hội

Trường THCS Phù Ninh (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) cũng đang triển khai đồng bộ, đa dạng các các hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Nhà trường tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, sinh hoạt câu lạc bộ với các chủ đề về giáo dục đạo đức cho học sinh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm lớp. Phát huy vai trò chủ thể của học sinh và năng lực tự quản của tập thể học sinh. Tăng cường công tác phối hợp giữa “Nhà trường - Gia đình - Xã hội”.

Trường THCS Phù Ninh phát động cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021
Trường THCS Phù Ninh phát động cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Cô giáo Phạm Thị Hồng Loan – Hiệu trưởng trường THCS Phù Ninh, chia sẻ: Để triển khai giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, khơi gợi sự hứng thú với phương pháp và tạo ra hiệu quả, Trường THCS Phù Ninh đã thực hiện với nhiều hình thức khác nhau cả trực tiếp và gián tiếp. Đồng thời, lồng ghép các bài học giáo dục thông qua những hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm. Cùng với đó là tăng cường hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh…

Các buổi tọa đàm quy mô lớp học, các chương trình văn nghệ với các nội dung ca ngợi quê hương đất nước, uống nước nhớ nguồn, ơn nghĩa sinh thành… thường xuyên được tổ chức để lan tỏa ý thức trách nhiệm tới từng thành viên trong lớp.

Đối với việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh qua mạng xã hội, cô giáo Phạm Thị Hồng Loan cho rằng: Mạng xã hội đem đến cơ hội và thách thức. Không thể phủ nhận rằng mạng xã hội mang lại rất nhiều lợi ích cho người dùng. Mạng xã hội cho phép các em kết nối, chia sẻ cùng nhau ngay cả khi không đến lớp. Các em có thể liên lạc với bạn để chia sẻ tài liệu, trao đổi học tập hay giúp nhau giải đáp thắc mắc ở lớp. Bên cạnh đó, rất nhiều tài liệu học tập bổ ích được chia sẻ trên mạng xã hội. Đây sẽ là nguồn tài nguyên to lớn để phục vụ việc học tập và nghiên cứu của học sinh.

Ông Bùi Tuấn Long – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ cho biết: Với mục tiêu tạo môi trường để học sinh phát triển toàn diện, Phòng Giáo dục đã thường xuyên chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt Chỉ thị số 31 của Thủ tướng Chính phủ về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông; công tác xã hội trong trường học.

Đặc biệt, các trường học đã lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh trong các chương trình học và hoạt động giáo dục, như: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phổ biến, giáo dục pháp luật; giáo dục an toàn giao thông, văn hóa giao thông. Kết hợp giáo dục truyền thống nhà trường, lịch sử địa phương... Thông qua những cách làm hiệu quả nói trên, các trường học trên địa bàn huyện Phù Ninh đã từng bước hình thành ở các em học sinh mục đích sống có lý tưởng, lối sống đẹp, sống có hoài bão, bản lĩnh, luôn suy nghĩ và hành động để hoàn thiện mình hơn, giúp ích cho mình, gia đình, quê hương, xã hội.

“Quan điểm của ngành là xây dựng thành công “Trường học hạnh phúc” các đơn vị trong huyện cần nêu cao tinh thần dân chủ; không áp đặt, rập khuôn, một chiều; không nhồi nhét kiến thức; không chạy theo hình thức, hư danh”, ông Bùi Tuấn Long khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ