Giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV: Dạy trò từ điều nhỏ nhất

GD&TĐ - Với trẻ dân tộc thiểu số, khi bắt đầu rời xa gia đình, bản làng, trường nội trú trở thành ngôi nhà thứ 2 của các em trong nhiều năm.

Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong tặng quà động viên học sinh lớp 6 bước vào năm học mới. Ảnh: NTCC
Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong tặng quà động viên học sinh lớp 6 bước vào năm học mới. Ảnh: NTCC

Tiếng Việt chưa thông thạo, khác biệt văn hóa, thay đổi trong sinh hoạt, học tập khiến các em bỡ ngỡ, rụt rè thậm chí khép mình. Thầy cô trở thành chỗ dựa, dồn yêu thương, tâm huyết, kiên nhẫn thêm gấp nhiều lần để dạy các em.

Đón trò từ ngày đầu bỡ ngỡ

Một tuần sau khai giảng, Lo Thị Bẹp mới đến nhập học tại Trường Phổ thông DTNT THCS Tương Dương (Nghệ An). Không người thân đi cùng, mà chỉ có bác xe ôm chở Bẹp từ xã Nga My, vượt gần 60km đường đèo đến trường đóng tại xã Thạch Giám. Hành trang của Bẹp chỉ có một bộ quần áo dài mặc trên người, ôm theo một chiếc chiếu và chăn mới do chính quyền xã tặng để vào ở nội trú. Cô bé tộc người Ơ Đu đứng ngơ ngác trước cổng, chờ thầy cô ra đón.

Cô Lô Thị Thùy - Hiệu trưởng nhà trường - nhớ lại: Trước năm học mới, giáo viên không thể nào liên lạc được với gia đình em Lo Thị Bẹp. Sau đó, nhà trường nhờ chính quyền xã Nga My xác minh, tìm hiểu. Lúc này, địa phương thông tin lại, em Lo Thị Bẹp có hoàn cảnh vô cùng éo le. Bố mất sớm, người mẹ sau đó đi bước nữa, để con gái lại cho bà ngoại đã hơn 80 tuổi chăm sóc. Bà đau yếu quanh năm, cháu vẫn đang khờ dại, thiếu đói quay quắt.

Lo Thị Bẹp được ban giám hiệu nhà trường đón, sau đó giao cho giáo viên chủ nhiệm là thầy Phạm Quỳnh. Nhìn hành trang của cô học trò nhỏ, thầy chủ nhiệm hỏi Bẹp mang theo mấy bộ quần áo. Cô bé trả lời chỉ có 1 bộ quần áo dài đang mặc trên người. Vậy là thầy kêu gọi giáo viên trong trường ủng hộ, rồi chở Bẹp lên thị trấn mua sắm quần áo, vật dụng sinh hoạt, bút vở, đồ dùng học tập...

Nhập học muộn hơn, Bẹp được thầy Quỳnh và giáo viên quản sinh hướng dẫn từ cách sắp xếp giường ngủ, giờ giấc sinh hoạt nội trú. Bắt đầu cuộc sống nội trú được gần 1 tuần, Bẹp xin chuyển phòng ở. “Tìm hiểu mới biết, Bẹp vốn không được sống cùng với bố mẹ để mà nhớ, khóc. Nhưng em thấy lạ lẫm, khó hòa nhập với các bạn xung quanh. Vì vậy, em đã trốn sang phòng khác có 1 chị cùng là người Ơ Đu để bớt lạc lõng rồi xin ở lại luôn”, thầy Quỳnh kể.

Sau khi được thầy trò chuyện, em đã đồng ý về phòng cũ với các bạn cùng lớp để tiện học tập, sinh hoạt. Nhưng giáo viên và bộ phận quản sinh sẽ sắp xếp để có thêm bạn người Ơ Đu ở cùng Bẹp. Vì đây là một trong số dân tộc rất ít người, học sinh tộc người này ở trường cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Em Lo Thị Bẹp và thầy chủ nhiệm Phạm Quỳnh. Ảnh: NTCC
 Em Lo Thị Bẹp và thầy chủ nhiệm Phạm Quỳnh. Ảnh: NTCC

Lớn lên từ ngôi nhà nội trú

Năm học 2020 - 2021 là quãng thời gian vất vả với cô Lương Ly – chủ nhiệm lớp 7 - Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong (Nghệ An). Lớp học của cô có 35 bạn, phần lớn con hộ nghèo. Thời gian đầu chưa hòa nhập, nhiều em đòi bỏ trường về bản. Cá biệt là trường hợp em Lương Văn Huy ở xã biên giới Tri Lễ. “Mắc bệnh dạ dày từ khi còn tiểu học, vào trường nội trú, vừa nhớ nhà, vừa xa lạ, Huy nằng nặc đòi về. Có lần, Huy còn trèo tường để trốn ra khỏi trường nội trú cả đêm”, cô Lương Ly nhớ lại.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm chủ nhiệm, cô Ly hiểu tâm lý trên là bình thường khi các em vừa rời bản làng, xa gia đình. Với trường hợp đặc biệt hơn, giáo viên phải tìm hiểu rõ vấn đề, quan tâm và kiên nhẫn giúp đỡ. Riêng em Huy, bố mẹ em rất muốn con được học ở trường, còn sắc thuốc, vượt đường xa mang xuống cho con. Thấy vậy, cô đã nhận thay bố mẹ Huy chăm sóc em trong thời gian điều trị bệnh. Sang học kỳ II, cậu bé Huy không còn ý định bỏ khỏi trường nữa. Sức khỏe em cũng tốt lên, hăng hái học tập.

Cô Nguyễn Thị Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong, chia sẻ: Giáo viên nội trú, luôn phải nỗ lực gấp nhiều lần, không chỉ dạy kiến thức, mà còn là cha mẹ thứ 2 lo cho học sinh từ những điều nhỏ nhất. Cái rõ nhất sau 4 năm học, là các em mạnh dạn, tự tin lên rất nhiều. Học sinh có tiến bộ về kiến thức, kỹ năng, thể chất cũng tốt hơn để sẵn sàng bước vào bậc THPT.

Lương Thị Lan Anh (cựu HS Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An) vừa trúng tuyển vào ngành Bác sĩ Đa khoa (Trường ĐH Y Hà Nội). Kết quả này, không quá bất ngờ với thầy cô và nữ sinh người Thái. Bởi em đã có nỗ lực không ngừng suốt 12 năm qua. Lan ở “nội trú” từ năm lớp 6, trải qua những ngày đầu khóc như mưa vì nhớ bố mẹ, sau đó dần dần cởi mở, mạnh dạn hơn. Lên THPT, em đã nhanh chóng hòa nhập với thầy cô, bạn bè mới, dù có chút áp lực bởi các bạn   đến từ nhiều huyện trong tỉnh đều học giỏi.

Môi trường THPT kiến thức sâu rộng hơn, nhà trường cũng tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa, CLB để rèn kỹ năng cho học sinh. “Khi chọn ngành, bố mẹ muốn em học Quân y để đỡ lo chi phí. Nhưng ở nội trú 7 năm đã giúp em trưởng thành rất nhiều, biết tự lập, sắp xếp cuộc sống sinh hoạt. Vì vậy, em chọn Trường ĐH Y Hà Nội theo mơ ước và sẵn sàng cho cuộc sống sinh viên, kể cả đi làm thêm để trang trải cuộc sống”, Lan Anh nói. 

Trường Phổ thông DTNT THCS Tương Dương tập trung học sinh của 6 thành phần dân tộc, như: Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu… Văn hóa, tập tục sinh sống, kỹ năng của các em khác nhau. Khi mới vào trường, học sinh chưa biết tự chăm sóc bản thân, chưa quen sử dụng thiết bị hiện đại, ngại giao tiếp, khép kín, phân biệt dân tộc. Trước thực tế đó, nhà trường giao giáo viên phụ trách từng lớp lồng ghép hoạt động giáo dục nội quy, kỹ năng cho học sinh. Các em dần hòa nhập, háo hức, phấn khởi khi được đi học bình thường. - Cô Lô Thị Thùy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Theo đuổi ước mơ

GD&TĐ - Một hôm, trong làng xuất hiện ông lão kỳ lạ, từng lang thang khắp nơi. Hu Wa cùng nhóm bạn nhỏ giống như lũ chim sẻ tíu tít vây quanh ông...

Cha con NSƯT Quyền Văn Minh sẽ chơi cùng các nghệ sĩ band Bình Minh Jazz Club.

NSƯT Quyền Văn Minh tái ngộ khán giả

GD&TĐ - NSƯT Quyền Văn Minh và con là nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc sẽ tái ngộ khán giả tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) trong liveshow 'Cha, con và nhạc Jazz'.