Giáo dục đạo đức, lối sống từ văn hóa, truyền thống

GD&TĐ - Trong xã hội phát triển, giáo dục đạo đức lối sống, hình thành các giá trị, chuẩn mực cho học sinh, sinh viên phù hợp với văn hóa, truyền thống là vấn đề đang được các nhà trường quan tâm, triển khai.

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh bằng hình thức sân khấu hóa.
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh bằng hình thức sân khấu hóa.

Nền tảng của giáo dục đạo đức

Có thể thấy mặt trái của kinh tế thị trường đang ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống xã hội và học sinhm sinh viên cũng không đứng ngoài. Dù các nhà trường đã tích cực triển khai nhiều phong trào, giải pháp để giáo dục đạo đức, lối sống song vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn.

Tình trạng học sinh vi phạm nội quy, thiếu lễ độ với người lớn, thầy cô giáo, thờ ơ vô cảm, phai nhạt lý tưởng không còn hiếm. Vấn đề bạo lực học đường ra tăng cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng dẫn tới lo lắng, bức xúc cho xã hội, gia đình.

Để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên nhiều trường THCS, THPT đã lồng ghép giáo dục văn hóa, truyền thống vào những tiết học trải nghiệm thực tế như dạy học lịch sử qua bảo tàng; đưa học sinh đi thăm di tích lịch sử; tổ chức hoạt động đền ơn đáp nghĩa... Phương pháp giáo dục này đã tỏ ra hiệu quả, khi học sinh được tác động trực tiếp đến ý thức, tình cảm.

Cô Đinh Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên trao đổi: Nhiều năm qua trường tổ chức các hoạt động dâng hương ngày giỗ tổ; Thắp hương tưởng niệm tại nghĩa trang các anh hùng liệt sĩ; thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng; giao lưu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hỗ trợ bạn nghèo hoặc hoàn cảnh khó khăn…

Tuy nhiên 2 năm nay do dịch Covid-19, học sinh phải học trực tuyến chủ yếu nên hình thức giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh đã linh hoạt hơn. Trường mời những chuyên gia tâm lý, nhà văn hóa trao đổi trực tuyến với học trò. Tăng cường việc học qua các trò chơi trực tuyến tìm hiểu truyền thống, văn hóa…

Dù giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh theo phương pháp nào thì các nội dung, hoạt động đều được trường lên kế hoạch và thực hiện nghiêm túc để không chỉ có chiều rộng mà đi vào chiều sâu.

“Thời gian tới khi học sinh trở lại học tập, sinh hoạt bình thường các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, giáo dục truyền thống sẽ được Đoàn Thanh niên của trường phát động mạnh mẽ và tổ chức hiệu quả hơn nữa nhằm tăng cường giáo dục toàn diện…”, cô Đinh Phương Anh cho biết.

Tại trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai), hoạt động hướng về truyền thống được Đoàn thanh niên tổ chức bằng nhiều hình thức như: sân khấu hóa, ca múa nhạc, hoạt cảnh kịch, vũ điệu trẻ, trang phục, pano áp phích, thi sáng tác thơ, truyện, vẽ tranh với đề tài lịch sử.

Giáo dục truyền thống gắn liền với các ngày lễ lớn, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp, các hoạt động hướng về cội nguồn, báo công dâng hương, hội trại tại những địa điểm di tích lịch sử. Đặc biệt, nhà trường còn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động, mô hình, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “trường học hạnh phúc” để thu hút học sinh tham gia, rèn luyện.

Cô Phạm Thị Lương, Phó hiệu trưởng trao đổi: Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đã được nhà trường cụ thể hóa trong các hoạt động truyền thống, văn hóa. Đây là phương pháp hiệu quả, thiết thực để tác động mạnh đến nhận thức, hình thành lối sống đẹp, có trách nhiệm và không vô cảm với những vấn đề xung quanh…

Học sinh viếng nghĩa trang liệt sĩ
Học sinh viếng nghĩa trang liệt sĩ 

Nâng hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống

 Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh qua truyền thống, văn hóa… là hướng đi phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay bởi các nhà trường không biến nội dung thành một môn học nặng về lý thuyết, giáo điều, khô cứng. Nội dung giáo dục truyền thống sẽ được thực hiện một cách linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng tạo rsa sự hấp dẫn người tiếp nhận, phù hợp với tâm lí lứa tuổi, xua tan áp lực học tập, phát huy tiềm năng trong mỗi học trò…”, cô Nguyễn Hồng Hải, giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên theo cô Hải, nói như vậy không có nghĩa giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh thông qua văn hóa, truyền thống trong học đường không tồn tại những khó khăn. Bởi bên cạnh việc đảm bảo nội dung chương trình khung bắt buộc đối với các môn học chính thức thì chương trình GDPT cũng có nhiều nội dung cần lồng ghép, tích hợp. Do đó, để lồng ghép giáo dục truyền thống, văn hóa chắc chắn sẽ có nhiều hạn chế thời gian.

Cô Phạm Thị Thu Phương, Bí thư Đoàn, giáo viên Trường THPT Tam Nông (Phú Thọ) cũng cho rằng: Hoạt động trải nghiệm (tham quan di tích lịch sử, bảo tàng…) để học sinh cảm nhận hết văn hóa, truyền thống và hơi thở thực tiễn rất cần thiết và hiệu quả. Tuy vậy kinh phí các trường cho hoạt động này khá hạn hẹp, không dễ xã hội hóa. Trong khi đó khuôn viên trường học lại chật hẹp, khó bố trí những tiết học trải nghiệm.  

Cô Nguyễn Thị Khánh, nguyên giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cũng khẳng định: Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh hiệu quả cần có sự kết hợp từ phía gia đình, nhà trường và xã hội.

Trong đó nhà trường giữ vai trò định hướng, uốn nắn hành vi của học sinh theo chuẩn mực giá trị chung của văn hóa truyền thống. Gia đình và xã hội là môi trường vun đắp, nuôi dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành giá trị đạo đức cho học sinh.

Vì vậy cần sớm khắc phục tình trạng giáo dục đạo đức cho học sinh giao phó hoàn toàn cho nhà trường kiểu “trăm sự nhờ thầy”. Tấm gương đạo đức của cha mẹ, văn hóa truyền thống của gia đình cũng sẽ giải pháp giáo dục hiệu quả hơn ngàn vạn lời lí thuyết suông.

Từ những khó khăn thực tiễn của giáo dục đạo đức, lối sống đòi hỏi nhà quản lý, nhà trường, giáo viên phải không ngừng tìm tòi sáng tạo, dành nhiều tâm huyết, tạo cơ hội để học sinh được giáo dục và phát triển toàn diện qua văn hóa, truyền thống một cách tự nhiên, thấm thía, hiệu quả nhất

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ