Đa dạng hình thức giáo dục đạo đức, tư tưởng của Bác ở lớp học vùng biên

GD&TĐ - Xác định giáo dục đạo đức, tư tưởng của Bác cho học sinh là nhiệm vụ trọng tâm, trường Tiểu học thị trấn Mường Tè đã đa dạng các hình thức dạy học từ những câu chuyện thiết thực về Người.

Một buổi trải nghiệm của học sinh thông qua các câu chuyện về Bác
Một buổi trải nghiệm của học sinh thông qua các câu chuyện về Bác

Lồng ghép vào môn học

Những ngày cuối tháng 5/2022, chúng tôi có chuyến công tác về miền biên viễn Mường Tè. 

Đến trường Tiểu học thị trấn Mường Tè (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) nhìn nụ cười rạng rỡ trên gương mặt cán bộ, giáo viên và học sinh, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của cô trò nơi đây khi vừa hoàn thành kỳ thi học kỳ với kết quả tốt đẹp.

Cô Bùi Thị Quế, Hiệu trưởng nhà trường chỉ tay hướng về nhà đa năng nằm phía sau dãy lớp học: “Mấy hôm nay, cô trò đang rất miệt mài luyện tập. Các cô giáo đang chuẩn bị cho học sinh tập văn nghệ để tham gia Đại hội liên đội cuối năm tổ chức vào ngày 19/5 ngày sinh Bác Hồ”.

Ngay từ đâu năm học, nhà trường đã xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải gắn với hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục. Cùng với đó, giáo viên và học sinh thực hiện các hoạt động cụ thể gắn liền với thực tiễn cuộc sống.

“Chúng tôi thường xuyên lồng ghép các tiết sinh hoạt chuyên đề. Tại đó, phân công cho từng giáo viên sưu tầm, kể lại những câu chuyện, bài hát, bài thơ về Bác. Việc làm này nhằm góp phần giáo dục cho học sinh rèn luyện đức tính giản dị, trung thực. Thầy cô cũng mong muốn các em có lòng yêu thương con người, kính trên nhường dưới, đoàn kết với bạn bè” – cô Quế cho biết.

Cô trò trường tiểu học thị trấn Mường Tè trong giờ hoạt động ngoại khóa.
Cô trò trường tiểu học thị trấn Mường Tè trong giờ hoạt động ngoại khóa.

Cô Nguyễn Thị Mai Quỳnh - giáo viên nhà trường chia sẻ: “Tôi cùng các giáo viên trong trường sưu tầm những câu chuyện, video ngắn, hình ảnh việc học tập và làm theo tấm gương Bác để lồng ghép vào các tiết học cho phù hợp. Từ việc làm này đã giúp học sinh hứng thú trao đổi, xây dựng bài. Qua đó, nhân rộng tấm gương người tốt việc tốt”.

Cô Quế cho biết thêm, nhằm giúp học sinh biết yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ bạn bè, vào các dịp tết trung thu, tết nguyên đoán nhà trường tổ chức tặng quà động viên những em có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài những hoạt động trên, trường còn phát động chương trình “tương thân, tương ái” như vận động phụ huynh đóng góp quỹ ăn bữa trưa tại trường cho những học sinh thuộc diện hộ nghèo đang theo học tại trường.

Ngừng đến trường… không ngừng học

Học sinh trường tiểu học thị trấn Mường Tè hưởng ứng ngày hội đọc sách.
Học sinh trường tiểu học thị trấn Mường Tè hưởng ứng ngày hội đọc sách.

Theo cô Bùi Thị Quế cho biết, hiện nhà trường có 54 cán bộ, giáo viên; 697 học sinh; 25 lớp học; có 3 điểm trường. Học sinh theo học tại trường có hơn 10 dân tộc, trong đó dân tộc Hà Nhì và Thái chiếm đa số.

Ngôi trường này nằm ở trung tâm của huyện, do đó điều kiện học tập có phần vượt trội so với các trường còn lại trên địa bàn. Vì thế, chất lượng học tập, cũng như các hoạt động phong trào trong huyện, trường đều đi đầu với nhiều thành tích cao.

Trên cương vị chức trách nhiệm vụ được giao, cô Quế cùng cán bộ, giáo viên nhà trường luôn xác định đổi mới phương pháp và hình thức nội dung giáo dục theo Chương trình GDPT 2018. Lấy trọng tâm là phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.

“Chúng tôi phân công giáo viên đứng lớp phù hợp với năng lực và sở trường của từng cán bộ. Sau khi được tập huấn Chương trình GDPT 2018, 100% giáo viên đều linh hoạt áp dụng phương pháp dạy học phù hợp. Sự thay đổi đó đảm bảo hiệu quả, tạo hứng thú cho học sinh khi tham gia học tập. Nhìn chung, dù còn khó khăn song chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng. Giai đoạn vừa, chúng tôi đã đạt được một số kết quả tích cực trong dạy và học”. - cô Quế bày tỏ.

Cô Mai Quỳnh chia sẻ: Quá trình dạy học, cô cùng giáo viên trong trường luôn thực hiện đúng định hướng đổi mới, đó là: Chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang chương trình giáo dục tiếp cận năng lực.

“Để làm được điều đó, bản thân tôi cùng giáo viên trong nhà trường đã thay đổi một số biện pháp dạy học truyền thống. Áp dụng đa dạng các phương pháp dạy học giúp học sinh hứng thú trao đổi, xây dựng bài. Từ đó, giúp các em phát triển được năng lực phẩm chất”. – cô Mai Quỳnh chia sẻ.

Theo chia sẻ của Ban giám hiệu, dù còn nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, song trường vẫn luôn chủ động linh hoạt thích ứng. Mục tiêu xuyên suốt trong mấy năm học gần đây mà nhà trường đặt ra là: “Ngừng đến trường nhưng không ngừng học”. Trên cơ sở đó, trường đã tự "xoay xở" để tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả. Giáo viên và học sinh toàn trường còn nỗ lực không ngừng để có mặt đầy đủ ở các cuộc thi online như: Lelts, Trạng nguyên Tiếng Việt.

Minh chứng cho những nỗ lực đó là 2 học sinh vinh dự giành được giải Nhất tại cuộc thi Ielts cấp tỉnh, 3 em đạt giải Nhì, 2 em giải khuyến khích. Trong đó, có 2 em lọt vào top 20 cấp tỉnh trong đợt thi quốc gia. Ngoài ra, tại cuộc thi Trạng nguyên tiếng Việt qua hệ thống mạng internet, có 2 em được giải Nhất cấp tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ