Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Thầy cô phải là tấm gương sáng

GD&TĐ - Muốn công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV đạt hiệu quả, bài học thường xuyên và thẩm thấu sâu sắc nhất tới các em chính là từ đạo đức, tác phong của các thầy cô giáo.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Bài học từ tấm gương thầy cô

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học trò nói chung, học trò trường dân tộc nội trú nói riêng, cô Lô Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương (tỉnh Nghệ An) chia sẻ: Giáo viên công tác tại trường nội trú có nhiều vất vả hơn giáo viên các trường khác. Thứ nhất là hầu như thời gian học sinh ở trường nhiều hơn ở nhà. Ngoài dạy chính khóa, giáo viên thay cha mẹ học sinh động viên, an ủi, vỗ về khi các em nhớ nhà. Hướng dẫn cách chăm sóc bản thân khi có sự thay đổi tâm sinh lý; cùng các em làm vườn, chơi thể thao…

Buổi tối còn phải đến trường hướng dẫn học sinh cách tự học. Chưa kể khi có học sinh ốm đau, thầy cô giáo phải túc trực, chăm sóc thường xuyên. Khi các em thiếu thốn đồ dùng cá nhân thì GV chủ nhiệm tự bỏ tiền túi mua cho các em trước, sau này phụ huynh trả lại. Cũng có em hoàn cảnh khó khăn, các thầy cô phải góp tiền để hỗ trợ.

“Là giáo viên nội trú, các thầy cô cũng phải kiên nhẫn hơn, coi học sinh như coi cái, tìm hiểu hoàn cảnh, cá tính... để vừa dạy kiến thức, vừa bồi đắp tình cảm, nghị lực, ước mơ cho các em. Tuy nhiên, các thầy cô, giáo đã gắn bó với trường nội trú rồi thì hầu hết đều thấy yêu nghề, yêu trò và luôn hết mình vì học sinh, luôn phấn đấu làm tấm gương sáng cho trò noi theo cả trong và ngoài giờ lên lớp” - cô Lô Thị Thùy tâm sự.

Theo quian điểm của TS Nguyễn Thị Thanh Nga, Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Một nguyên lý mà nhà giáo dục nào cũng cần hiểu đó là: “Chúng ta chỉ có thể cho người khác cái mà chúng ta có”. Trong giáo dục đạo đức, lối sống cũng vậy; Chỉ khi nào các thầy cô là những cây nhân cách, là những bậc thầy hiền trí chúng ta mới có thể trao truyền cho thế hệ học trò những phẩm chất đạo đức tốt đẹp được.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga đề cao vấn đề xây dựng hình mẫu từ chính đội ngũ giáo viên và nhân viên trong nhà trường. “Tam bảo” để giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh gồm: Người thầy hiền trí, bạn tốt và tủ sách hay. Thầy cần là người thầy đủ năng lực và phẩm chất nhân cách.

Trong nhà trường bắt buộc phải xây dựng bằng được thư viện, và không thể thiếu những cuốn sách hay về các vĩ nhân. Nên xây dựng văn hóa đọc, hướng dẫn cách chọn sách và cách đọc sách cho học sinh. Vì tự học vẫn là một kỹ năng quan trọng nhất trong quá trình phát triển nhân cách của mỗi người. Giáo dục đạo đức, lối sống cũng có thể thông qua các nhóm bạn. Vì với học sinh, quan hệ bạn bè yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nhân cách của các em.

Ngoài ra, cần có sự gắn kết các lực lượng giáo dục trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Cần thay đổi hình thức họp phụ huynh theo hướng thiết thực nhất như: tổ chức nhiều buổi “Parenting” trong đó tập trung trao đổi, chia sẻ về phương pháp giáo dục để nhà trường, gia đình hiểu nhau hơn, phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác giáo dục con trẻ.

Học sinh trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương. Ảnh tư liệu
Học sinh trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương. Ảnh tư liệu

Giáo dục đạo đức lối sống cho HSSV – thành tố không thể thiếu

Trong bối cảnh nhiều nhà trường đang phải dạy học online suốt thời gian dài, công tác giáo dục đạo đức lối sống cho HSSV cần cần được chú trọng, bởi chính hoàn cảnh thay đổi sẽ phát sinh nhiều vấn đề mà thấy cô cần lưu ý để hỗ trợ các em.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Nga, giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức nói riêng đó là việc diễn ra trong suốt cuộc đời và không phụ thuộc vào việc học online hay offline. Hiện nay, chúng ta nói nhiều đến “dạy học phát triển năng lực”.

Như vậy, kiến thức chỉ là một phần, điều quan trọng là từ kiến thức đó, bạn hình thành ở học sinh những năng lực thực tiễn gì. Chính vì vậy, dù là môn Toán, Hóa, Lý, hay môn Sinh… là giáo viên bạn nên tư duy để cài cắm vào đó các bài học đạo đức một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu.

“Giáo dục đạo đức không phụ thuộc vào việc học oniline hay offline mà phụ thuộc vào việc giáo viên tư duy, thiết kế chương trình và phương pháp giáo dục như thế nào mà thôi” - TS Nguyễn Thị Thanh Nga nhấn mạnh. 

Năm học này, vì thực hiện phòng chống dịch Covid-19, rất nhiều nhà trường không tập trung học sinh nên những công việc giáo dục tác phong, nội qua cho học sinh được giao cho giáo viên phụ trách từng lớp. Cô Lô Thị Thùy cho biết: Giáo viên đã thực hiện hướng dẫn các kỹ năng cơ bản của cuộc sống tập thể, như hướng dẫn cách giặt quần áo, gấp chăn màn, cách giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung...

Với trường dân tộc nội trú, học sinh lớp 6 vừa qua độ tuổi tiểu học, phần lớn chưa từng sống xa gia đình, nên sẽ rất nhớ bố mẹ, người thân. Vì vậy, thầy cô phải quan tâm hơn, trong thời gian đầu thường xuyên đến phòng thăm nom, trò chuyện, động viên để giúp các em vơi bớt nỗi nhớ nhà, bắt nhịp vào môi trường học tập mới.

“Tại Việt Nam, vấn đề về sức khỏe tâm thần và khó khăn tâm lý của học sinh có xu hướng gia tăng nên rất cần thiết thành lập phòng tham vấn học đường. Xuất phát từ nhu cầu và tính cấp thiết này, Bộ GD&ĐT đã ra thông tư số 31/2017 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.

Đây được xem như một cú hích quan trọng về mặt pháp lý trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại trường học cho trẻ em tại Việt Nam. Trong đó, vai trò và vị trí việc làm của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần, chuyên gia tâm lý học lâm sàng, chuyên gia tham vấn học đường tại các đơn vị giáo dục đào tạo từ cấp tiểu học tới phổ thông là không thể thiếu” - TS Nguyễn Thị Thanh Nga.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ