Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh qua những câu chuyện thực tế

GD&TĐ - Thông qua những câu chuyện ý nghĩa quanh cuộc sống và trải nghiệm thực tế, nhà trường giáo dục cho học sinh về đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó, giúp học trò biết và hiểu rõ hơn về nét đẹp của văn hoá truyền thống.

Nhà trường giáo dục học sinh từ những điều gần gũi trong cuộc sống.
Nhà trường giáo dục học sinh từ những điều gần gũi trong cuộc sống.

Tìm hiểu về văn hoá vùng miền

Cô Trần Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cho biết: Toàn trường có 20 lớp với 889 học sinh. Bên cạnh việc giảng dạy kiến thức cho học sinh, nhà trường còn chú trọng đến vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho các em.

Theo cô Thuỷ, những năm trước khi dịch Covid-19 chưa diễn biến phức tạp thì nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá. Trong đó, mỗi tháng là một chủ đề, chủ điểm khác nhau, nhưng phải gần gũi với học sinh, như: ứng xử, gia đình, cồng chiêng, đan lát… Không những vậy, nhà trường còn tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu về Ngục Kon Tum, Bảo tàng, Nghĩa trang liệt sĩ… để các em biết đến lịch sử và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ để bảo vệ hoà bình cho đất nước.

Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tuy nhiên nhà trường vẫn thường xuyên giáo dục, tuyên truyền cho học sinh về đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, văn hoá truyền thống… đan xen trong tiết học hoặc qua online.

“Mỗi tháng là một chủ đề, chủ điểm khác nhau, nhưng chủ yếu nhà trường hướng đến giáo dục các em về nhân cách, ứng xử với mọi người trong xã hội. Bên cạnh đó, giáo dục về văn hoá truyền thống tại địa phương cũng được nhà trường chú trọng để các em biết đến phong tục, tập quán của người bản địa nơi mình sinh sống”, cô Thuỷ chia sẻ.

“Nhà trường cũng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua tài liệu giáo dục địa phương. Từ ngày được tiếp cận bộ tài liệu này, học sinh rất thích thú khi được biết và tìm hiểu về cồng chiêng, cà phê, chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh… Qua đó, các em biết đến Tây Nguyên có nhiều loại nhạc cụ truyền thống, thức ăn, nước uống… và những trận chiến hào hùng trên mảnh đất mà mình đang sinh sống”, cô Thuỷ tâm sự.

Theo em Vũ Ngọc Quang Minh, học sinh lớp 2B, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, trong quá trình học trên trường  được thầy cô giới thiệu về cồng chiêng, múa xoang... "Không chỉ vậy, thầy cô còn kể cho chúng em nghe về những câu chuyện hay, ý nghĩa trong cuộc sống. Từ đó, chúng em biết yêu thương, chia sẻ với các bạn khó khăn hơn mình. Em hy vọng dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi để có thể đi tham quan, tìm hiểu nhiều hơn về những nét văn hoá truyền thống tại Kon Tum”, Quang Ming bày tỏ.

Giáo dục học sinh thông qua câu chuyện, tiểu phẩm

Cô giáo Lê Thị Quỳnh Thư giáo dục học sinh từ những câu chuyện thực tế.
Cô giáo Lê Thị Quỳnh Thư giáo dục học sinh từ những câu chuyện thực tế.

Cô Lê Thị Quỳnh Thư, giáo viên Trường PTDTNT huyện Đăk Glei (Kon Tum) cho hay: Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh không chỉ ở những cấp học nhỏ. Ở cấp THCS và THPT việc giáo dục rất quan trọng và cần thiết. Bởi độ tuổi này học sinh đang ở tuổi dậy thì, tâm sinh lý có nhiều thay đổi. Do đó, giáo viên phải đặc biệt quan tâm và phối hợp với gia đình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em. Từ đó, thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn với học trò.

Đối với học sinh trong trường cô  Thư thường xuyên giáo dục đạo dức lối sống cho các em bằng cách lồng ghép trong môn học. Bên cạnh đó tổ chức các hoạt động ngoại khoá, kể chuyện, hoạt cảnh… trong giờ chào cờ, sinh hoạt lớp.

“Hiện tại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều hoạt động ngoại khoá không được triển khai. Do đó, giáo viên tổ chức cho các em đóng tiểu phẩm, kết hợp các kĩ thuật dạy học tích cực để giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Đồng thời, tôi cũng tổ chức cho các em tham gia cuộc thi trực tuyến để nâng cao kiến thức, tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn… với nhau”, cô Thư tâm sự.

Để học trò cố gắng, vươn lên trong học tập cô thường xuyên kể cho các em nghe về những câu chuyện học sinh nghèo vượt khó.

Theo cô Thư, trải qua 13 năm giảng dạy, nhiều lứa học sinh của cô dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng vẫn cố gắng học tập. Đến nay đã đạt được nhiều thành công trong công việc cũng như cuộc sống. Các em là tấm gương sáng để thế hệ sau tiếp nối.

“Thông qua những câu chuyện thực tế từ thế hệ học sinh khóa trước, tôi muốn các em học tập, noi theo để học tốt và có cơ hội thoát khỏi đói nghèo. Bên cạnh đó, rèn luyện tính tự giác, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau”, cô Thư chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ