“Làm mới” cách giáo dục đạo đức lối sống
Cô Phan Thị Thùy Trang-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ, điểm mới của nhà trường giáo dục đạo đức học sinh là thông qua nhiều hình thức giáo dục phong phú như lồng ghép trong các giờ học, thiết kế các hoạt động ngoại khóa bổ ích.
Nhân dịp đón Xuân Nhâm Dần, trường tổ chức ngày Hội bản sắc văn hóa dân tộc. Hoạt động với mục đích bảo tồn, phát huy và nâng cao hiểu biết cho học sinh trong nhà trường về truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngày hội là một sân chơi bổ ích tạo điều kiện cho các em được giao lưu và phát huy các năng lực khác của bản thân trong các hoạt động tập thể, giáo dục ý thức trách nhiệm, rèn luyện kĩ năng sống cũng như bồi dưỡng lòng tự hào và yêu mến những bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung và quê hương Bắc Trà My nói riêng.
Cô Trang cho rằng, hoạt động đã giáo dục ý thức bảo tồn gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc nhân dịp đón tết cổ truyền, tạo điều kiện cho học sinh được trở lại không khí vui xuân của cha ông ta thời xưa qua các trò chơi dân gian, qua hoạt động tìm hiểu nghệ thuật của các dân tộc tại địa phương, qua tham gia các trò chơi dân gian.
“Các em được giao lưu, được rèn luyện kỹ năng làm việc tập thể, cộng đồng trách nhiệm, tăng cường giáo dục kĩ năng sống, tự hào về văn hóa dân tộc Việt Nam. Thông qua những buổi sinh hoạt ngoại khóa và ngày hội văn hóa như vậy, các em sẽ phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, tạo điều kiện cho trẻ em khó khăn tại trường có được một món quà tết, một mùa xuân vui tươi, ấm áp, thông qua đó tạo được dư luận xã hội mạnh mẽ, khuyến khích cộng đồng chung tay bảo vệ chăm sóc trẻ em”, cô Trang cho hay.
Ngoài ra, trường còn phối hợp với công an huyện tổ chức tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông và kỹ năng phòng chống cháy nổ, thoát nạn trong điều kiện cháy nhằm giúp các em có thêm kiến thức và kỹ năng phòng ngừa tai nạn cho bản thân và gia đình.
Hoạt động giáo dục cho các em hiểu biết về các phương pháp phòng cháy, chữa cháy sẽ giúp các em có thể chủ động nắm bắt được tình hình, cách phòng chống cháy nổ và cách xử lý đám cháy. Trong tình huống xảy ra hỏa hoạn, các em có thể bình tĩnh xử lý, đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như những người xung quanh.
“Đây là một trong những cách làm mới trong việc giáo dục đạo đức lối sống cho các em học sinh trong trường, nhằm giúp các em có thể tiếp thu một cách dễ dàng hơn. Đồng thời tạo sự sáng tạo cho các em học sinh”, cô Trang nhấn mạnh.
Đa dạng hóa chương trình
Tại Trường THCS Nguyễn Du (Quảng Nam), trong những năm qua, trường đã thay đổi cách giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh bằng cách áp dụng các hoạt động ngoại khóa, ngày hội văn hóa dân gian để học sinh trải nghiệm.
Cô Trần Thị Đoan Quỳnh – Tổng phụ trách đội Trường THCS Nguyễn Du cho hay, năm học qua, trường đã tổ chức một loạt các chuyên đề về an toàn giao thông, bạo lực học đường... cho học sinh. Đồng thời trường quy định về nề nếp ra vào trường, văn hóa học đường, văn hóa giao thông, những điều học sinh được làm, không được làm, quy định sử dụng điện thoại trong nhà trường...
“Thông qua nội dung tuyên truyền, trường tạo môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ rèn luyện và trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng, đạo đức cao đẹp, lối sống nghĩa tình, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách.
Nhà trường giúp các em thấy được môi trường học tập an toàn và thân thiện giúp các em ngày một tốt hơn, sống có trách nhiệm với Tổ quốc, gia đình và bản thân, có ước mơ hoài bão, có kiến thức, có kỹ năng, sức khoẻ tốt, tư duy năng động, sáng tạo, lạc quan và tự tin”, cô Quỳnh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thanh Tú-Trưởng phòng Phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), cùng với thực hiện tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các đơn vị, ngành như đoàn thanh niên, công an... trong việc đa dạng hóa chương trình giáo dục phù hợp, hiệu quả cho học sinh, ngành giáo dục chủ động bổ sung các tiêu chí đánh giá chất lượng dạy và học với cả giáo viên và học sinh thông qua chính kết quả trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống.
Hiện, ngành giáo dục cũng đang kiện toàn đội ngũ, xây dựng các phòng chính trị, tư tưởng từ phòng đến cơ sở để tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, chấn chỉnh học sinh trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống.
Để công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh đi vào chiều sâu và lan tỏa rộng, ngành giáo dục huyện chú trọng xây dựng nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong nhà trường phù hợp với từng cấp học và trình độ, tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa nhân loại, truyền thống văn hóa dân tộc.
Thực tế cho thấy, các cấp học, các nhà trường, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt việc lồng ghép giáo dục truyền thống vào các hoạt động ngoại khóa và trên lớp như các tiết học trải nghiệm thực tế giáo dục lịch sử tại bảo tàng, đưa học sinh đến thăm các khu di tích lịch sử, tham gia các lễ hội truyền thống tại địa phương...
Các hoạt động trên đã góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng tư tưởng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh với nhiều cách làm hay, sáng tạo, góp phần vào công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên trên địa bàn...