Thế chân kiềng cho giáo dục đạo đức học đường

GD&TĐ - Sáng nay (11/4), tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý chủ trì Hội thảo toàn quốc về công tác GD đạo đức, lối sống cho HS, SV. 

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Một “nhà” chưa đủ

  

Thứ trưởng Trần Quang Quý phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, TS Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Khi thấy HS, SV trường này, trường kia có thái độ chưa ngoan, hay hành vi vi phạm pháp luật…, người ta thường “đổ lỗi” cho ngành GD. Không thể phủ nhận, một số trường học hay cơ sở GD còn giáo dục đạo đức cho HS, SV chưa triệt để, chưa có biện pháp xử lý nghiêm khắc với hành vi vi phạm. 

Tuy nhiên, nếu chỉ đổ nguyên nhân về phía nhà trường, sẽ không thể giải quyết được tận gốc. Bởi HS, SV hư, vi phạm pháp luật… còn bắt nguồn từ phía gia đình. 

Không ít các bậc cha mẹ thiếu sự quản lý hoặc chiều chuộng quá mức, để các em có thể tuỳ ý làm bất cứ điều gì mình muốn. Nhiều gia đình do mải mê làm ăn, kiếm sống không chú ý, quan tâm đến con cái mình nghĩ gì, làm gì, học gì. 

Trong thực tế vẫn còn những bậc cha mẹ chưa làm gương cho con cái. Con cái vi phạm đạo đức hoặc vi phạm pháp luật mà cha mẹ không hề hay biết, hoặc không biết cách ngăn chặn, phòng ngừa. Thậm chí, có phụ huynh còn mang tư tưởng giao phó việc dạy dỗ con em mình cho giáo viên, cho nhà trường…

Cùng với đó là sự tác động của những tiêu cực xã hội (phim, ảnh không lành mạnh, hay những trò chơi điện tử mang tính bạo lực… xuất hiện nhan nhản trên các trang báo mạng) lên tâm lý của các em…

Ý kiến của TS Ngũ Duy Anh nhận được sự đồng tình từ các đại biểu tham dự Hội thảo. Ông Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đào tạo và Dạy nghề (Ban Tuyên giáo T.Ư)  - phân tích: “GD con cái ngay từ khi còn thơ ấu đến lúc trưởng thành là việc rất công phu và khoa học, nó hình thành nên giá trị của mỗi con người. 

Nếu trẻ em hư hỏng, trước hết thuộc về các bậc làm cha làm mẹ. Bởi vì từ khi mới sinh ra đến tuổi đi học, các em chịu sự chi phối rất sâu sắc của cha mẹ, mọi hành vi, cử chỉ, thái độ tình cảm của cha mẹ, cùng những người trong gia đình đều tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của trẻ...”.

PGS. TS Đặng Quốc Bảo - Nguyên Giám đốc Học viện Quản lý GD (Bộ GD&ĐT) - khẳng định: “Cho dù GD trong nhà trường có tốt đến mấy nhưng nếu thiếu sự GD trong gia đình và xã hội thì kết quả cũng không toàn diện, bền vững. 

Bởi vậy để công tác GD đạo đức, lối sống thực sự đi vào chiều sâu và có hiệu quả thì chỉ ngành GD làm là chưa đủ mà phải có sự phối hợp đồng bộ giữa “3 nhà” – gia đình, nhà trường và xã hội”.

 Những chuyển động cần thiết

Tại Hội thảo, TS Chu Văn Yêm – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cho biết: Môn học GD đạo đức ở cấp tiểu học hay giáo dục công dân (GDCD) ở cấp THCS, THPT… là môn học đặc thù, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hình thành phát triển nhân cách, năng lực, phẩm chất cho HS, SV. 

Có vị trí quan trọng là vậy, nhưng so với các môn học khác, thời lượng dạy học của môn học này vẫn còn khá khiêm tốn (1 tiết/tuần), trong khi đó thời lượng học các môn học chính khác từ 3 - 4 tiết/tuần.

Về nội dung, môn học GDCD vẫn còn nặng về lý thuyết, thiếu thực tế đời sống và chưa tạo được dấu ấn để hình thành nhân cách HSSV. Nhiều kiến thức mang tính triết học, khô cứng, thiếu vắng việc hình thành những thói quen đạo đức, lối sống khiến HS, SV dễ bị tác động của hoàn cảnh xã hội.

Mặt khác, việc tổ chức dạy và học môn GDCD ở một số nhà trường chưa thực sự được coi trọng. Phần lớn giáo viên dạy môn này ở các trường là giáo viên dạy các môn khoa học xã hội đảm nhiệm. 

Bên cạnh đó, tâm lý của nhiều phụ huynh, cũng như HS, SV thường quan niệm đây chỉ là môn phụ, không cần thiết mà chỉ chú tâm học các môn học chính... 

Thừa nhận thực tế này, tuy nhiên, TS Ngũ Duy Anh khẳng định: Thời gian gần đây Bộ GD&ĐT đã có nhiều thay đổi trong vấn đề GD đạo đức, lối sống cho HS, SV; trong đó các môn học như GD đạo đức, GDCD đã được coi trọng hơn với những phương pháp giảng dạy mới, kết hợp với các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành.

Nhằm tạo hứng thú, thời gian qua Ngành GD đã thực hiện đổi mới nội dung phương pháp dạy, học và thi cử nói chung với tất cả các môn và với môn  GD đạo đức, GDCD nói riêng; 

Đề ra nhiệm vụ tăng cường GD đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho HS, SV trong các hoạt động GD, trong đó kết hợp việc “dạy người” thông qua “dạy chữ”, “dạy nghề” như: chỉ đạo lồng ghép cuộc vận động “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức HCM” với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, bằng tấm gương thực tiễn và bằng hành động cụ thể của thầy, cô giáo trong nhà trường để lôi cuốn, thuyết phục HS, SV; 

Tôn vinh những tấm gương sáng trong ngành, đồng thời xử lý nghiêm những hiện tượng vi phạm; triển khai mạnh mẽ việc thanh kiểm tra, xử lý những vi phạm, tiêu cực, trong các cơ sở GD&ĐT và một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên để làm cho môi trường GD trong lành, nơi hình thành nhân cách của HS, SV. 

Tăng cường các hoạt động ngoại khoá ngoài giờ lên lớp hàng năm, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học và các địa phương, theo từng chủ đề và thời gian, để giúp cho việc học văn hoá cũng như việc rèn luyện sức khoẻ và hình thành nhân cách của HS, SV được đồng bộ… 

Mục tiêu đến năm 2020, đổi mới nhận thức và hoàn thiện hệ thống tổ chức GD đạo đức, lối sống cho HS, SV trong ngành GD. Đảm bảo 100% các trường phổ thông, 95% các trường ĐH, CĐ, TCCN có chương trình, kế hoạch và điều kiện bảo đảm thực hiện công tác GD đạo đức, lối sống cho HS, SV” – TS Duy Anh cho biết.

Để nâng cao chất lượng GD đạo đức, lối sống cho HS, SV thì một “nhà” là chưa đủ mà cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa ba “nhà” (gia đình, nhà trường và xã hội).

Trong đó, nhà trường giữ vai trò định hướng, uốn nắn những hành vi của HS, SV theo chuẩn mực chung.

Gia đình và xã hội là môi trường vun đắp, nuôi dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành phẩm chất, giá trị đạo đức, lối sống cho HS, SV.

Một tấm gương về đạo đức, lối sống của ông bà, cha mẹ, thầy, cô giáo luôn có ý nghĩa quan trọng và hiệu quả hơn rất nhiều so với những bài học lý thuyết”.

 Thứ trưởng Trần Quang Quý, 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ