Thưa thầy, cho em được nói

GD&TĐ - Tôi thấy có những điều hay lạ thầy cô mang đến cho học sinh nhưng khi các em vận dụng vào cuộc sống thì thầy cô chưa chấp nhận ngay. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nếu hôm đó T không mạnh dạn nói lên ý kiến của em thì tôi sẽ còn sai rất lâu, và như thế nhiều bạn trong lớp cũng không sử dụng quyền được phát biểu của trẻ em như pháp luật đã ghi nhận. Kỹ năng sống không phải là lý thuyết chép đầy trong vở mà chính là cách ứng xử phù hợp trước các tình huống trong cuộc sống.

Hàng năm, trường tôi đều phát động thi đua giữ vững danh hiệu trường xanh - sạch - đẹp mà Sở, Phòng GD&ĐT đã công nhận. Từng lớp phải xây dựng không gian lớp học thật đẹp và giữ gìn cảnh quan đẹp ấy trong suốt năm học. Cuối năm, trường sẽ chấm điểm và trao giải cho các lớp được đánh giá cao.

Học sinh lớp tôi chủ nhiệm cứ ít ngày là thay hoa mới, khi thì hoa cúc vàng tươi, khi thì hoa hồng đỏ thắm. Những dịp lễ hay ngày kỷ niệm, trên bàn thầy là những đóa hoa sen.

Sáng ngày ban giám khảo đến chấm điểm, tôi, như thường lệ ghé thăm lớp để kiểm tra việc trực nhật của các em. Tôi quan sát thấy lọ hoa trên bàn giáo viên trống không, không có hoa cũng không có nước, chỉ trơ mấy hòn sỏi. Lịch trực ghi tên em T, nhưng tôi đợi mãi gần đến giờ học mới thấy T xuất hiện. Bức bối vì thấy thời gian không còn nhiều, tôi lớn tiếng với T:

- Trực nhật sao giờ này em mới tới? Biết hôm nay nhà trường chấm điểm trang trí lớp không?

T chỉ dạ một tiếng rồi lẳng lặng xuống cuối phòng lấy chổi quét lớp. Tôi buông thêm:

- Em nhìn xem lọ hoa trên bàn có hoa chưa? Đừng nói với thầy là em quên nhé!

Tiết ba ngày hôm đó, tôi có giờ với lớp chủ nhiệm. Khi tôi vào, cả lớp yên lặng lạ kỳ. Nhìn bàn giáo viên, tôi thấy thiếu mất lọ hoa đặt ở góc phải như mọi ngày. Cơn giận tăng lên, tôi gọi lớp trưởng. Lớp trưởng nhỏ nhẹ cho biết các thầy cô đã đến chấm điểm ngay tiết một. Tôi hỏi:

- Vậy các thầy cô đánh giá lớp mình như thế nào?

- Thưa thầy, có khen mà cũng có phê bình.

- Khỏi nói khen, em chỉ cần cho thầy biết lớp bị phê bình chỗ nào.

Ngần ngại giây lát, lớp trưởng nói tiếp:

- Thưa thầy, lớp bị phê bình ở điểm không có lọ hoa tươi trên bàn thầy.

- Không có là sao? Ngày nào cũng có, sao hôm nay lại không?

- Thưa thầy do bạn T làm rơi lọ hoa xuống đất vỡ tan rồi còn đâu.

Cơn giận lại bùng lên. Tôi gọi T đứng lên:

- Con gái gì mà hư quá! Lựa đúng ngày trường xuống chấm điểm mà làm vỡ lọ hoa. Uổng công thầy trò cả năm!

Cả lớp không một tiếng động trước cơn giận dữ của tôi. Chợt tôi thấy T giơ tay, có ý muốn được phát biểu. Tôi gật đầu:

- Em cứ nói. Tội em lớn lắm biết không?

T nhìn tôi, nước mắt ứa ra nhưng nét mặt không có vẻ gì là sợ hãi trước cơn giận của thầy chủ nhiệm. T nói chậm rãi, rõ ràng:

- Thưa thầy, thầy cho em nói. Em có lỗi ở chỗ làm vỡ lọ hoa của lớp ngay trong lúc nhà trường chấm điểm thi đua. Em biết việc này sẽ làm lớp ta rớt hạng. Em thành thật nhận lỗi với thầy và các bạn. Em sẽ mua lại lọ hoa khác cho lớp. Lỗi em, thầy phạt gì em cũng chịu.

Tôi ngắt lời:

- Xin lỗi có làm thay đổi thứ hạng của lớp trước toàn trường hay không? Việc phạt chắc chắn sẽ có, em hãy đợi đi.

T lại giơ tay lần nữa. Tôi khó chịu, không biết chuyện gì sắp xảy ra vì ngày thường T rất ít nói. T tiếp tục:

- Thưa thầy, việc em làm sai, em chịu nhưng có một điều em không đồng ý với thầy.

Tôi chấp nhận vào cuộc tranh luận với T với suy nghĩ bao giờ phần thắng cũng thuộc về thầy.

- Em không đồng ý ở điểm nào. Tính bào chữa à?

- Thưa thầy, em không bào chữa. Em chỉ không đồng ý ở chỗ thầy gọi em là con gái hư. Thầy có biết những từ này nặng nề như thế nào không? Nếu một người mẹ mà biết được con gái của mình bị thầy cô gọi là con gái hư, người đó buồn biết đến dường nào! Em hiểu chữ hư là hư thân mất nết, là cả một đời người bỏ đi, bị mọi người chê trách.

Cả lớp nhốn nháo vì lời phát biểu của T. Các em nhìn T như sợ cho T phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ thầy chủ nhiệm là tôi. Tôi nghe nhói trong lòng. Nhưng lòng tự ái của một ông thầy nhiều năm đứng trên bục giảng không cho tôi nhận sai lập tức. Tôi chuyển qua cách nói khác:

- Đó là do em nghĩ vậy chứ chuyện không nặng nề đến thế. Làm gì có chuyện hư thân mất nết nào ở đây! Sao em dám tranh luận với thầy?

T tiếp lời tôi:

- Thưa thầy, em không dám tranh luận với thầy. Nhưng chính trong bài học mới đây, thầy có thông tin đến cả lớp rằng trẻ em có quyền tham gia, có quyền phát biểu và mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận. Giờ đây, em xin được phép thực hiện quyền được phát biểu như bài học thầy đã dạy chúng em.

Tôi biết tôi sai rồi. Ngay từ lúc buột miệng nhận xét về lỗi của T, cho rằng em hư, tôi mong sao không em nào nhận ra sự quá lố của thầy, hay nhận ra nhưng không em nào nghĩ rằng cần nói ra điều đó. Đâu ngờ học sinh của tôi tiếp thu và ứng xử quá nhanh trước lời nói của thầy.

Tôi đành xuống nước:

- Thôi, thầy mong chuyện dừng lại ở đây, chỉ là hiểu lầm mà thôi.

Sau buổi học, thầy trò gặp nhau. T cho biết sáng hôm đó em đã chuẩn bị mấy đóa hoa sen để cắm vào bình hoa của lớp. Trước giờ đến trường, mẹ em gặp phải một cơn lên huyết áp phải nằm nghỉ ở nhà một mình.

Cảnh nhà mẹ góa con côi, T đến lớp mà hoang mang trong lòng. Khi cắm hoa sen vào lọ, đầu óc mơ màng lo cho mẹ, em lỡ tay làm chiếc lọ rơi xuống đất. Em rất buồn. Buồn hơn khi bị thầy đánh giá bằng một từ quá nặng nề. Nhưng nghĩ lại, thấy đó là do thầy hết lòng với lớp, luôn thương yêu học sinh và chỉ là trong lúc nhất thời, T không nghĩ nhiều đến việc đã xảy ra. Tôi thì tự trách mình nhưng cũng mừng vì sự trưởng thành của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ