Vai trò GV chủ nhiệm
Cô Lê Thị Nguyệt - Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Quang Phục cho biết: BLHĐ là hành vi không chuẩn mực của HS mà làm tổn thương về thể chất, tinh thần cho HS khác. Biểu hiện của HS có thể dẫn đến BLHĐ là những HS chưa ngoan, hay bỏ học, không thực hiện điều lệ nội quy trong nhà trường, những HS mê game. Để đẩy lùi BLHĐ, GV bộ môn, GV chủ nhiệm (GVCN), ban giám hiệu nhà trường đều phải có trách nhiệm. Cô Nguyệt lấy hai ví dụ của các GV trong trường. Đó là giờ Hóa học của cô Nguyễn Hoàng Hà, lớp 11A1. Sau giờ học tìm hiểu về rượu, các em đã mang một số loại rượu đến, thuyết trình rất hay về chủ đề này. Những tiết học hứng thú sẽ làm các em không còn nghĩ đến những điều tiêu cực như bạo lực.
Cũng ở Trường THPT Triệu Quang Phục, một cô giáo dạy GD công dân quan sát thấy trong lớp 11A6 có nữ sinh cá tính, không ghi chép bài. Bị nhắc nhở, em này không thay đổi, phản ứng và ngay lập tức bị cô giáo nói nặng lời. Cô chủ nhiệm lớp 11A6 sau đó chủ động góp ý với nữ sinh, liên hệ với phụ huynh để cùng GD và HS đã thay đổi tích cực.
Ở Trường THPT Triệu Quang Phục, HS có thành tích nhỏ, làm việc tốt thường xuyên được vinh danh trước toàn trường. Việc nêu gương giúp các em có động lực để có thêm nhiều hoạt động tích cực, đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực.
Cô Nguyễn Thị Lệ Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Hào khẳng định GVCN giữ vị trí then chốt trong việc giảm thiểu BLHĐ. Người ở vị trí này phải làm được ba việc. Đầu tiên phải nghiên cứu HS, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm lý và tình hình học tập của từng em, từ đó có giải pháp tác động phù hợp. Ví dụ HS có biểu hiện trầm cảm, tăng động cần được quan tâm hơn, sắp xếp vị trí ngồi để bạn khác hỗ trợ.
Việc thứ hai là phải xây dựng tập thể đoàn kết, yêu thương nhau bằng cách cho HS thảo luận về một số chuyên đề như kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin trên môi trường mạng, kỹ năng ứng phó với stress. Qua đó, HS được thể hiện quan điểm cá nhân và học hỏi được những điều cần thiết.
Cuối cùng, GVCN cần có HS “tai mắt” vì thầy cô không phải lúc nào cũng trong lớp học. Nhờ đó, thầy cô nắm bắt được hoạt động trong và ngoài lớp, giúp phát hiện mâu thuẫn của HS và kịp thời hóa giải.
Gắn kết giữa gia đình và nhà trường
Cô Nguyễn Thị Hồng Thúy - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hưng Yên, nhấn mạnh tầm quan trọng trong mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường bởi có nhiều sự vụ diễn ra bên ngoài nhà trường. “Cha mẹ là trung tâm để kết nối mọi mối quan hệ nên quan điểm của chúng tôi là khi có sự cố sẽ tìm hiểu kỹ nguyên nhân, mời phụ huynh lên và hỏi rất kỹ về HS khi ở nhà, chơi với ai, biểu hiện ra sao. Có tìm được nguyên nhân mới giải quyết được tận gốc vấn đề”.
Cô Thúy cho biết, tại Trường THPT chuyên Hưng Yên có rất nhiều phụ huynh chiều con, con không nghe lời. Nhà trường đã kết hợp tư vấn cho phụ huynh về việc GD con, yêu cầu họ cam kết phối hợp.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý GD Hà Nội: Trong ứng xử với bạo lực, nhiều GV có tâm lý “thầy giáo phải có uy”. Nhưng với trường hợp này, GV không nên nóng vội mà cần phải làm từng bước để tiếp cận HS, miễn là không để HS thích làm gì thì làm.
“Về vai trò của GVCN, chúng tôi cũng đang kiến nghị để đưa điều này vào Luật GD. Luật cần phải quy định sao cho người làm công tác chủ nhiệm được tôn trọng, yên tâm và vinh dự khi làm nghề, chứ không phải thích thì làm hay ai bắt thì làm. Đồng thời, GVCN cũng cần được hưởng chế độ lương đặc thù”, TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết thêm.