Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế với tốc độ nhanh đã tạo ra các vấn đề xã hội lớn trong những năm gần đây. Hàn Quốc ngày nay có tỷ lệ người tự tử cao nhất trong số các nước thuộc tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD, tỷ lệ người ly dị cũng tăng vọt, trong khi đó tỷ lệ sinh lại giảm đáng kể.
Hơn nữa, hơn một nửa các hộ gia đình có thu nhập trung bình đang khó khăn và trong cảnh nợ nần, các khoản tiết kiệm của họ bị giảm xuống. Những vấn đề này một phần có thể do tăng chi tiêu cho việc học thêm của con cái.
Mặc dù cả người dân và chính phủ Hàn Quốc ngày nay phải đối mặt với khó khăn tài chính nhưng họ vẫn tạo ra một trong những lực lượng lao động có trình độ cao nhất trên thế giới bằng cách đầu tư nhiều cho giáo dục.
Năm 2015, tỷ lệ người tuổi từ 25-34 ở Hàn Quốc tham gia giáo dục bậc cao ở mức cao nhất trong 36 quốc gia thuộc OECD. Nguyên nhân là do giáo dục được đánh giá rất cao trong văn hóa Hàn Quốc và được thế giới ca ngợi. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông phương Tây có lẽ đã bỏ qua những hậu quả không mong đợi về mặt xã hội ở Hàn Quốc.
Nỗ lực đạt ước mơ
Ở Hàn Quốc, hệ thống cấp bậc, địa vị xã hội rất quan trọng và tấm bằng của một trong 3 trường đại học danh tiếng là Đại học Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei… sẽ gần như đảm bảo cho một người có được việc làm tốt.
Theo truyền thống, con đường vào những trường đại học trên chính là kỳ thi đại học cực kỳ khó khăn mang tên Suneoung. Do đó, ngày nay người Hàn Quốc phải dành phần lớn thu nhập của mình để cho con học thêm ở các trường tư gọi là Hagwon. 83,6% số trẻ 5 tuổi và 35,5% số trẻ 2 tuổi đều học ở những trường này năm 2016. Tổng số chi tiêu cho việc học thêm ở các cấp của các gia đình Hàn Quốc tương đương với 15 tỉ USD năm 2015.
Việc chi tiêu này được xem là vượt quá một thực tế là các công ty lớn hiện nay thuê ít nhân viên hơn, lương giảm và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao chưa từng có.
Những yếu tố trên có tác động mạnh mẽ bởi vì khi phải đối mặt với tỷ lệ nợ cao, lương thấp hơn, ít việc làm lương cao và thâm hụt tài chính thì các gia đình có thu nhập mức trung bình đã phản ứng bằng cách chỉ sinh một con để họ có thể có thể lo được chi phí. Điều này đã khiến cho tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc rất thấp, thấp đến nỗi đe dọa sự tăng trưởng kinh tế.
Một cái “bẫy giáo dục” không thể tránh khỏi
Tại sao một số gia đình có con trẻ lại tham gia vào một “cuộc chạy đua vũ trang” giáo dục, tiêu rất nhiều khoản tiền lớn để vào được những chỗ ngồi ít ỏi trong các trường đại học danh tiếng ở Hàn Quốc?
Các gia đình đầu tư vào giáo dục để nuôi dưỡng dòng thu nhập cho cuộc sống của con cái trong tương lai. Có thêm thu nhập của một công nhân được đào tạo được xem là thành quả của việc đầu tư vào con người. Trong một thế giới hoàn hảo, các gia đình sẽ đầu tư vào giáo dục chừng nào họ mong chờ thành quả có được sẽ lớn hơn chi phí. Tuy nhiên, với số việc làm tại các công ty lớn đang giảm, cùng với mức lương đang giảm đi, khả năng tìm được việc tốt ngày nay đã thấp hơn so với trước đây.
Ngoài ra, nhiều gia đình đang đầu tư vào các trường tư ngày càng đắt đỏ. Những yếu tố kết hợp này có thể dự đoán một sự suy giảm trong đầu tư giáo dục tuy rằng điều này chưa xảy ra và thực tế là chi tiêu vẫn đang tăng lên.
Ở Hàn Quốc, quyết định của một gia đình khi đầu tư vào việc học thêm của con lại càng khuyến khích các gia đình khác có quyết định đầu tư tương tự (vì không muốn con mình thua kém bạn bè). Và khả năng một học sinh có thể vào một trường đại học danh tiếng và có được việc làm tốt càng giảm đi khi càng có nhiều gia đình đua nhau cho con học thêm.
Nếu tất cả các gia đình Hàn Quốc đều đồng ý chấm dứt (hoặc giảm) chi phí gửi vào các trường tư, thì tất cả mọi người đều được hưởng lợi. Việc giảm nhu cầu đối với trường tư sẽ làm giảm chi phí học tập, trong khi đó khả năng thi đỗ vào một trường danh tiếng và có được việc làm tốt gần như không thay đổi.
Điều này sẽ làm tăng giá trị thu nhập suốt đời cho sinh viên tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, tất cả gia đình rất khó có thể phối hợp với nhau khi ra các quyết định về đầu tư học hành cho con cái. Đó là lý do tại sao Hàn Quốc thấy mình ở trong một cái “bẫy giáo dục”.
Cách nào để thoát khỏi “bẫy giáo dục”?
Những chính sách dưới đây có thể là một điểm khởi đầu tốt, nếu được thực hiện hiệu quả.
Thứ nhất, giảm tầm quan trọng của kỳ thi đại học và tạo ra các cách khác nhau để vào đại học nhằm giảm bớt chi phí của các gia đình khi cho con đi học thêm, hoặc thậm chí ra nước ngoài học.
Thứ hai, để giải quyết vấn đề thất nghiệp và thiếu việc làm, nên giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào khu vực công và những công việc ở các tập đoàn lớn, thay vào đó phát triển đào tạo nghề và các chương trình dạy nghề tại nơi làm việc nhằm tạo việc làm lâu dài và toàn thời gian.
Thứ ba, giúp những người tìm việc trẻ tuổi tự tạo ra các chương trình khởi nghiệp bằng cách mở rộng các trung tâm Kinh tế sáng tạo và đổi mới. Sử dụng những trung tâm này để thu hút vốn đầu tư quốc tế. Mở rộng chính sách miễn thuế để khuyến khích các nhà đầu tư.