Học sinh leo lên mái nhà để trốn thầy, cô
Gắn bó với vùng khó tỉnh Gia Lai hơn 30 năm nay, cô Nguyễn Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) thấu hiểu phần nào nỗi khó khăn, cơ cực của học sinh.
Cô Phượng bảo rằng, ở huyện vùng sâu, vùng xa Kbang mặc dù đời sống của người dân và học sinh còn nhiều khó khăn nhưng đa số các em rất ngoan ngoãn, nghe lời thầy cô và chăm chỉ học tập. Thế nhưng có một số em cá biệt “ngại” đến lớp hay ngày mùa thường lên nương rẫy rồi ở lại với cha mẹ. Có những nương rẫy, nhà đầm (chòi rẫy) cách trường 10-15km nên mỗi lần đi vận động, đưa học sinh ra lớp rất khó khăn, vất vả. Một phần vì đường xa, dốc cheo leo, không những vậy một số em khi thấy giáo viên đến nhà thì bỏ chạy. Chính vì vậy, có những học sinh giáo viên phải đi tuyên truyền, vận động nhiều lần mới đưa được trò ra lớp.
Trên hành trình mang con chữ đến với học trò, có nhiều câu chuyện khiến cô Phượng xúc động và nhớ mãi đến tận bây giờ.
“Có một lần tôi cùng các thầy, cô giáo trong trường vào làng Srắt để vận động, tìm gặp học sinh. Lúc bấy giờ, tôi và cô giáo Võ Thị Thanh Hà đi đến nhà em Đinh Thị Tuyên - là học sinh thường xuyên nghỉ học. Khi chúng tôi đến thì khoảng 19 giờ 30 phút và được gia đình thông báo Tuyên đã đi chơi rồi.
Trong lúc ngồi đợi học sinh, tôi phát hiện em Tuyên đang ở trên trong nóc nhà. Khi đó nhà không có đèn pin nên chúng tôi dùng điện thoại để tìm. Gọi mãi em không xuống nên tôi men theo cột nhà trèo lên để vận động, đưa em xuống nhưng Tuyên không đồng ý.
Qua một thời gian dài thuyết phục, Tuyên mới đồng ý leo xuống. Thế nhưng khi đi được nửa đường, lúc xe dừng Tuyên lại nhảy xuống và chạy trốn vào rẫy cà phê của người dân. Khi đó trời khuya, chúng tôi chia nhau ra khắp các nẻo đường để tìm học sinh. May mắn đến hơn 21 giờ mọi người phát hiện Tuyên đang trốn nên đã ngồi tâm sự, chia sẻ… với em. Sau đó, Tuyên cũng đồng ý theo giáo viên ra lớp học. Thời điểm đó ai nấy đều hạnh phúc”, cô Phượng chia sẻ.
Giáo viên được xem là một nghề vinh quang
Nâng cao vốn tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số được nhà trường chú trọng. |
Bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền để học sinh đi học chuyên cần, Trường Tiểu học Sơn Lang còn chú trọng đến việc nâng cao vốn tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số.
Theo cô Phượng, việc dạy tiếng Việt cho trẻ đã khó, đặc biệt đối với học sinh người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề và tình thương dành cho học sinh những giáo viên của trường luôn cố gắng, nỗ lực để các em được phát triển toàn diện.
Để học sinh dễ dàng học tiếng phổ thông nhà trường phối hợp với trường mẫu giáo, phụ huynh tăng cường tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1. Bên cạnh đó, động viên, tạo mọi điều kiện để học sinh dân tộc thiểu số giao tiếp nhiều với giáo viên, bạn bè bằng tiếng phổ thông. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm là người luôn gần gũi, nắm bắt và chia sẻ tâm tư, tình cảm để học trò khỏi mặc cảm, tự ti. Ngoài ra, các lớp và nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động “học mà chơi” để trẻ giao lưu và tăng cường vốn tiếng Việt.
Nữ Hiệu trưởng cho hay, khi chứng kiến học sinh ra lớp đủ đầy, được ăn no, mặc ấm là niềm hạnh phúc của cô. Trải qua hàng chục năm gắn bó với học sinh cô càng quý trọng và yêu hơn nghề giáo của mình.
“Giáo viên được xem là một nghề vinh quang do đó để trở thành một người thầy cô chân chính bản thân mỗi người phải lao động thật nghiêm túc, không ngừng học tập và nâng cao trình độ của mình. Bên cạnh đó phải luôn luôn tu dưỡng đạo đức, bản lĩnh, tính nhẫn nhịn và không được cho phép bản thân nóng nảy, gây tổn thương học trò. Khi trở thành giáo viên, mỗi người phải trau dồi bản thân, luôn thương yêu và dìu dắt học sinh vượt khó vươn lên trong học tập”, cô Phượng tâm sự.