Dạy trò cách bảo vệ bản thân
Có thể nói với học sinh nói chung, học sinh dân tộc nói riêng dù học tập và sinh hoạt tại trường lớp cũng không tránh khỏi những tình huống, hoàn cảnh mất an toàn.
Mặt khác, tình trạng bạo lực học đường, những vụ cháy nổ, bắt cóc, động đất, mất an toàn giao thông… vẫn xảy ra trong và ngoài trường học. Do đó tăng cường trang bị kĩ năng sống, kĩ năng bảo vệ bản thân cho học sinh, đặc biệt học sinh dân tộc là trách nhiệm của nhà trường, thầy cô để giúp các em, tránh khỏi những tình huống mất an toàn.
Thầy Phùng Thế Tùng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy (huyện Mường Khương, Lào Cai) cho biết: Với học sinh dân tộc các em khá ngoan nhưng lại rụt rè, ít kĩ giao tiếp, mặt khác có phần cả tin, thật thà… nên việc trang bị kĩ năng ứng phó tình huống thực tế được nhà trường hết sức quan tâm.
Vào giờ sinh hoạt đầu tuần, trường tổ chức giáo viên nói chuyện, chiếu hình ảnh và video xung quanh các vấn đề mất an toàn cho học sinh. Qua phương pháp, hình thức giáo dục trực quan sinh động học sinh dễ dàng nhận diện, nâng cao nhận thức và biết cách ứng phó, xử lý với tình huống ngoài thực tế.
Một số tình huống giả định thực tế bất ngờ cũng được đưa ra thử khi học sinh không có sự chuẩn bị như: Nhờ người lạ đeo khẩu trang kín mặt, mặc áo mưa… đi vào lớp hoặc đến nhóm học sinh trong trường, trà trộn vào học sinh trên đường đi học về để gạ gẫm, cho quà, rủ các em trốn học, đưa đi chơi xa khỏi trường, khống chế, bắt cóc. Hoặc khi buổi học đang diễn ra, nhà trường bất ngờ đánh trống báo động có hỏa hoạn, bão lũ…
Cách làm này đã giúp cho thầy cô có cơ hội ghi nhận cách xử trí, ứng phó của học sinh trước những tình huống mất an toàn. Từ đó đánh giá lại vấn đề, nắm bắt thực tế kĩ năng qua giáo dục lý thuyết trên lớp để điều chỉnh nội dung, phương pháp giáo dục kĩ năng. Qua đó cũng giúp nhà trường rút ra cần tiếp tục trang bị những kĩ năng nào cho phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc trong việc đảm bảo an toàn cho học sinh…
Giáo dục kỹ năng qua sông, suối khi đi học cho học trò dân tộc. |
Tại trường PTDTBT TH Nghĩa Thuận (Quản Bạ - Hà Giang) với 100% học sinh dân tộc, các em ít có điều kiện tiếp xúc với thế giới hiện đại, bố mẹ quanh năm nương rẫy, đi làm xa, ít quan tâm đến giáo dục kĩ năng … nên kinh nghiệm, kiến thức để bảo vệ bản thân trước những tình huống xấu còn hạn chế.
Với đặc điểm này, nhà trường đã đặt ra những tình huống, vụ việc đã diễn ra tại một số nhà trường như: học sinh bạo lực học sinh; giáo viên bạo lực học sinh, trên đường gặp mưa lũ… để các em cùng bàn thảo và thống nhất cách xử lý thoát khỏi hoàn cảnh nguy hiểm cho bản thân và các bạn cùng lớp, cùng trường.
Thầy Trịnh Trọng Thiết, Phó Hiệu trưởng cho rằng, học sinh đều là con em dân tộc Mông, Nùng; thái độ, ý thức, đạo đức, lễ phép với thầy cô bạn bè đều rất ngoan. Nhưng điểm yếu của học sinh dân tộc đó là nhút nhát, phản ứng chậm, thiếu tự tin, thậm chí “lơ ngơ” với vấn đề xã hội đang diễn ra. Nhiều em khi gặp tình huống xấu đến với mình, hoặc chứng kiến xảy ra với bạn bè người thân thường không biết cách phòng vệ, xử lý để thoát hiểm.
Thực tế đó đòi hỏi nhà trường phải nghiên cứu và mang đến những tình huống có thật để giáo dục kĩ năng sống cho học trò. Những tình huống không hoàn toàn giống nhau nhưng cũng đánh thức trong học sinh phản xạ, kĩ năng dù còn hạn chế. Giúp các em biết phản ứng linh hoạt, không im lặng nhẫn nhịn trước những tình huống bất lợi cho bản thân và bạn bè.
Tăng cường vai trò giáo dục kỹ năng sống từ nhà trường
Theo thầy Hà Trần Hồng, Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái): 99% học sinh là con em đồng bào Mông, kĩ năng sống, giao tiếp hạn chế. Đáng lo ngại, ở lứa tuổi học sinh THCS, đặc biệt với học sinh dân tộc thường có nhiều biến động về tâm sinh lý.
Nắm được đặc tính này, vào đầu năm học, hàng loạt nội dung như chống tảo hôn; hôn nhân cận huyết, bắt vợ, lạm dụng tình dục, an toàn giao thông… được nhà trường đưa vào giáo dục lồng ghép trong một số môn học, giờ sinh hoạt toàn trường hoặc hoạt động ngoại khóa. Đây có thể là những phương pháp giáo dục không còn mới nhưng vẫn giúp ích không nhỏ trong việc hỗ trợ học sinh dân tộc nâng cao kỹ năng sống, nhận thức vấn đề.
Chăm sóc hoa cây giúp học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng trồng trọt thực tế. |
Thầy Hồng cũng cho rằng xã hội đang phát triển không ngừng, Internet, mạng xã hội, game online… trở thành một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội trong học sinh và không loại trừ học sinh dân tộc với điều kiện tiếp cận CNTT chưa cao.
Do đó, bên cạnh sự kiểm soát từ phía gia đình, nhà trường thì cũng cần thiết tăng cường kĩ năng phòng chống bạo lực học đường, lạm dụng tình dục, an toàn thân thể cho học sinh, đặc biệt với HS dân tộc đang sinh sống, học tập trong môi trường bán trú, nội trú xa.
Thầy Phùng Thế Tùng Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy cũng bày tỏ quan điểm: Học sinh dân tộc, sống yếu xa gia đình và gắn với nhà trường nên việc đảm bảo an toàn cho các em là trách nhiệm của nhà trường. Trên tinh thần đó, nhà trường đã lắp đặt hệ thống camera giám sát tại một số phòng chức năng (phòng ăn, phòng tự học buổi tối, thư viện… ). Thông qua hệ thống giám sát thầy cô có thể can thiệp kịp thời những tình huống bạo lực, rủ nhau bỏ học, uốn nắn nhắc nhở nền nếp sinh hoạt mang tính đặc thù dân tộc nhưng không còn phù hợp…
Trường cũng sắp xếp bố trí hợp lý chỗ ăn ở học sinh, lịch quản lý học sinh bán trú của giáo viên. Bố trí khu nội trú học sinh nam và nữ tách biệt, mỗi ca trực tối đảm bảo 4 thầy, cô (cả quản lý và GV) để giám sát và xử lý nhanh tình huống bất ngờ. Ban giám hiệu cũng thường xuyên nhắc nhở, tăng cường trách nhiệm của mỗi giáo viên trong việc đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình bán trú, học tập tại trường lớp…
Việc đảm bảo an toàn thân thể cho học sinh dân tộc, học sinh nội trú, bán trú cần tăng cường vai trò, sự chủ động tích cực của đội ngũ giáo viên. Không chỉ dạy kiến thức cần giáo dục kĩ năng sống cho các em thông qua những phương pháp phù hợp tâm lý, lứa tuổi, đặc tính, các tình huống có thật và giả định. Cần tạo cho học sinh môi trường sinh hoạt, học tập an toàn, hạnh phúc, đảm bảo cơ sở vật chất. Điều đó hỗ trợ tích cực việc duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc.