Cô giáo vượt hàng trăm km dạy chữ cho học sinh dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mỗi tuần, cô Mỹ Liên đi - về trên chặng đường hàng trăm km để dạy chữ cho học sinh dân tộc thiểu số ở vùng cao Tu Mơ Rông.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Liên luôn hết lòng vì học sinh.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Liên luôn hết lòng vì học sinh.

Tặng bánh kẹo, khen học sinh để các em ra lớp

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp ngành Giáo dục Tiểu học - trường Đại học Quy Nhơn, cô Nguyễn Thị Mỹ Liên về giảng dạy tại trường Tiểu học xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum). Lúc bấy giờ đường sá, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Mỗi ngày, những đứa trẻ trong làng lấm lem bùn đất đến trường. Có những hôm trời rét, lũ trẻ chẳng có nỗi chiếc áo ấm tươm tất để mặc ra lớp.

Thương học trò thiếu thốn, cô Liên cùng giáo viên trong trường kêu gọi người thân, bạn bè hỗ trợ từng bộ quần áo cho các em. Thấy trò thiếu bút, vở… cô Liên lại trích tiền túi để cho lũ trẻ đủ đầy khi đến lớp.

“Những đứa trẻ nơi đây hầu như cái gì cũng thiếu thốn, từ quần áo đến sách vở. Do đó, khi nhận được bất kì món quà tặng nào các em đều vui mừng và hạnh phúc. Thương lũ trẻ nên tôi luôn cố gắng kêu gọi, vận động nhà hảo tâm hỗ trợ để các em bớt vất vả hơn”, cô Liên bộc bạch.

Trên chặng đường 15 năm dạy chữ ở vùng cao, hành trình vận động học sinh ra lớp để lại cho cô Liên nhiều kỷ niệm khó quên. Cô Liên nhớ rằng, nhiều năm về trước cứ vào vụ mùa phụ huynh lại đưa con em lên nương rẫy. Chính vì vậy việc vận động và đưa học sinh ra lớp của giáo viên gặp nhiều khó khăn. Mỗi lần nghe tiếng xe của giáo viên đến nhà lũ trẻ lại chạy trốn. Không muốn các em thất học, cô Liên cùng một số giáo viên thường xuyên đi bộ lên rẫy vào chiều tối và phối hợp với thôn trưởng để tuyên truyền, đưa trò ra lớp.

“Công cuộc vận động học sinh ra lớp lúc bấy giờ khó khăn và vất vả lắm. Có những em chúng tôi phải đến nhà 5-6 lần mới gặp. Thế nhưng khi gặp lũ trẻ chẳng chịu theo ra lớp nên giáo viên phải nghĩ đủ cách để học sinh đến trường, như: mua bánh kẹo, tặng quần áo… Đặc biệt, trong quá trình học trên trường, tôi thường xuyên khen để khích lệ tinh thần các em. Nhờ vậy tỷ lệ chuyên cần ngày càng được nâng cao”, cô Liên chia sẻ.

Trải qua thời gian dài kiên trì vận động, giờ đây phụ huynh đã quan tâm hơn đối với việc học của con em mình. Mỗi khi các em ốm đau, gia đình cũng chủ động xin phép cho con nghỉ. Vào những vụ mùa, cha mẹ cũng ít đưa con lên rẫy nên công tác vận động học sinh ra lớp của thầy, cô trường Tiểu học xã Đăk Hà cũng bớt vất vả hơn.

Vượt 160km để dạy chữ cho trò vùng cao

Hàng tuần cô Liên đi - về hơn 320km để dạy chữ cho học trò vùng khó Tu Mơ Rông.

Hàng tuần cô Liên đi - về hơn 320km để dạy chữ cho học trò vùng khó Tu Mơ Rông.

Nhà ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cách trường hơn 160km, thế nhưng do con còn nhỏ nên hàng tuần cô Liên đều chạy xe máy về. Đường xa lại gập ghềnh sỏi đá nên việc té ngã chẳng còn xa lạ với cô giáo vùng cao. Khó khăn chưa dừng lại, mấy năm qua sức khoẻ cô Liên giảm sút nên phải đi thăm khám và điều trị thường xuyên. Những hôm đau yếu, người chồng lại nghỉ làm để chở cô đi dạy, đến cuối tuần lại đón về. Thế nhưng căn bệnh hiểm nghèo khiến sức khoẻ của cô Liên ngày càng yếu.

Do đó việc vượt hàng trăm km mỗi tuần để đi dạy là điều vô cùng khó khăn. Nữ giáo viên cũng mong rằng sẽ được tạo điều kiện để chuyển về gần nhà giảng dạy nhằm đảm bảo sức khoẻ và chăm lo cho gia đình. Tuy nhiên, cô cũng khá tiếc nếu phải xa vùng đất và học sinh vì nơi này đã gắn bó và để lại trong cô nhiều kỷ niệm.

“Tôi nhớ những dịp 8/3 hay 20/11, lũ trẻ lại hái hoa rừng, bắp chuối… lên tặng giáo viên. Với tôi những món quà ấy thật sự rất đẹp và ý nghĩa. Hay những buổi cô trò cùng nhau múa xoang, tham dự lễ hội cúng nước giọt… nhằm lưu giữ văn hoá truyền thống. Đó là những kỷ niệm đáng nhớ mà chắc mãi sau này tôi cũng không thể quên. Tôi cũng mong rằng sẽ có nhiều chính sách và sự quan tâm hơn nữa đến với học sinh vùng khó để các em có điều kiện thực hiện mơ ước của mình”, cô Liên tâm sự.

Cô Hồ Thị Thuỳ Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, cô Nguyễn Thị Mỹ Liên về công tác và giảng dạy tại trường đã khá lâu. Trong quá trình dạy học cô Liên luôn nhiệt tình, hết lòng vì học sinh và xem trò như con. Bên cạnh đó, mặc dù mắc bệnh hiểm nghèo nhưng cô Liên luôn cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ