Giúp học sinh dân tộc thêm yêu đất nước

GD&TĐ - “Tiết học vùng biên” được đồn Biên phòng Tuy Đức triển khai đã hun đúc tình yêu biên cương tổ quốc cho học sinh dân tộc nơi vùng cao biên giới.

Giúp học sinh dân tộc thêm yêu đất nước

Bồi dưỡng kiến thức, hun đúc tình yêu đất nước

Đồn Biên phòng Tuy Đức (BĐBP Đắk Nông) quản lý 10.543km đường biên giới. Nhiều năm qua, bà con dân tộc sống tại huyện Tuy Đức tiếp giáp biên giới Campuchia có thói quen qua lại biên giới nhưng không biết đang vi phạm pháp luật; Không những thế, nhiều học sinh dân tộc dù đã ở lứa tuổi THPT cũng “trống” kiến thức về biên giới. Điều đó khiến công việc quản lý địa bàn, trật tự an ninh xã hội của những người lính biên phòng khó khăn thêm.

Trước thực trạng đó, Đồn Biên phòng Tuy Đức đã quyết định tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân vùng biên giới. Trong đó, đối tượng học sinh được hướng tới với sáng kiến phối hợp cùng các nhà trường xây dựng mô hình “Tiết học vùng biên”.

Từ năm 2018 đến nay, các “Tiết học vùng biên” được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuy Đức triển khai cho hơn 2.000 học sinh trường Tiểu học, THCS, THPT dân tộc nội trú trên địa bàn xã Đắk Búk So huyện Tuy Đức.

Đại úy Nguyễn Văn Nga, Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Tuy Đức chia sẻ: Được giao nhiệm vụ giảng dạy chính các tiết học nên bản thân đã suy nghĩ rất nhiều để việc triển khai hiệu quả. Vì vậy, anh cất công soạn giáo án và tập luyện nhiều phương pháp sư phạm truyền đạt kiến thức khác nhau.

“Với học sinh Tiểu học, THCS, tuổi còn nhỏ tôi thường dạy ngắn gọn, xúc tích nhưng đủ nội dung, dễ hiểu, dễ nhớ. Khi dạy lý thuyết cho học sinh tại trường, lớp thì sử dụng phần mềm trình chiếu, nội dung kiến thức truyền tải sinh động, đưa hình ảnh về cán bộ, chiến sĩ Biên phòng cùng người dân tuần tra biên giới, bảo vệ cột mốc và xử lý các hành vi vi phạm quy chế khu vực biên giới.

Hơn thế, ngoài truyền thụ lý thuyết, còn phối hợp với nhà trường tổ chức cho học sinh thăm quan thực tế cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng; tìm hiểu thực địa một số biển báo trong khu vực biên giới, hệ thống cột mốc chính, mốc phụ do Đồn quản lý. Truyền thống đơn vị và người dân địa phương trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới cũng được truyền đạt đầy đủ trong những tiết học vùng biên…”, Đại úy Nguyễn Văn Nga cho biết.

Để mô hình triển khai hiệu quả đơn vị đã tập trung xây dựng giáo án theo từng khối lớp; tăng cường tổ chức cho học sinh, giáo viên thăm quan thực tế, tuần tra biên giới cùng chiến sĩ Biên phòng. Cán bộ, đoàn viên, thanh niên đơn vị liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân thăm nắm tình hình, phong tục tập quán của bà con dân tộc từ đó đưa ra biện pháp tuyên truyền về biên giới phù hợp, sinh động.

Hiệu quả với tiết học trải nghiệm

Cán bộ, chiến sĩ thành viên của mô hình “Tiết học vùng biên” khi được phân công nhiệm vụ ngoài yêu cầu nắm chắc nội dung cơ bản các điều luật, nghị định liên quan còn là những người gương mẫu, luôn trau dồi phẩm chất đạo đức; biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, và có kĩ năng giải quyết kịp thời tình huống thực tiễn cuộc sống đặt ra... Để tăng cường kiến thức cho mỗi “Tiết học vùng biên” bản thân những người lính cũng thêm hiểu sâu sắc những vấn đề liên quan tới biên giới.

Thầy Vũ Tiến Dũng, giáo viên môn Giáo dục Quốc phòng, Trường PTDTNT THCS &THPT Tuy Đức cho biết: Khi kết hợp với Đồn Biên phòng Tuy Đức, trường đã tổ chức được một số “Tiết học vùng biên” cho các Đoàn viên ưu tú. Một tiết học, học sinh được tìm hiểu đường biên cột mốc, phổ biến về pháp luật liên quan đến biên giới, được thăm quan, chào cột mốc, hát quốc ca trực tiếp tại cột mốc sau đó tìm hiểu cuộc sống cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Tuy Đức.

Qua thực tế triển khai “Tiết học vùng biên” tại trường cho thấy, mô hình đã đạt được kết quả cao trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật học sinh dân tộc tại khu vực biên giới. Cách truyền đạt gần gũi, dễ hiểu giúp học trò nhanh chóng nắm khái niệm, kiến thức về biên giới, lãnh thổ, chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. “Với vai trò một giáo viên, tôi mong muốn học sinh của trường sẽ được tham gia nhiều hơn nữa những tiết học vùng biên bổ ích như vậy…”, thầy Vũ Tiến Dũng bày tỏ.

Em Giàng A Mang, lớp 9 Trường PTDTNT THCS &THPT Tuy Đức chia sẻ: “Đây là cách học trải nghiệm thực tế mà chúng em rất thích. Lần đầu tiên em được chính những chiến sĩ quân hàm xanh giảng dạy, phổ biến kiến thức chung về biên giới, còn được các chú bộ đội hướng dẫn một số kĩ năng sống như gấp chăn màn, nền nếp sinh hoạt… Sau tiết học em mong muốn sau này sẽ thi đỗ vào các trường Quân đội, trở thành một chiến sĩ cùng góp sức mình vào công cuộc bảo vệ biên cương, tổ quốc…”.

Thời gian tới Đồn sẽ tổ chức và đưa nhiều hơn những “Tiết học vùng biên” đến với các nhà trường, học sinh dân tộc vùng biên giới. Từ đây, những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ có thêm kiến thức về chủ quyền, an ninh biên giới, quy định pháp luật về biên giới. Đặc biệt, khi trở gia đình, cộng đồng mỗi học sinh sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực giúp bà con dân tộc vùng cao biên giới nâng cao nhận thức, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ biên giới, thực hiện tốt quy định về biên giới trong cuộc sống hàng ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ