Quyết tâm bám buôn, mở lớp
Nhằm chia sẻ khó khăn với giáo viên, học sinh và bà con ở buôn Lách Ló, xã Nam Ka, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, tháng 7/2022, được sự cho phép của Ban biên tập, Văn phòng Báo GD&TĐ tại miền Trung – Tây Nguyên cùng các nhà hảo tâm đã hỗ trợ 1 công trình nước sạch trị giá 100 triệu đồng. Công trình gồm giếng khoan, hệ thống trữ và cấp nước. Hiện, đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Ngoài việc cung cấp nước cho 2 điểm trường Mầm non Hoa Hướng Dương và Tiểu học N’Trang Lơng, công trình còn góp phần hỗ trợ nước sinh hoạt cho các hộ dân xung quanh thông qua vòi cấp nước công cộng.
Trước năm 2014, buôn Lách Ló được biết đến là “buôn 5 không”. Không đường giao thông, không trường học, không có mạng lưới y tế thôn buôn, không điện thắp sáng và không có nước sạch để sinh hoạt.
Cô Trần Thị Tố Loan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hướng Dương - cho biết, năm 2014, khi còn là Phó Hiệu trưởng, bản thân cô và ban giám hiệu luôn canh cánh trong lòng, phải làm sao để mở được lớp cho trẻ ở buôn Lách Ló.
“Trường Mầm non Hoa Hướng Dương được thành lập vào năm 2014 với 5 lớp học tại điểm chính cho toàn bộ trẻ của 6 thôn, buôn (toàn xã có 7 thôn buôn – PV). Riêng buôn Lách Ló, không có học sinh ra lớp vì cách xa điểm chính hơn 15km, trong khi giao thông không thuận lợi, chủ yếu là đi bộ. Đặc biệt, mùa mưa, bùn lầy lội, đi bộ cũng trơn trượt, nguy hiểm.
Trước muôn vàn khó khăn đó, chúng tôi ngày đêm trăn trở, làm cách nào để trẻ em trong buôn Lách Ló được đến trường như ở các thôn buôn khác. Nghĩ là làm. Đầu tiên, chúng tôi phải lặn lội vào tận buôn xem xét tình hình; tổ chức họp và lắng nghe suy nghĩ, nguyện vọng của bà con. Rất may, khi gặp mặt, được nghe về kế hoạch mở lớp, tất cả bà con đều mong muốn có điểm trường cho con em được đi học”, cô Loan kể.
Tuy nhiên, để mở điểm trường, mọi việc không hề đơn giản vì liên quan đến thủ tục pháp lý, nhất là quỹ đất cho trường học. “Dù quyết tâm cao, nhưng tập thể, ban giám hiệu cũng phải cẩn trọng từng bước. Trước hết là tuyên truyền, vận động để bà con hiểu những khó khăn như chưa có quỹ đất nên chưa có lớp học. Muốn vậy, bà con phải hiến đất mới mở điểm trường được. Và theo ý bà con, chỉ cho mượn đất, chứ không cho hẳn.
Trước thử thách đó, chúng tôi một mặt cử giáo viên đi vận động từng hộ dân, mặt khác báo cáo với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để được hỗ trợ. Nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp, sau một thời gian, già làng đã hiến tặng 1.000m2 cho nhà trường. Đến tháng 10/2015, lớp học tạm được dựng lên bằng tranh, tre, nứa lá do chính bà con giúp sức. Đó là niềm vui, cũng là cột mốc quan trọng của điểm trường buôn Lách Ló. Từ đó, tiếng cười trẻ thơ bắt đầu vang lên giữ đại ngàn”, cô Loan bùi ngùi nhớ lại.
Con đường vào điểm trường Lách Ló. |
Mơ về lớp học kiên cố
Tuy nhiên, đến năm 2018, điểm trường bị xuống cấp nghiêm trọng, nên nhà trường phải xin cấp trên đầu tư. “Hàng ngày, cô trò phải học tập, sinh hoạt trong lớp xập xệ, dột nát, ẩm thấp. Có lần vào thăm lớp đúng hôm trời mưa, thấy giáo viên và trẻ co ro trốn dưới vách tre xiêu vẹo khiến tôi không thể cầm nổi nước mắt. Thương cô, thương trò nên ban giám hiệu đã đề xuất các cấp đầu tư xây dựng phòng học kiên cố”, cô Loan nói thêm.
Đề xuất được chấp thuận, trong năm 2018, điểm lẻ buôn Lách Ló được xây dựng với 1 phòng học, 2 phòng nội trú cho giáo viên. Từ đây, cô và trò được học tập trong lớp học khang trang, không còn sợ mưa gió. Giáo viên không còn cảnh phải đi ở nhờ nhà dân như trước.
Ông Y Wang Buôn Rung, Bí thư Đảng ủy xã Nam Ka (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), cho hay, trong kháng chiến, Lách Ló là căn cứ cách mạng, góp công cùng với quân và dân tại địa phương đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng quê hương, đất nước.
“Sau ngày đất nước giải phóng, Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, nhưng do địa hình núi non trùng điệp, đường ô tô không thể vào. Mùa khô, xe máy có thể di chuyển, nhưng mùa mưa đi lại rất khó. Điều kiện sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống. Bởi vậy, việc dạy học lại càng khó gấp bội phần, vì thế người lớn ở đây có mấy ai được học cái chữ Bác Hồ”, ông Y Wang tâm sự.
Cũng theo ông Y Wang, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm và lên kế hoạch tổ chức vận động bà con đến nơi ở mới có điều kiện tốt hơn. Nhưng bà con vẫn mong muốn ổn định cuộc sống tại đây.
“Hiện nay cả buôn có 54 hộ với 234 nhân khẩu. Trong đó 99% hộ nghèo và cận nghèo. Hầu hết người lớn không biết chữ. Trong buôn cũng không có nhà xây. Nhờ được quan tâm đầu tư, nên tình trạng “5 không” cơ bản đã xóa được. Hiện buôn có 2 điểm trường, nhà cộng đồng, điện lưới cũng được kéo đến tận nhà dân. Nhưng để duy trì dạy học và phát triển giáo dục rất cần sự hỗ trợ từ nhiều nguồn”, ông Y Wang nói thêm.
Cô Bích và cô Vân đi xin nước về vệ sinh đồ chơi cho trẻ. |
Vượt nắng gió gắn bó với đại ngàn
Trung tuần tháng 8/2022, chúng tôi theo chân các cô giáo của Trường Mầm non Hoa Hướng Dương vào buôn Lách Ló để chuẩn bị cho năm học mới. Để vào được buôn Lách Ló, cả đoàn phải vòng qua xã Ea R’Bin để “đi ké” trên con đường tuần tra của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka. Dù đã có đôi đoạn được đổ bê tông rộng khoảng 1m, thế nhưng, sau những cơn mưa như “cầm vò mà trút” ở Tây Nguyên, con đường trở nên hiểm trở vô cùng.
Đứng dậy sau cú ngã do trượt xe, cô H’Bích Du và Hoàng Thị Cẩm Vân vẫn đùa vui vì mình chưa bị lấm lem bùn đất như mấy cô chú đi buôn bên cạnh. “Áo mưa, dây xích là vật bất ly thân trên cung đường này. Với áo mưa, lúc trời nắng thì để che bụi, trời mưa mặc cho khỏi ướt người, ướt tài liệu và tư trang. Còn dây xích chó để quấn vào bánh xe lúc đường trơn trượt. Ngoài ra, chúng tôi còn tranh thủ mang thêm bánh kẹo, sữa để làm quà động viên các em. Khi trẻ không chịu đến lớp, giáo viên chia nhau, cô thì giữ trẻ, cô đến nhà, thậm chí đến rẫy để cho kẹo, sữa thì các em mới chịu đi học”, cô Vân tâm sự.
Vượt hơn 20km từ trung tâm xã Nam Ka, trong đó khoảng 10km đường rừng quanh co, qua nhiều con suối, đoàn cũng đến điểm trường buôn Lách Ló. Dù còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng khuôn viên điểm trường vẫn sạch sẽ, gọn gàng. Từng hàng gạch được xếp nghiêng tạo lối đi từ phòng học đến sân chơi và nhà ở giáo viên.
Tất cả điều đó, là nhờ sự chung tay, góp sức của các giáo viên và phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương nơi đây. “Ở đây, rất khó vận chuyển vật liệu để xây dựng, cả buôn không có nhà nào xây kiên cố. Các cô cùng chúng tôi xếp gạch, tạo khuôn viên vừa đẹp, vừa để các cháu có lối đi và đỡ dính bùn đất khi vào trong lớp. Lúc đó, các cô phải đi xin nước ở xa về lau chùi”, anh Ma Khiếu - Công an viên buôn Lách Ló cho biết.
Sống xa nhà, khó khăn trăm bề và đặc biệt là trong điều kiện thiếu thông tin liên lạc và giải trí, nhưng giáo viên “gieo chữ” ở buôn Lách Ló vẫn rất lạc quan, yêu đời. Với các cô, nụ cười của học sinh chính là niềm vui của mình. “Công tác ở đây tuy còn gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi có nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Từ con đường đến trường hay những buổi lên rẫy để “dụ” học sinh ra lớp, những buổi sinh nhật cho các em hay bữa cơm chiều với rau ráng ở vùng đất xa xôi, cách trở... Đó chính là động lực để tất cả cố gắng hơn nữa trong công việc và cuộc sống”, cô Vân và cô H’Bích tâm sự.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, cô Trần Thị Tố Loan – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hướng Dương - cho biết: Năm học 2022 - 2023, lớp mầm non ở điểm Lách Ló đón 24 trẻ ở 3 độ tuổi (từ 3 - 5 tuổi). Sau khi chuẩn bị xong các điều kiện cho năm học mới, nhà trường sẽ điều động cô Vân và cô Bích về điểm chính theo chu kỳ luân phiên.
Điểm trường có khu vệ sinh và đường ống dẫn nước đầy đủ, nhưng lại chưa có nguồn nước để sử dụng. Hàng ngày, các cô giáo phải ra suối các trường gần 1km hoặc đến nhà dân để xin nước về dùng và lau dọn vệ sinh phòng học cho các cháu. “Ở đây, chúng tôi quen với việc không có Internet, còn sóng điện thoại cũng chập chờn. Muốn nghe, gọi cho người thân hay đồng nghiệp, điện thoại phải để cố định một chỗ. Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là nước sinh hoạt và vệ sinh phòng học, đồ chơi cho các em học sinh”, cô Vân kể.