Gian nan mang chữ lên đèo

GD&TĐ - Tôi đến thăm trường Mầm non Thạch Sơn trong một chuyến công tác tại huyện vùng cao Sơn Động. Trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, thoáng đãng, núi rừng trùng điệp mây phủ sớm hôm như tranh thủy mặc, một ngôi trường nhỏ bé, khang trang hiện ra trước mắt.

Gian nan mang chữ lên đèo
Ngôi trường với số lượng học sinh chỉ bằng một lớp học, nhưng đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên bởi những thầy cô luôn cố gắng bám trường bám lớp, mang kiến thức đến cho trẻ em xã miền núi khó khăn nhất của huyện này.
Trường Mầm non Thạch Sơn được xây dựng trên địa bàn đầu xã Thạch Sơn giáp danh với cuối xã Phúc Thắng, nằm cách xa trung tâm huyện Sơn Động 35km. Trường có có tổng diện tích 2.464.4m2, được xây dựng trên địa bàn thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Động, người dân trong xã chủ yếu là người dân tộc, Tày, Dao, Sán Chí… sống rải rác trên các sườn núi của 3 thôn bản. Xã Thạch Sơn có vị trí địa lý không mấy thuận lợi, nằm xa đường quốc lộ, đất đai chủ yếu là rừng núi.
Đường sá đi lại giữa các thôn là đường đèo, dốc, dân cư sống rải rác không tập trung. Nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, trồng rừng nên đời sống của đại đa số nhân dân còn nghèo so với các xã khác. Thôn Đồng Cao trong xã nằm trên đỉnh một ngọn núi, chỉ bạt ngàn cỏ và những bãi đá, chính vì vậy mà Đồng Cao còn được gọi là “Cao nguyên đá” của vùng Sơn Động. Rất nhiều du khách đến du lịch và tham quan cảnh đẹp này.
Trường Mầm non Thạch Sơn.
Trường Mầm non Thạch Sơn.
Trường Mầm non Thạch Sơn có Quyết định thành lập trường và tách ra hoạt động riêng từ tháng 3/2004, trường được gọi tên là Trường Mầm non Thạch Sơn theo Quyết định số 153/QĐ-UBND ngày 12/3/2004 của UBND huyện Sơn Động về việc tách trường Mầm non ra khỏi Trường Tiểu học và Trung học cơ sở.
Trong những năm qua, nhà trường và địa phương đã cố gắng xây dựng về quy mô trường lớp cũng như về số lượng giáo viên, từ ban đầu mới chỉ có 2 lớp mẫu giáo (năm 2005) với số cán bộ giáo viên là 3 người, đến nay có 4 nhóm lớp với tổng số cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên là 10 người.
Trước đây, trường có ba điểm trường nằm ở ba thôn: Đồng Cao, Đồng Băm và Non Tá, đến năm 2017 do cơ sở vật chất khu Đồng Cao xuống cấp nên mặc dù hai khu cách nhau hơn 7 km nhưng nhà trường đã vận động phụ huynh khu Đồng Cao đưa các cháu về điểm trường Đồng Băm để học, điểm trường Đồng Băm cũng cách xa điểm trường chính Non Tá hơn 8 km. Khoảng cách giữa các điểm trường đã khiến tôi cảm nhận rất rõ ràng sự vất vả của cán bộ giáo viên, của phụ huynh cùng các bé nơi đây trên con đường đi đến trường.
Trường Mầm non Thạch Sơn có cơ sở vật chất được xây dựng tương đối khang trang bao gồm: 4 phòng học kiên cố, 1 phòng học âm nhạc, 1 phòng máy tính, 1 phòng hội đồng và 2 phòng nhân viên, có sân chơi, đồ chơi ngoài trời, công trình vệ sinh... khuôn viên sư phạm xanh - sạch - đẹp. Trang thiết bị đồ dùng đồ chơi tương đối đầy đủ.
Trao đổi với tôi về số lượng trẻ đến lớp, thày giáo Nguyễn Trọng Việt - Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường đã khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Số trẻ đến trường hằng năm chưa bao giờ vượt quá 40 cháu. Năm học 2018-2019, trường có 33 học sinh. Trong đó trẻ 5 tuổi 9 cháu; trẻ 4 tuổi 8 cháu, trẻ 3 tuổi 6 cháu và 2 tuổi là 10 cháu. Mặc dù số lượng trẻ ít như vậy nhưng được phân bố đều trong toàn xã do dân cư thưa thớt.
Thầy Việt cho tôi biết tỷ lệ trẻ ra lớp ở độ tuổi mẫu giáo năm nào cũng đạt 100%; tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp cũng rất cao so với các đơn vị khác trong huyện. Thế mới biết rằng phụ huynh ở địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đưa trẻ đến trường mầm non, mặc dù việc đưa đón trẻ đi học hàng ngày cũng gặp không ít khó khăn.
Những quãng đường bị nước lũ chia cắt.
Những quãng đường bị nước lũ chia cắt.
Nói chuyện với tôi trong giờ đón trẻ, một phụ huynh cho biết mỗi ngày các bậc phụ huynh ở cùng một thôn sẽ thay phiên nhau đưa đón khoảng ba bốn trẻ đến trường, như vậy các cháu mới được đi học đều. Có một câu chuyện thú vị và xúc động nữa đó là hàng ngày có cô giáo đi đến trường qua đường Đồng Cao, từ trên đỉnh dốc xuống, cô bấm còi xe máy liên tục để học sinh và phụ huynh nghe thấy và đưa con ra để đi đến trường cùng cô.
Chia sẻ về những khó khăn mà hàng ngày các thày cô gặp phải, các cô giáo kể cho tôi nghe về quãng đường hàng ngày đến lớp. Trường có mười cán bộ giáo viên thì chỉ có hai cô giáo là người địa phương, hầu như ai cũng có con nhỏ nên việc hàng ngày phải dậy sớm, vượt đường xa để đến trường làm việc rồi lại đi về là điều vô cùng khó nhọc.
Những đoạn đường lầy lội khi trời mưa khi phụ huynh đưa con đến trường.Những đoạn đường lầy lội khi trời mưa khi phụ huynh đưa con đến trường.
Có nhiều người phải đi 20 đến 35km đường đèo dốc, nắng thì bụi, mưa thì trơn trượt. Có những ngày mưa lớn, nước dâng lên cao, chảy xiết qua các ngầm khiến giao thông bị chia cắt, các thày cô đi trường chiều về gặp lũ lại tá túc ở trường vài ngày để chờ nước rút mới được về nhà. Ở nơi đây, sóng điện thoại, internet cũng chập chờn không ổn định, nhiều chỗ không có sóng nên việc liên lạc nhiều khi cũng bị gián đoạn. 
Do đặc thù đất rộng người thưa nên việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục cũng không hề đơn giản. các cô giáo đi điều tra trẻ trong độ tuổi mầm non phải đến từng hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình cách nhau 5 đến 7 km, mà chỉ đi vào tầm giữa trưa mới gặp được người dân vì lúc đó họ mới đi làm về.
Trường chưa có bếp ăn bán trú nên hàng ngày các thày cô và các cháu phải mang cơm từ nhà đi để ăn trưa. Một cô giáo chia sẻ “Chúng em còn một nỗi sợ nữa đó là hôm nào họp hành về muộn, trời mùa đông nhanh tối, một mình đi trên những đoạn đường đèo vắng ngắt, đi hàng chục cây số không gặp một người nào, lúc đó cũng sợ lắm chị ạ!” Tôi chợt thấy lòng mình chùng xuống bởi sự hi sinh thầm lặng của những thày cô giáo. Tôi biết rằng những điều mình được nghe kể chỉ là một phần trong sự gian khó mà các thày cô phải trải qua trong hành trình mang chữ cho trẻ em nơi này.
Với điều kiện khó khăn như vậy nhưng nhìn một số năm học, trường có những chuyển biến khá tích cực, số lượng giáo viên dạy giỏi tăng lên, trình độ giáo viên ngày một được nâng cao, chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ngày càng đạt hiệu quả, năm sau cao hơn năm trước.
Điều đó chứng tỏ rằng đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo của chi bộ Đảng, Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, có sự nỗ lực của các tổ chuyên môn và từng giáo viên nhà trường. Trong thời gian qua, nhà trường đã quan tâm đến công tác bồi dưỡng cán bộ giáo viên. Trường đã khắc phục mọi khó khăn, tạo điều kiện để giáo viên đi học nâng cao trình độ, mặt khác khuyến khích động viên các giáo viên vừa công tác vừa tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.
Đội ngũ giáo viên tích cực học tập rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nhà giáo, nâng cao chuyên môn. Không có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm chuyên môn, vi phạm an toàn giao thông. Hiện nay trường có 1 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 4 giáo viên dạy giỏi cấp huyện; 5 cán bộ giáo viên đạt danh hiệu Lao động tiên tiến.
Trường thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, vận động phụ huynh và các chiến sĩ của doanh trại bộ đội ủng hộ ngày công làm khu vui chơi cho trẻ. Nhà trường thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, phong trào thi đua “xây dựng vườn rau sạch cho bé” các khu vui chơi được xây dựng đẹp mắt, hấp dẫn trẻ và là môi trường cho trẻ được hoạt động trải nghiệm khám phá. Cán bộ giáo viên không quản ngại khó khăn đã dành nhiều công sức và sự sáng tạo để xây dựng môi trường vui chơi học tập cho trẻ, cảnh quan nhà trường ngày một đẹp hơn.
Phụ huynh học sinh tham gia làm khu vui chơi cho trẻ.
Phụ huynh học sinh tham gia làm khu vui chơi cho trẻ.
Năm học 2018-2019, thấy tình trạng bán trú cũ của trẻ (hình thức phụ huynh mang cơm, cháo, mì…cho trẻ đi từ sáng sớm) không đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, nhà trường đã vận động phụ huynh cho trẻ ăn bán trú tại trường, lúc đầu nhà trường và phụ huynh nhờ các cô giáo thay phiên nhau đi chợ, nấu cơm chăm sóc cho các cháu được ăn cơm trưa ở trường; tiền ăn của trẻ là tiền được nhà nước hỗ trợ, những thực phẩm như rau sạch, bầu bí cơ bản do nhà trường trồng được hoặc cô giáo, hay phụ huynh mang đến phụ giúp cùng các cô cho trẻ được ăn bữa cơm nóng, ngon ở trường mà không phải ăn cơm để nguội từ sáng như những năm học trước.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng bằng tình yêu, nhiệt huyết, các thày cô giáo ở đây đã từng ngày cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, trang bị cho các em những kiến thức đầu tiên để vào lớp một.
Theo thày Nguyễn Trọng Việt, việc dạy học ở bậc mầm non vốn vất vả nhất trong các bậc học; với các trường mầm non ở vùng cao thì vất vả nhân đôi. Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng giáo dục hơn nữa, nhà trường sẽ tham mưu với cấp trên để tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất và nhân lực. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của giáo dục, qua đó nhận được sự chia sẻ, đồng lòng của người dân và chính cha mẹ học sinh.
Tạm xa ngôi trường nhỏ nằm bên sườn đồi, nhìn những đôi mắt trong veo, nụ cười hồn nhiên ngây thơ của học trò, nhìn sự cần mẫn kiên trì trong hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ của các thày cô, tận mắt chứng kiến sự vất vả bền bỉ trên con đường đến trường mỗi ngày của cán bộ giáo viên... tôi tin rằng chính sự yêu nghề, yêu trẻ, hết lòng say mê và trách nhiệm với công việc mới giúp các thày cô vượt qua khó khăn mà hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Chia tay mảnh đất “cao nguyên” với những đồi cỏ rộng thênh thang kéo dài bát ngát, với những con đường đèo dốc quanh co, hoa sim nở tím cả vạt đồi, khói cơm chiều nhà ai bay lên bảng lảng khiến cho tôi nhớ mãi về nơi này, nơi có các thày cô hàng ngày mang chữ lên đèo cho các cháu học sinh mầm non trên mảnh đất Thạch Sơn này. Trong tôi còn mãi niềm kính phục những thầy cô đã gian nan mang chữ lên đèo.
Theo Sở GD&ĐT Bắc Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ