Bên cạnh những nghiên cứu sinh nhận bằng đúng tiến độ thì nhiều người phải “trầy da, tróc vảy” mới đến được “bến bờ hạnh phúc”.
Theo PGS.TS Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, thời gian đào tạo tiến sĩ theo quy định là 3 năm và được kéo dài đến 6 năm.
Tuy nhiên, thông thường nhiều nghiên cứu sinh tốt nghiệp ở năm thứ 4, thứ 5 hoặc thứ 6. Thậm chí có người vì những lý do khách quan lẫn chủ quan tới 7 năm mới hoàn thành.
Vừa học, vừa làm
Trải qua hơn 6 năm từ lúc được Trường ĐH Sư phạm TPHCM đồng ý tiếp nhận làm nghiên cứu sinh (tháng 10/2015), ông Trần Nguyên Lập (sinh 1963) - hiện công tác tại Phòng Giáo dục – Đào tạo TP Nha Trang (Khánh Hòa), đã nhận bằng tiến sĩ vào tháng 4/2022, với đề tài “Quản lý Đội ngũ giáo viên mầm non khu vực miền Trung theo chuẩn nghề nghiệp”.
Theo TS Trần Nguyên Lập, từ lúc được nhà trường đồng ý tiếp nhận làm nghiên cứu sinh đến ngày nhận được bằng tiến sĩ là một khoảng dài thời gian mà bản thân luôn phải không ngừng cố gắng.
Đó là thời gian tập trung tìm tòi và nghiên cứu tài liệu. Từ việc học, chọn đề tài, thiết kế phiếu điều tra lấy ý kiến đồng nghiệp và các cấp quản lý trong phạm vi giới hạn của luận án; phỏng vấn, xử lý tổng hợp số liệu, liên kết nội dung, thực nghiệm biện pháp... để viết từng chương và hoàn thành luận án.
“Để hoàn thành được luận án, thì nội dung luận án là công đoạn đòi hỏi nhiều công sức và sự tập trung cao độ, phải đầu tư mất rất nhiều thời gian và vượt qua nhiều trở ngại. Bản thân tôi mỗi ngày phải dành ít nhất là 60 - 90 phút để suy nghĩ ghi lại những nội dung liên quan theo từng phần của luận án.
Để nội dung luận án đảm bảo đúng đủ theo đề tài thì cần phải thường xuyên liên lạc với thầy cô hướng dẫn để nhận được sự tư vấn, những ý tưởng và định hướng nội dung trọng tâm của từng chương từng phần thì luận án mới được sáng tỏ…” - TS Trần Nguyên Lập chia sẻ.
Tương tự, nhà giáo Trương Minh Trí - giảng viên chính, giảng dạy các môn Vẽ kỹ thuật, Đồ họa kỹ thuật, Thiết kế sản phẩm công nghiệp, thuộc Khoa Cơ khí Chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) - cho biết đã hoàn tất việc học Tiến sĩ ngành Giáo dục học tại Viện Sư phạm kỹ thuật HCMUTE trong khoảng thời gian từ 2015 - 2022.
Nói về việc học tiến sĩ của mình, nhà giáo Trương Minh Trí cho biết cá nhân rất yêu ngành nghề giáo dục kỹ thuật. Tháng 10/2015, ông dự tuyển và đỗ nghiên cứu sinh khóa 1, ngành Giáo dục học, thuộc Viện Sư phạm kỹ thuật, HMCUTE với đề tài: “Dạy học môn Vẽ kỹ thuật theo tiếp cận học tập tự định hướng cho sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật”.
“Trong quá trình học tập và nghiên cứu, tôi được sự giúp đỡ, động viên và hướng dẫn tận tình của các giảng viên hướng dẫn khoa học. Mặc dù, cá nhân vượt khó và nỗ lực thật nhiều, tuy nhiên, trong quá trình học tiến sĩ, tôi không theo đúng tiến độ, bởi bản thân phải vừa học vừa lo tham gia giảng dạy để phụ giúp cho cuộc sống gia đình…” , nhà giáo Trương Minh Trí chia sẻ.
Sau 6 năm làm nghiên cứu sinh, ông Nguyễn Hưng Hòa (giảng viên tại Trường Đại học Y Dược TPHCM) đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành Giáo dục học với chủ đề “Phát triển năng lực phản tỉnh thông qua hoạt động thực tập lâm sàng cho sinh viên Điều dưỡng” tại Viện Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM.
Theo nhà giáo Nguyễn Hưng Hòa, việc theo mảng giáo dục một phần là do yêu thích. Ông bắt đầu học từ 2015 đến khi bảo vệ xong luận án là đầu năm 2021. “Ban ngày đi làm, ban đêm tập trung làm luận án tiến sĩ… có nhiều đêm tôi phải làm việc tới 2 - 3 giờ sáng. Tôi gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc viết các bài báo khoa học theo quy định. Bài báo khoa học để đăng còn phụ thuộc vào tạp chí. Tạp chí khoa học của trường nơi tôi học, quá trình từ gửi tới lúc phản biện và đăng mất gần 1 năm”, giảng viên Nguyễn Hưng Hòa chia sẻ.
Thiếu kinh nghiệm, thiếu thời gian
Liên quan đến lộ trình học tiến sĩ bị chậm lại, TS Trần Nguyên Lập cho biết, trở ngại nhất của ông trong quá trình làm luận án là sắp xếp thời gian phù hợp để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan, vừa làm luận án.
“Bản thân tôi đang là công chức Nhà nước, quá trình học tiến sĩ phải vừa làm, vừa nghiên cứu. Do đó, việc sắp xếp, lập kế hoạch thời gian chi tiết và thực hiện thật nghiêm túc mới có thể hoàn thành luận án và công việc tại cơ quan. Tuy nhiên, tôi vẫn xin gia hạn 1 năm so với kế hoạch. Vấn đề tôi gặp trở ngại lớn nhất trong việc viết luận án là phải sắp xếp thời gian để chọn lọc nội dung, trình bày số liệu, phân tích và nhận xét phù hợp, sự liên kết các chương có tính thuyết phục, nội dung có tính mới…”, TS Trần Nguyên Lập thông tin.
Hiện là Giám đốc Trung tâm Giáo dục Phổ thông, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, TS Nguyễn Văn Khả làm nghiên cứu sinh ngành Quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Lạc Hồng (LHU) từ năm 2015 đến năm 2020 tốt nghiệp. Theo TS Nguyễn Văn Khả, trong quá trình làm nghiên cứu sinh tại Việt Nam (học trong nước) bản thân đã gặp phải những khó khăn nhất định. Trong đó, ngoài việc học tập nghiên cứu thì phải tham gia các công tác, lo công việc gia đình… Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc nghiên cứu chậm lại. Bên cạnh đó, không có được môi trường học tập nghiên cứu đúng nghĩa, từ đó ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tiến độ học tập. Ngoài ra, kinh phí cũng là rào cản đối với một nghiên cứu sinh, bởi họ cần rất nhiều khoản để trang trải trong suốt quá trình học tập.
“Đó là 3 khó khăn lớn nhất của tôi trong quá trình học tập. Tuy nhiên bản thân là một giảng viên trong trường đại học nên việc học tập nâng cao trình độ là động lực lớn nhất của tôi. Tôi luôn được giảng viên hướng dẫn rất nhiệt tình, quan tâm động viên, nhà trường thì luôn nhắc nhở, đôn đốc để hoàn thành được quá trình học tập”, TS Nguyễn Văn Khả chia sẻ.
Theo giảng viên Nguyễn Hưng Hòa, nguyên nhân của việc học tiến sĩ bị chậm tiến độ là do yếu tố gia đình, công việc và thiếu kinh nghiệm, không nắm rõ các quy định về đào tạo tiến sĩ của ngành, trong đó đặc biệt là quy định đào tạo tiến sĩ của cơ sở giáo dục mà mình làm nghiên cứu sinh. “Quy định của ngành là một chuyện, điều quan trọng là quy định đào tạo tiến sĩ của cơ sở giáo dục mà mình làm nghiên cứu sinh. Bởi mỗi trường có một quy trình riêng mình phải nắm các quy trình của cơ sở để tiến hành cho đúng các trình tự…”, giảng viên Nguyễn Hưng Hòa chia sẻ.
Sau khi hoàn tất chương trình và bảo vệ xong luận án, những tưởng mọi mọi thứ đã êm xuôi nhưng sự trễ hạn vẫn tiếp tục đeo bám giảng viên Hòa. Do thời điểm từ giữa năm 2021 đến nay (8/5/2022), Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chưa có hiệu trưởng nên chưa có người ký bằng tốt nghiệp.
Việc học tập và cấp bằng bị trễ hạn, theo giảng viên Nguyễn Hưng Hòa có nhiều ảnh hưởng công việc. “Đối với cơ quan, tôi phải giải trình mong nhà trường thông cảm và cam kết đảm bảo công việc trong suốt thời gian quá hạn. Đối với gia đình, nhiều công việc lại bị trì hoãn vì phải dành thời gian học tập. Đối với bản thân, tăng áp lực từ nhiều phía vừa phải cố gắng hoàn thành công việc tại cơ quan, vừa phải cố gắng nỗ lực về đích đối với công việc hiện tại...”, giảng viên Nguyễn Hưng Hòa thông tin.
Khởi đầu cho những thành quả khác
Sau 5 năm theo đuổi việc học tiến sĩ tại Trường ĐH Lạc Hồng (2016 - 2021), TS Trần Hoàng Minh (Trưởng phòng Tổ chức hành chính của Trường ĐH Lạc Hồng) cho rằng việc học tiến sĩ là ước mơ, khao khát của những người ham học hỏi, đam mê nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục mà còn trong nhiều lĩnh vực khác. Tấm bằng tiến sĩ không phải là thành quả sau nhiều năm nghiên cứu mà là sự khởi đầu cho những thành quả khác trong tương lai. Khi được công nhận học vị tiến sĩ cũng đồng nghĩa với việc chúng ta được công nhận là biết nghiên cứu và có thể nghiên cứu độc lập. Quá trình học tiến sĩ chưa bao giờ là dễ dàng.
“Vai trò là một cán bộ quản lý đơn vị (cấp trung) thì việc vừa làm nghiên cứu sinh vừa đảm đương công việc của đơn vị là cực kỳ khó khăn đối với tôi. Năm 2016, sau một thời gian tìm hiểu và đắn đo thì tôi quyết định tiếp tục con đường học tập - học tiến sĩ tại Trường ĐH Lạc Hồng. Mãi đến năm 2021 tôi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Đó không chỉ là một phần trong “gia tài” mà qua quá trình nghiên cứu còn giúp tôi nhận định và có lối tư duy các vấn đề một cách sâu sắc hơn…”, TS Trần Hoàng Minh chia sẻ.
Theo TS Trần Hoàng Minh, khi học tiến sĩ trong nước, ngoài việc “cày đêm, cày ngày” để nghiên cứu thì nghiên cứu sinh còn phải bảo đảm được công việc của cơ quan, đơn vị và kể cả công việc của gia đình… Quy định của Bộ GD&ĐT thời gian đào tạo tiến sĩ chỉ từ 3 - 4 năm. Đồng thời, để đảm bảo chất lượng đào tạo của Việt Nam ngày càng cao thì Bộ GD&ĐT còn quy định về chuẩn đầu vào, các tiêu chuẩn về công bố khoa học ở các tạp chí khoa học có giá trị và uy tín, đầu ra ngoại ngữ đối với cấp bậc tiến sĩ là khá chuẩn.
Thay vì tập trung học và nghiên cứu trong thời gian từ 3 - 4 năm theo quy định của Bộ GD&ĐT thì rất nhiều nghiên cứu sinh ở Việt Nam phải bỏ ra 5 - 6 năm và thậm chí là 7 năm mới có thể hoàn thành xong chương trình học và các công trình khoa học của mình. Để có thể hoàn thành được chương trình học tiến sĩ trong thời gian sớm nhất thì ngoài việc mỗi nghiên cứu sinh phải thật sự nghiêm túc nghiên cứu, còn có sự hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất của cơ sở giáo dục (nơi đào tạo), đơn vị công tác và người thân trong gia đình.
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng LHU, Trường ĐH Lạc Hồng đã được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ từ năm 2013 đến nay cho 2 ngành: Quản trị kinh doanh và Khoa học máy tính. Đến nay, đã có 21 tiến sĩ được cấp bằng. Nhà trường cũng đang đào tạo hàng trăm nghiên cứu sinh và gần 500 học viên thạc sĩ. Bên cạnh những thử thách cùng khó khăn trong việc học tiến sĩ thì vấn đề chọn cơ sở đào tạo cũng cần được cân nhắc một cách cẩn trọng. Hành trình tiến sĩ thật sự là quá trình trải nghiệm và “trui rèn” lâu dài để phát huy năng lực của mỗi người trong học thuật, là cơ hội công bố kết quả các công trình nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, “quả ngọt” sẽ là thành quả xứng đáng cho nhiều năm trời dùi mài kinh sử.