Theo lịch thi đã công bố, ngày 2/6, các thí sinh sẽ bắt đầu làm môn thi đầu tiên trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập và kết thúc môn thi thứ 4 vào chiều ngày 3/6. Trước đó, các thí sinh đã thử sức với các bài thi vào các trường THPT chuyên thuộc ĐHQG Hà Nội và ĐH Sư phạm Hà Nội.
Năm học 2018 - 2019, toàn thành phố có 101.460 học sinh tốt nghiệp THCS, giảm 4.000 học sinh so với năm trước. Sẽ có khoảng 60 - 62% số học sinh được tuyển vào THPT công lập, số còn lại sẽ phải học tại các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Nhằm giảm tải cho các trường công lập và để tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập tuyển sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép các trường tuyển sinh bằng cả phương thức xét kết quả thi và xét học bạ. Thời gian xét tuyển ngay sau khi kết thúc năm học 2018 - 2019 cho đến khi đóng cổng tuyển sinh của thành phố.
Tuy tỉ lệ “chọi” có giảm hơn so với năm trước và có nhiều cơ hội theo học tại các trường ngoài công lập nhưng sức ép của kỳ thi vẫn không giảm. Nếu mùa thi trước chỉ thi 2 môn Ngữ văn, Toán thì năm nay thí sinh sẽ phải là tới 4 bài thi gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và Lịch sử.
Môn thi mà nhiều thí sinh lo lắng nhất trước kỳ thi này là Lịch sử. Không phản đối việc đưa Lịch sử làm môn thi vào lớp 10 năm nay nhưng đa số phụ huynh và học sinh đều cho rằng, đây là một môn học khó với rất nhiều kiến thức cần nhớ và phải bỏ ra nhiều thời gian để ôn luyện.
Bùi Khánh Vân, học sinh Trường THCS Tân Định cho biết: Ngoài học ôn tại trường, học tại trung tâm, thì em vẫn có gia sư dạy kèm mỗi tối tại nhà. Năm nay cũng là năm đầu tiên thi 4 môn vào lớp 10, nên em rất lo lắng. Vì học thiên về các môn KHTN, nên em rất áp lực với việc ôn thi môn Sử khi phải nhớ chính xác từng mốc thời gian, sự kiện lịch sử.
Còn Nguyễn Minh Quang - học sinh THCS Trung Hòa chia sẻ: Ngay từ khi thi xong học kỳ I, em đã bắt đầu ôn tập để luyện thi vào lớp 10. Sau khi biết môn thi thứ 4 là Lịch sử, em dành nhiều thời gian cho môn học này. Những ngày này là giai đoạn nước rút, em dành 2/3 thời gian để học Toán, Văn, Anh, còn 1/3 thời gian còn lại sẽ để ôn thi Lịch sử.
Nguyễn Nhật Minh - học sinh Trường THCS Đống Đa cho hay: Thời gian trước, em đã ôn nhiều các môn Toán, Văn và Ngoại ngữ nên hiện tại sẽ dành thời gian nhiều hơn cho môn Lịch sử. Em đã tham khảo bộ đề ôn tập Lịch sử trực tuyến của Sở và thấy rất hữu ích. Dù đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, nhưng em vẫn đang rất lo lắng vì năm nay thi 4 môn.
Ngoài tham gia kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập, Lê Bảo Nam - HS Trường THCS Quang Trung còn dự thi thêm 3 kỳ thi nữa vào các trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, THPT chuyên Đại học Sư phạm và THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Trong vòng 10 ngày, Nam sẽ phải hoàn thành hơn 10 bài thi. Việc tham dự nhiều kì thi sẽ tăng cơ hội để đỗ vào các trường mà em yêu thích nhưng cũng tạo áp lực rất lớn cho Nam khi em luôn phải thức trắng đêm trong nhiều ngày và dành rất nhiều thời gian đến các trung tâm luyện thi.
Để đạt kết quả tốt trong kỳ thi này, ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) lưu ý: Ngoài việc bám sát cấu trúc đề thi tham khảo, học sinh cần ghi nhớ những nội dung kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và những nội dung kiến thức mà giáo viên đã tổ chức cho các em ôn tập tại lớp.
Học sinh không nên quá lo lắng, bởi nội dung đề thi trong kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội đều theo yêu cầu của chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình cấp THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, chủ yếu thuộc chương trình lớp 9.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khẳng định sau khi có kết quả thi sẽ cung cấp cho các trường phổ điểm thi, dự kiến điểm chuẩn và tiến hành xét duyệt điểm chuẩn. Các trường sẽ công bố điểm chuẩn và kết quả thi của thí sinh cùng một thời điểm và trước 1 ngày của đợt tuyển sinh thứ nhất. Cách làm này, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh trong việc xác định nguyện vọng phù hợp để nhập học.