Giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK tại Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nét riêng của Hà Nội trong triển khai CT GDPT 2018 và nhận định bước đầu về triển khai chương trình được chia sẻ từ các CBQL, GV Thủ đô.

Bà Phạm Thị Thanh Mai - Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.
Bà Phạm Thị Thanh Mai - Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Sáng 9/2, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.Hà Nội làm việc với UBND Thành phố và một số sở, ngành liên quan về đổi mới chương trình, SGK.

Trường đoàn giám sát là bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội. Trong các thành viên đoàn giám sát có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Từ câu hỏi của các thành viên đoàn giám sát, đại diện cán bộ quản lý, giáo viên của Hà Nội đã có những chia sẻ từ thực tiễn triển khai Chương trình GDPT 2018 với cả thuận lợi và khó khăn; từ đó đánh giá về chương trình, SGK mới sau một thời gian thực hiện.

Quang cảnh buổi làm việc..

Quang cảnh buổi làm việc..

Đánh giá bước đầu sau 3 năm triển khai

Sau 3 năm triển khai, đánh giá của UBND TP.Hà Nội, Chương trình GDPT 2018 có nhiều ưu điểm và triển vọng, hướng đến phát triển con người toàn diện, biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận nội dung giáo dục sẽ chi phối và bắt buộc tất cả khâu của quá trình dạy học thay đổi, nhằm tạo sự thay đổi căn bản về chất lượng giáo dục.

Qua kiểm tra thực tế và đánh giá của các cơ sở giáo dục cho thấy, chương trình và SGK khá thuận lợi cho giáo viên trong tổ chức dạy học. Quan điểm dạy học mở của chương trình giúp giáo viên không bị áp lực và tự tin khi chuyển từ dạy nội dung kiến thức sang tổ chức các hoạt động hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Thành viên đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Thành viên đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo của UBND TP. Hà Nội: Chuẩn bị đội ngũ giáo viên giảng dạy chương trình mới, công tác rà soát, sắp xếp đội ngũ được Sở GD&ĐT tích cực, chủ động vào cuộc. Song song đó, bồi dưỡng, chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên cũng được tích cực thực hiện. 1.300 giáo viên cốt cán và 160 cán bộ quản lý được tham gia chương trình bồi dưỡng theo quy định. Bồi dưỡng đại trà cho 100% giáo viên các cấp học theo kế hoạch hoàn thành trong năm 2022.

Tại kỳ họp thứ 9 của HĐND TP.Hà Nội, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Sở GD&ĐT tham mưu để UBND trình HĐND thông qua kế hoạch phân bổ biên chế giáo viên với 2.361 biên chế được giao, nhằm đáp ứng yêu cầu về đội ngũ thực hiện chương trình mới.

Là giáo viên chủ nhiệm lớp 10, dạy môn Hóa học, đồng thời là tổ trưởng chuyên môn Hóa-Sinh-Công nghệ, cô Bùi Thị Thanh Hoa, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều thừa nhận những tuần đầu triển khai chương trình, cả thầy và trò đều khá bỡ ngỡ và có khó khăn. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi đã bắt đầu quen, “vào guồng” thì thấy chương trình mới có nhiều ưu điểm. SGK khắc phục được tình trạng quá tải, có cập nhật kiến thức mới, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học, kỹ thuật hiện nay.

Cô Bùi Thị Thanh Hoa lấy ví dụ với môn Hóa học, SGK đã tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống, có nhiều câu hỏi kết nối kiến thức với cuộc sống mà SGK cũ không làm được.

Hoặc như quy định hệ thống danh pháp ở môn Hóa học đọc bằng tiếng Anh ban đầu giáo viên cũng có ý kiến, nhưng khi đã quen thì thấy hoàn toàn phù hợp với xu thế thời đại, hòa nhập với quốc tế.

“Về phương pháp, dạy theo chương trình mới, thầy cô đang thiết kế bài học theo các hoạt động và tổ chức cho học sinh làm việc nhóm. Dù mới hơn 1 học kỳ giảng dạy, tôi nhận thấy học sinh khối 10 tự tin và chủ động hơn. Sau 3 năm học Chương trình GDPT 2018, tin rằng các con sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực tốt hơn so với Chương trình GDPT 2006”, cô Bùi Thị Thanh Hoa nhận định.

Nhà giáo chia sẻ về triển khai Chương trình GDPT 2018 tại buổi làm việc.

Nhà giáo chia sẻ về triển khai Chương trình GDPT 2018 tại buổi làm việc.

Từ thực tế triển khai, một số hạn chế cũng được cô Bùi Thị Thanh Hoa chỉ ra, đó là SGK dù khá tốt, kênh chữ, kênh hình khá đẹp, nhưng một số chỗ còn viết dài dòng. Cơ sở vật chất còn khó khăn. Thiết bị, dụng cụ hóa chất phục vụ dạy học theo chương trình mới nhà trường hầu như chưa được trang bị. Từ đó, cô kiến nghị bổ sung kịp thời trang thiết bị dạy học, trong đó có môn Hóa học cho nhà trường. Sớm có bộ SGK lớp 11 để thầy cô có thể nghiên cứu trong dịp hè, từ đó chuẩn bị tốt hơn khi vào năm học mới.

Thành phố Hà Nội tạo nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính cho ngành Giáo dục trong suốt quá trình hoạt động. Cùng với đó, sự vào cuộc mạnh mẽ quyết liệt của lãnh đạo ngành; sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân và cán bộ, giáo viên, ngành Giáo dục đã đạt kết quả đáng kể trong tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ dạy học. Đánh giá chung, cơ sở vật chất các trường phổ thông công lập trên địa bàn cơ bản đáp ứng Chương trình GDPT 2018. Nhiều quận, huyện đã đầu tư, trang bị các thiết bị hiện đại, thuận lợi cho nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện…

Dạy môn Toán lớp 10, thầy Nguyễn Văn Hoàng, Trường THPT Tây Hồ cũng nhận định chương trình mới có một số điểm tích cực. Theo đó, trước đây, giáo viên là người truyền thụ kiến thức, chủ yếu theo phương pháp giảng. Với chương trình mới, học sinh tự nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức, cùng trao đổi để giải quyết vấn đề, giáo viên là người định hướng, dẫn dắt. “Đó là một trong những thay đổi lớn nhất tôi nhận thấy sau hơn 1 học kỳ giảng dạy lớp 10”, thầy Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ.

Với SGK, theo thầy Hoàng cũng thay đổi tích cực, có nhiều bài tập vận dụng thực tế giúp học sinh phát huy sự tìm tòi, khám phá sâu từng vấn đề. Khi hiểu kiến thức mình học được sử dụng để làm gì, học sinh thấy việc học có ý nghĩa hơn.

“Tất nhiên, bước đầu chuyển sang giảng dạy theo phương pháp mới, cả thầy và trò đều bỡ ngỡ, học sinh chưa tiếp cận được ngay. Nhưng sau một thời gian, học sinh đã hiểu hơn và phối hợp tốt hơn với giáo viên trong các giờ học, từ đó việc học đạt hiệu quả cao hơn”. Chia sẻ điều này, thầy Hoàng đồng thời nêu ra một số khó khăn về trang thiết bị dạy học mà nếu được đáp ứng đủ thì hiệu quả dạy học sẽ hiệu quả hơn nữa.

Nét riêng trong triển khai chương trình mới

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An chia sẻ tại buổi làm việc.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An chia sẻ tại buổi làm việc.

Trước yêu cầu của thành viên đoàn giám sát về thông tin những điểm khác biệt, nét riêng của Hà Nội trong triển khai Chương trình GDPT 2018, cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An chia sẻ 3 việc mà địa phương đã làm sớm, làm có hiệu quả từ trải nghiệm người trực tiếp triển khai.

Thứ nhất là công tác truyền thông. Triển khai chương trình mới, Sở GD&ĐT có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường THCS trong tư vấn học sinh, cha mẹ học sinh về chương trình mới. Do đó, ngay từ lớp 9, học sinh đã nắm được phần nào về chương trình để có tâm thế chuẩn bị tốt nhất.

Riêng với việc lựa chọn môn học, cô Nhiếp cho rằng cần truyền thông tích cực hơn nữa. Chia sẻ kinh nghiệm khi còn làm quản lý tại Trường THPT Yên Hòa, cô Nhiếp cho biết đã tổ chức truyền thông đến cha mẹ học sinh, học sinh về điểm mới của chương trình, cách chọn tổ hợp môn. Thực tế cho thấy, trường hợp nào cả phụ huynh và học sinh cùng đến, cùng được tư vấn thì các em lựa chọn tốt. Trường hợp chỉ cha mẹ đến và tự quyết định cho con thì có ý kiến học sinh muốn đổi nguyện vọng.

UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Sở GD&ĐT, các nhà trường tổ chức thực hiện lựa chọn SGK và phối hợp với các nhà xuất bản có SGK được lựa chọn để tổ chức tập huấn về phương pháp giảng dạy, cách thức áp dụng nguồn tài nguyên trực tuyến và cách thức tổ chức hoạt động trong SGK… Các nhà trường đều được sử dụng đúng bộ SGK đã lựa chọn.

Thứ hai, từ đầu tháng 9, Sở GD&ĐT đã triển khai ngay 16 cụm và trực tiếp lãnh đạo Sở về các cụm để xem việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thế nào, có gì vướng mắc? Các cụm làm tốt sẽ lan tỏa kinh nghiệm, còn cụm chưa tốt tiếp tục học hỏi để hoàn thiện. Với cách làm này, trong tháng 9, các cụm trường đều đã hoàn thiện được kế hoạch giáo dục nhà trường.

Thứ ba là tổ chức các tiết dạy theo hướng nghiên cứu bài học theo công văn số 5512 của Bộ GD&ĐT. Các tiết dạy này không chỉ một trường mà kết nối để nhiều trường cùng góp ý, phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm.

“Sau 1 học kỳ, đây là 3 điểm mới giúp chúng tôi triển khai tốt Chương trình GDPT 2018”, cô Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ.

Cô Trần Thị Hải Yến, hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm chia sẻ tại buổi làm việc.

Cô Trần Thị Hải Yến, hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm chia sẻ tại buổi làm việc.

Cô Trần Thị Hải Yến, hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm thì chia sẻ những điểm mới trong quản trị nhà trường và cho rằng “nếu không thay đổi quản trị nhà trường sẽ rất khó thực hiện chương trình mới”.

Điểm mới đầu tiên là thay đổi cách phân công nhiệm vụ. Theo đó, nhà trường phân công trên tinh thần tự nguyện, xung phong của đội ngũ sau khi được nghiên cứu kỹ chương trình. Cách làm này phát huy được thế mạnh của từng thầy cô trong công việc.

Thứ nữa là tăng cường xã hội hóa hoạt động dạy học trong nhà trường. Trong đó có việc tận dụng tiềm năng từ cha mẹ học sinh là chuyên gia trong lĩnh vực phù hợp để đồng hành, hỗ trợ trong giảng dạy; đặc biệt với nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp.

Ngoài ra, thực hiện linh hoạt trong sắp xếp thời khóa biểu. Nhà trường bố trí thời khóa biểu các môn học vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6. Chuyên đề học tập và nội dung giáo dục địa phương bố trí thời khóa biểu riêng, linh hoạt vào thứ 7, học sinh có thể di chuyển đến các lớp học theo nhu cầu.

Với việc xây dựng tổ hợp các môn học lựa chọn, Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm có 6 tổ hợp để học sinh lựa chọn. Trong số 780 học sinh, chỉ duy nhất 1 em muốn đổi tổ hợp. Với băn khoăn khác môn học sẽ khó chuyển trường, cô Trần Thị Hải Yến cho biết, nhà trường xử lý bằng cách: Những môn trùng, học sinh học bình thường tại lớp; môn còn lại sẽ di chuyển sang lớp thích hợp để học.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến phát biểu tại buổi làm việc.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến phát biểu tại buổi làm việc.

Chia sẻ về triển khai chương trình, SGK mới, đại diện Sở GD&ĐT, Phó giám đốc Phạm Xuân Tiến cho rằng, một trong những điều nổi bật mà Hà Nội thực hiện tốt là rất quan tâm đến chuyên môn của đội ngũ, giải quyết triệt để các vướng mắc của giáo viên, nên công tác tập huấn được đặc biệt chú trọng.

“Chúng tôi có quan điểm, để triển khai tốt các môn học, quan trọng nhất giáo viên phải rõ, mọi khó khăn vướng mắc của giáo viên phải được tháo gỡ. Vì vậy, với các trường phổ thông, Sở GD&ĐT yêu cầu trong tháng 9 và 2 tuần đầu tháng 10 phải tổ chức xong chuyên đề ở các môn học. Trước đó, giáo viên nghiên cứu, có khó khăn thì gửi về Sở/phòng GD&ĐT và các chuyên viên có trách nhiệm nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên gia để trả lời. Do đó, hầu hết vướng mắc giáo viên gặp phải đều được giải quyết”.

Ông Phạm Xuân Tiến chia sẻ và đưa một ví dụ về việc giáo viên nắm chắc tinh thần đổi mới: Năm học 2020-2021, dư luận nói nhiều về sạn trong SGK tiếng Việt. Nhưng giáo viên Hà Nội không có ý kiến vì thầy cô đều hiểu hoàn toàn có quyền thay thế bằng các ngữ liệu khác phù hợp với học sinh, cốt sao đáp ứng đúng yêu cầu về chuẩn theo chương trình.

Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu kết luận.

Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu kết luận.

Tiếp tục quan tâm các điều kiện triển khai

Tại buổi giám sát, đại diện UBND TP. Hà Nội và các sở ngành liên quan đã chia sẻ, trao đổi làm rõ các vấn đề đoàn giám sát yêu cầu xung quanh việc triển khai Chương trình GDPT 2018.

Trong phát biểu kết luận, bà Phạm Thị Thanh Mai nhận định: Bước đầu có thể đánh giá thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, nghiêm túc, đầy đủ, toàn diện và khá kịp thời trong triển khai 2 nghị quyết quan trọng của Quốc hội. Thành phố cũng đã quan tâm, dành nguồn lực lớn cho GD-ĐT nói chung, cho thực hiện chương trình mới nói riêng.

Bà Phạm Thị Thanh Mai cũng ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ, dù điều kiện thực hiện chưa bảo đảm đầy đủ, tối ưu nhất, một số trường còn thiếu trang thiết bị, một số lớp còn quá tải do di dân cơ học. Tuy vậy, thầy cô đã hết sức sáng tạo, cố gắng thực hiện tốt nhất trong điều kiện hiện có để đáp ứng yêu cầu bước đầu.

Trong thời gian tới, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị, thành phố cần tiếp tục tăng cường truyền thông, chủ động, kịp thời, đầy đủ chính xác nhất. Tiếp tục quan tâm rà soát mạng lưới cơ sở giáo dục, sắp xếp, bố trí hợp lý để đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi về việc có đủ trường lớp theo chuẩn. Sử dụng hiệu quả nhất nguồn kinh phí đã bố trí. Điều này có trách nhiệm của địa phương và đơn vị được giao nhiệm vụ là hoàn thiện hồ sơ nhanh, chất lượng.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với khối quận huyện, các trường. Xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết để cân đối nguồn lực, giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ...

Bên cạnh thuận lợi, triển khai Chương trình GDPT 2018 tại Hà Nội cũng có những khó khăn. Một số khu đô thị không có trường học nên nhiều trường chịu áp lực tuyển sinh vì dân số cơ học tăng nhanh. Diện tích đất quy hoạch tại nhiều trường trong quận trung tâm chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Một số trường học sĩ số học sinh/lớp còn cao. Huyện ngoại thành, một số cơ sở giáo dục nguồn lực tài chính hạn hẹp nên đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học, phòng học phòng chức năng còn hạn chế, khó đáp ứng ngay quy định…

Về đội ngũ, còn thừa thiếu cục bộ, trong đó một số giáo viên đơn môn cấp THCS sẽ thừa, trong khi giáo viên môn Nghệ thuật ở THPT thiếu trầm trọng. Chương trình GDPT 2018 có Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm nhưng biên chế phân bổ chưa tính đến đội ngũ dạy những môn này, phải tận dụng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn kiêm nhiệm… Cùng với đó là còn thách thức với đội ngũ dạy các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí ở THCS…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ