Thấu hiểu hơn về giáo dục sau giám sát thực hiện Chương trình mới

GD&TĐ - Có những vấn đề ĐBQH chưa hiểu rõ, nhưng khi giám sát, gặp trực tiếp giáo viên mới thấu hiểu và đồng cảm với ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT.

Trường Tiểu học Gia Vân (Gia Viễn, Ninh Bình) ứng dụng thiết bị công nghệ thông tin vào dạy học. Ảnh: Đức Trí
Trường Tiểu học Gia Vân (Gia Viễn, Ninh Bình) ứng dụng thiết bị công nghệ thông tin vào dạy học. Ảnh: Đức Trí

Ngày 7/2, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì họp trực tuyến với 63 sở GD&ĐT về giám sát thực hiện Chương trình GDPT 2018. Tại đây, các sở GD&ĐT đã thông tin về tình hình thực hiện trách nhiệm giải trình trước đoàn giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) địa phương.

Đồng thuận, đồng hành trên cơ sở hiểu đúng, đủ

Tại An Giang, đoàn ĐBQH khóa XV của tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện khảo sát, giám sát trực tiếp tại 5 đơn vị: UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, trường tiểu học B thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn), Trường THCS Lý Thường Kiệt và Trường phổ thông Thực hành sư phạm - TP Long Xuyên. Đồng thời, giám sát qua văn bản 16 đơn vị, gồm: Sở Tài chính; Sở Nội vụ; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND các huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn tỉnh.

Bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, nhìn chung, tình hình triển khai giám sát của đoàn ĐBQH trên địa bàn tỉnh An Giang thuận lợi, hiệu quả được sự phối hợp tốt của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan hữu quan trong xây dựng báo cáo, tiếp đoàn giám sát.

“ĐBQH tham gia đoàn giám sát chia sẻ, trước đây còn nhiều điều chưa rõ về việc có cần một chương trình, nhiều bộ SGK hay không? SGK có thể dùng lại được hay không?… Khi đi giám sát, gặp trực tiếp giáo viên thì mới thấu hiểu và đồng cảm với Bộ GD&ĐT, ngành Giáo dục”, bà Trần Thị Ngọc Diễm cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì họp trực tuyến với 63 sở GD&ĐT về giám sát thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì họp trực tuyến với 63 sở GD&ĐT về giám sát thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Với Ninh Bình, thực hiện kế hoạch giám sát, Sở GD&ĐT Ninh Bình rất sớm, chủ động tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện báo cáo giám sát gửi cho Bộ GD&ĐT và đoàn giám sát.

Ông Phan Thành Công, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Ngay từ đầu tháng 1, đoàn giám sát của Quốc hội đã tiến hành giám sát trên địa bàn tỉnh. Sau khi giám sát ở cơ sở, ngày 10/1 đã hoàn thành giám sát tại tỉnh, hiện nay đang hoàn thiện thông báo kết luận giám sát.

Giám đốc Phan Thành Công chia sẻ: Ninh Bình xác định, thực hiện một chủ trương lớn, mới, nên trong xã hội còn có ý kiến về vấn đề triển khai thực hiện Nghị quyết 88 cũng là việc hết sức bình thường. Quá trình triển khai giám sát là cơ hội tốt cho giáo dục làm rõ những vấn đề để cử tri, nhân dân hiểu đúng, đủ, trên cơ sở đó đồng thuận, đồng hành với ngành Giáo dục.

Những vấn đề đoàn giám sát quan tâm trên cơ sở đề cương, theo ông Phan Thành Công, là việc thực hiện chương trình tích hợp và xây dựng kế hoạch dạy học môn tích hợp; điều kiện để triển khai; nội dung và sự đáp ứng yêu cầu đổi mới của nội dung chương trình, chất lượng SGK.

“Sau quá trình giám sát đi vào thực tiễn, đoàn đã hiểu hơn khi lắng nghe ý kiến từ ngành. Qua quá trình ấy, có thể khẳng định: Sự phù hợp của chủ trương này với yêu cầu thực hiện Nghị quyết 29. Khẳng định nội dung chương trình, SGK là phù hợp, có chất lượng theo yêu cầu đổi mới. Chất lượng SGK tốt; hệ thống văn bản khá đầy đủ kịp thời, khả thi.

Kết luận là việc triển khai hiện nay đang bảo đảm theo đúng lộ trình, bước đầu đạt được mục đích, yêu cầu. Tuy vậy, cũng cần thừa nhận, trong quá trình triển khai cũng còn có những bất cập, khó khăn nảy sinh cần tiếp tục được hoàn thiện, tháo gỡ; có vấn đề vừa triển khai vừa tập trung hoàn thiện”, ông Phan Thành Công cho hay.

Đại diện Sở GD&ĐT phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với 63 sở GD&ĐT về giám sát thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Đại diện Sở GD&ĐT phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với 63 sở GD&ĐT về giám sát thực hiện Chương trình GDPT 2018.

ĐBQH đồng hành cùng giáo dục

Với Vĩnh Long, thông tin từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trịnh Văn Ngoãn, đoàn ĐBQH của tỉnh đã tiến hành giám sát 4/8 huyện/thành phố, giám sát trực tiếp tại Sở GD&ĐT với sự tham gia các sở ngành liên quan.

Qua đây, đoàn giám sát đánh giá cao công tác chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo quyết liệt, cùng sự phối hợp hiệu quả của các sở, ngành đã giúp Vĩnh Long khắc phục được một số khó khăn về kỹ thuật trong quá trình triển khai. Với khó khăn về thể chế, Vĩnh Long đã có kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ để có chính sách giải quyết, như: Xây dựng Luật nhà giáo; điều chỉnh một số nghị quyết, nghị định, thông tư…

“Các vấn đề khác cơ bản đã được ĐBQH tham gia giám sát đồng tình, đồng cảm và cam kết phối hợp để sớm đưa kiến nghị của ngành đến nghị trường Quốc hội, giúp ngành thực hiện tốt đổi mới chương trình GDPT, SGK”, ông Trịnh Văn Ngoãn cho biết.

Việc triển khai giám sát thực hiện Chương trình GDPT 2018 cũng đang được triển khai tại Nghệ An. Thông tin từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Mai, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã làm việc với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan, UBND các quận huyện. Đoàn đã giám sát ở 3 huyện/thành phố, có vùng đồng bằng, thành phố, vùng núi cao. Trước đó, đoàn ĐBQH tỉnh cũng giám sát trực tiếp ở 4 sở, ngành: GD-ĐT, Nội vụ, Tài chính, Văn hóa-Thể thao và giám sát trực tiếp ở 7 cơ sở giáo dục (bao gồm các cấp, từ tiểu học đến THPT với cả loại hình trường công lập, tư thục, ở các địa bàn cả thuận lợi và khó khăn).

Qua giám sát, ông Võ Văn Mai cho biết, đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao nỗ lực và chỉ đạo kịp thời của ngành, từ Bộ GD&ĐT đến địa phương trong triển khai Chương trình GDPT 2018; cũng như sự tập trung điều kiện, nguồn lực của UBND tỉnh, địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai chương trình. Với những khó khăn của ngành, đoàn ĐBQH chia sẻ, ghi nhận và có một số kiến nghị đề xuất.

“Hiện nay, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã gửi Sở GD&ĐT dự thảo cuối cùng về báo cáo kết quả giám sát. Báo cáo chính thức sẽ được ban hành trong thời gian tới”, ông Võ Văn Mai thông tin.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết tổ chức giám sát tối cao 4 chuyên đề; trong đó có chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Đối tượng giám sát bao gồm: Chính phủ và các bộ, ngành; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan, tổ chức có liên quan. Nội dung giám sát là Đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội; kiến nghị giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.