Nhà trường, giáo viên quyết tâm triển khai tốt chương trình mới

GD&TĐ - Đại diện các trường quận Đống Đa khẳng định quyết tâm làm tốt hơn CT GDPT 2018 trước câu hỏi: Thầy cô có muốn quay lại chương trình cũ?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Sau khi làm việc trực tiếp tại Trường THCS Bế Văn Đàn, chiều 8/2, đoàn ĐBQH TP. Hà Nội tiếp tục khảo sát, làm việc về đổi mới chương trình, SGK tại quận Đống Đa, Hà Nội.

Trưởng đoàn giám sát là bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Trong các thành viên đoàn giám sát có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Quyết tâm triển khai tốt chương trình mới

Trước câu hỏi của Trưởng đoàn giám sát "Thầy cô muốn tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2018 hay quay trở lại thực hiện chương trình cũ?", cán bộ quản lý, giáo viên đều khẳng định quyết tâm tiếp tục triển khai tốt và tốt hơn nữa chương trình mới.

“Chương trình GDPT 2018 có nhiều điểm mới tích cực”. Đưa ra nhận định này, cô Hoàng Thị Đào, giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Cát Linh đã chia sẻ những lợi ích mà giáo viên, học sinh đã được thụ hưởng - lý do quan trọng cho quyết tâm khắc phục khó khăn, tiếp tục triển khai tốt hơn nữa chương trình mới.

Cô Hoàng Thị Đào cho biết, triển khai chương trình, ngoài các đợt tập huấn của Bộ/Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT đã mời chuyên gia, giảng viên sư phạm bồi dưỡng cho giáo viên thêm về SGK, xây dựng kế hoạch bài dạy… Giáo viên được bồi dưỡng để có chứng chỉ dạy học tích hợp. Thầy cô chuyên môn Vật lí, Hóa học, Sinh học cùng ngồi lại hỗ trợ nhau để có kế hoạch bài dạy tốt nhất…

Những điều này giúp cô, đồng nghiệp dần vượt qua những khó khăn ban đầu khi dạy học, thực hiện được đổi mới phương pháp, giúp học sinh hào hứng hơn trong mỗi giờ học.

Cô Hoàng Thị Đào, giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Cát Linh chia sẻ.

Cô Hoàng Thị Đào, giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Cát Linh chia sẻ.

“Khi dạy học, giáo viên tổ chức nhiều hoạt động hơn nên học sinh tích cực hơn, từ đó thực hiện được mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực người học. Ví dụ, học về nam châm điện trong môn Khoa học tự nhiên lớp 7, khi thực hành, thấy nam châm hút được các vật, các em vô cùng hào hứng...”, cô Hoàng Thị Đào chia sẻ.

Nhận định, một trong những điểm mới rất hay của Chương trình GDPT 2018 là tính mở, giao quyền chủ động lớn cho nhà trường, giáo viên, theo cô Hoàng Thị Đào, điều này giúp thầy cô xây dựng được kế hoạch phù hợp, thuận lợi với mình nhất, từ đó triển khai tốt nhất.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Cô Phạm Thị Phúc, Trường tiểu học Nam Thành Công cũng chung nhận định khi đánh giá Chương trình GDPT 2018 có nhiều điểm ưu việt. Học sinh được đánh giá theo năng lực, phẩm chất, khác với trước đây chú trọng vào truyền thụ kiến thức. Do đó sẽ quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để triển khai thực hiện tốt nhất chương trình mới.

Thầy Nguyễn Cao Cường, hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh thì cho rằng, các trường trên địa bàn quận Đống Đa nói chung, THCS Thái Thịnh nói riêng triển khai chương trình mới với tâm thế hồ hởi. Vấn đề bây giờ chỉ là tìm giải pháp để triển khai chương trình tốt và tốt hơn nữa.

Đại diện nhà trường trao đổi tại buổi làm việc.

Đại diện nhà trường trao đổi tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đoàn giám sát cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến công tác chỉ đạo, triển khai Chương trình GDPT 2018 và các điều kiện triển khai, đặc biệt điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, lựa chọn SGK...

Thành viên đoàn giám sát trao đổi, đặt câu hỏi tại buổi làm việc.

Thành viên đoàn giám sát trao đổi, đặt câu hỏi tại buổi làm việc.

Theo báo cáo của đại diện quận, Đống Đa, hiện nay, trên địa bàn quận có 82 trường học trực thuộc, trong đó có 62 trường công lập (27 trường mầm non, 19 trường tiểu học, 16 trường THCS và 1 trung tâm GDNN-GDTX). Trên địa bàn quận còn có 4 trường THPT công lập, 2 trường công lập tự chủ tài chính và 7 trường THPT tư thục.

Cán bộ quản lý, giáo viên... trên địa bàn quận Đống đa chia sẻ tại buổi làm việc.

Cán bộ quản lý, giáo viên... trên địa bàn quận Đống đa chia sẻ tại buổi làm việc.

Triển khai Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn quận Đống Đa bước đầu đã có kết quả tích cực. Từ năm học 2020-2021, quận và ngành GD-ĐT đã chủ động bảo đảm các điều kiện thiết yếu, kịp thời điều chỉnh, xử lý vướng mắc phát sinh trên cơ sở coi trọng chất lượng, hiệu quả giáo dục, quyền lợi của học sinh trong triển khai thực hiện chương trình mới ở các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7.

Ngành giáo dục cơ bản bố trí bảo đảm giáo viên biên chế và bổ sung hợp đồng giáo viên để thực hiện dạy đúng, dạy đủ các môn, hoạt động giáo dục bắt buộc theo chương trình, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học.

Cơ sở vật chất phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị đồ dùng dạy học được trang bị, mua sắm, tự thiết kế, tự làm tương đối đảm bảo để thực hiện chương trình.

Lựa chọn sách giáo khoa công khai minh bạch theo đúng quy định, bảo đảm cung ứng cho học tập, giảng dạy.

Học sinh được tiếp cận với chương trình mới, sách giáo khoa mới kết hợp với điều chỉnh, bổ sung nội dung dạy học góp phần đạt được mục tiêu chương trình, chất lượng giáo dục được nâng lên.

Trưởng phòng GD&ĐT quận Đống Đa báo cáo đoàn giám sát.

Trưởng phòng GD&ĐT quận Đống Đa báo cáo đoàn giám sát.

Về khó khăn trong quá trình triển khai, đại diện quận Đống Đa cho biết: Kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên mua sắm thiết bị dạy học theo hướng tích cực, hiện đại như ti vi, bảng tương tác, phòng tin học, phòng học ngoại ngữ, hệ thống mạng còn nhiều hạn chế. Kinh phí tổ chức các hoạt động hạn chế nên việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm theo Chương trình GDPT 2018 gặp nhiều khó khăn. Thiếu giáo viên có đủ khả năng về kiến thức, năng lực dạy được các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí...

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

2 nội dung cần làm rõ thêm

Triển khai Chương trình GDPT 2018 là quyết tâm đổi mới theo Nghị quyết 29 của Trung ương - Nghị quyết của Quốc hội, thể hiện ý chí của cả nước. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết, Chính phủ ban hành chương trình hành động, thành phố đã ban hành kế hoạch, quận đã ban hành các văn bản chỉ đạo… “Chúng ta chỉ có tiến, không bàn lùi” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Chương trình GDPT 2018 đã có một quá trình lấy ý kiến từ nhiều phía, khảo sát xã hội rất lớn. Đây là một bản đại thiết kế, một kịch bản rất hệ trọng cho giáo dục. Khi tiến hành vẫn phải kịp thời nhận diện các vấn đề, nhất là triển khai trong tình hình mỗi địa phương một điều kiện. Làm sao để vừa tạo tiền đề cho nhóm có điều kiện phát triển hết cỡ, chú ý được số đông và hỗ được cho nhóm khó khăn.

Về báo cáo thực hiện triển khai đổi mới chương trình, SGK, Bộ trưởng yêu cầu cần nêu thêm nội dung về nhận thức, tư tưởng, tinh thần, sự vào cuộc của các bên liên quan. Xem các cấp của ngành Giáo dục, chính quyền địa phương đã nhận thức được đầy đủ về Chương trình GDPT 2018 và những việc cần làm chưa? Từ cấp quận, phòng GD&ĐT, lãnh đạo các trường, giáo viên cần làm gì, đã đúng vai chưa? Đặc biệt là sự thấu hiểu về chương trình của đội ngũ giáo viên, lãnh đạo nhà trường. Theo Bộ trưởng giáo viên thấu hiểu và hành động là vô cùng quan trọng, nhưng nếu như lãnh đạo nhà trường, chỉ huy là hiệu trưởng mà không nắm được thì trường đó cũng không thể đổi mới.

Bộ trưởng đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của chính quyền địa phương và cho rằng, chỉ khi chính quyền địa phương vào cuộc thực sự thì những khó khăn như thừa thiếu giáo viên, tuyển dụng giáo viên, cơ sở vật chất, hỗ trợ chuyên môn cho đội ngũ… mới giải quyết được. Với quận Đống Đa, chính quyền đã vào cuộc tích cực, tuy nhiên cần tiếp tục vào cuộc tốt hơn nữa.

Đại diện cục vụ của Bộ GD&ĐT trao đổi tại buổi giám sát.

Đại diện cục vụ của Bộ GD&ĐT trao đổi tại buổi giám sát.

Vấn đề thứ hai Bộ trưởng yêu cầu làm rõ hơn trong báo cáo là nhóm vấn đề chuyên môn. Theo đó, nêu kỹ và phân tích thêm: Dù chúng ta đang trên đường đi, chưa thể đánh giá được kết quả, đặc biệt với đặc thù của giáo dục, tuy nhiên vẫn có thể đánh giá từng chặng, từng bộ phận. Đặc biệt phải đánh giá được “phần lõi” là lực lượng nhà giáo, xem đội ngũ vào cuộc được đến đâu, họ có thấy mới không, mới được đến đâu, đã thực hiện được phần nào, có được hỗ trợ không, khí thế của nhà giáo ra sao, triển khai thế nào? Nêu được mức độ đổi mới của nhà giáo, mức độ về kỹ năng, về phương pháp; cùng với đó là việc quản trị nhà trường, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường... những điều này có làm tốt không, có gì còn vướng mắc…?

“Đổi mới là quá trình, không thể trong một sớm, một chiều. Quyết tâm triển khai cao nhưng cần hết sức bình tĩnh, tự tin, làm tốt từng việc. Những cái cơ bản, cốt lõi, không thể khác thì cần làm ngay; còn lại hoàn thiện dần và tăng cường kiến nghị”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bà Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi làm việc.

Bà Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, bà Phạm Thị Thanh Mai yêu cầu UBND quận Đống Đa tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng để bổ sung, hoàn thiện báo cáo.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đánh giá cao UBND quận Đống Đa trong công tác chỉ đạo, quan tâm đến giáo dục nói chung và triển khai 2 nghị quyết của Quốc hội nói riêng. Theo đó, đã ban hành các kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, quan tâm bố trí kinh phí và dành tỷ lệ lớn ngân sách cho giáo dục. Quận đã cơ bản thực hiện tốt quản lý nhà nước về giáo dục, thuộc top đầu về chất lượng giáo dục trên địa bàn. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn rất cao, hơn mức bình quân của thành phố. Khả năng đáp ứng các điều kiện dạy theo chương trình mới bước đầu đã đáp ứng được cơ bản.

Tuy vậy, về cơ sở vật chất, dù đã được quan tâm đầu tư nhưng còn hạn chế về diện tích, do đó còn một số trường chưa đạt chuẩn. Giáo viên còn thừa thiếu cục bộ - đây cũng là tình trạng chung của các quận huyện.

Bà Mai đặc biệt nhắc đến việc địa phương đã triển khai lựa chọn SGK, theo đó các bộ sách được chọn đúng với nguyện vọng của các trường, không có sự gợi ý, áp đặt.

Để triển khai tốt hơn trong thời gian tới, bà Phạm Thị Thanh Mai đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm, tập trung truyền thông, tuyên truyền để xã hội, đặc biệt phụ huynh hiểu về chương trình mới, từ đó đồng hành với ngành Giáo dục, thầy cô, nhà trường. Cần đặc biệt quan tâm đến đội ngũ, trong đó có việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên. Tiếp tục quan tâm mua sắm trang thiết bị dạy học, không để chậm hơn nữa. Quan tâm, rà soát, cập nhật bổ sung trong quỹ đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất để giải quyết bài toán về diện tích trường học…

Bà Phạm Thị Thanh Mai cũng khẳng định quyết tâm tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2018 và yêu cầu quận Đống Đa phải có kế hoạch chi tiết, rõ ràng để triển khai hiệu quả đổi mới giáo dục phổ thông theo lộ trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ