Giám sát thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới tại Hà Nội

GD&TĐ - Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới tại Hà Nội bước đầu đi vào ổn định, nền nếp, không có vướng mắc lớn.

Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề tại Trường Tiểu học Phù Linh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề tại Trường Tiểu học Phù Linh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Ghi nhận ý kiến từ cơ sở

Ngày 9/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 đã làm việc với một số đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Nội.

Đoàn giám sát đã đến thăm, khảo sát, thực hiện giám sát chuyên đề tại các Trường Tiểu học Phù Linh (huyện Sóc Sơn), THCS Minh Tân B (huyện Sóc Sơn), Tiểu học Minh Quang A (huyện Ba Vì), Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Vì và làm việc với lãnh đạo các huyện Sóc Sơn, Ba Vì.

Tại Trường Tiểu học Phù Linh, tổ công tác do ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, dẫn đầu đã đi thăm cơ sở vật chất, thăm lớp học, trò chuyện với giáo viên và làm việc với nhà trường để tìm hiểu về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Báo cáo với tổ công tác, thầy Trần Văn Sa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Linh cho biết: Nằm trên địa bàn thuận lợi nên việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới gặp nhiều thuận lợi.

Nhà trường cơ bản bảo đảm phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị đồ dùng dạy học để thực hiện chương trình. Giáo viên cơ bản được bố trí dạy đúng, dạy đủ các môn, hoạt động giáo dục bắt buộc theo chương trình, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Sách giáo khoa được lựa chọn đúng quy trình, đảm bảo cho việc học tập và giảng dạy. Học sinh được tiếp cận với chương trình mới, sách giáo khoa mới kết hợp với điều chỉnh, bổ sung nội dung dạy học góp phần đạt được mục tiêu chương trình, chất lượng giáo dục được nâng lên, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin không ngừng được nâng cao.

Tuy nhiên, nhà trường cũng gặp một số khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất. Nguồn lực tài chính còn hạn hẹp nên việc đầu tư cho mua sắm thiết bị dạy học phòng học, phòng chức năng còn hạn chế, khó đáp ứng ngay quy định.

Khả năng sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy, khả năng tiếp cận phương pháp giảng dạy hiện đại còn hạn chế ở một số giáo viên.

Giáo viên trường Tiểu học Phù Linh tự tin giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới.

Giáo viên trường Tiểu học Phù Linh tự tin giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới.

Một số cha mẹ học sinh chưa thật sự quan tâm đến việc học tập của con em mình, chưa nhận thức đúng đắn về vị trí, tầm quan trọng của giáo dục. Một số người quan niệm cho rằng nội dung chính của công tác xã hội hoá giáo dục là huy động kinh phí, dẫn đến việc đầu tư cho giáo dục chưa đúng mức.

Đáng chú ý, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo thấp (chưa đến 50%), tỷ lệ giáo viên lớn tuổi cao (trên 60%), việc ứng dụng công nghệ thông tin hạn chế, thụ động, chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý và dạy học, đổi mới căn bản, toàn diện theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Khẳng định chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là đúng đắn và cần thiết, lãnh đạo Trường Tiểu học Phù Linh nêu ý kiến với Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị UBND huyện Sóc Sơn bố trí biên chế bảo đảm cơ cấu và số lượng, đặc biệt các vị trí hiện nay chưa có như nhân viên thư viện, thiết bị, công nghệ thông tin và văn thư.

Có kế hoạch sửa chữa, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả sử dụng; xây dựng kế hoạch đầu tư mua sắm bổ sung, tự làm thiết bị đồ dùng, tổ chức các chuyên đề, tập huấn về đổi mới nội dung, chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Giáo viên Trường Tiểu học Phù Linh nêu ý kiến với đoàn công tác.

Giáo viên Trường Tiểu học Phù Linh nêu ý kiến với đoàn công tác.

Giáo viên tự tin giảng dạy chương trình mới

Phát biểu tại buổi làm việc, các giáo viên trực tiếp giảng dạy chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới tại Trường Tiểu học Phù Linh đều khẳng định Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới có nhiều ưu điểm so với chương trình cũ.

Nội dung giáo dục cập nhật, phù hợp với những thành tựu mới của khoa học công nghệ và định hướng mới của chương trình, được kế thừa từ Chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành, nhưng được tổ chức lại để giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả hơn.

Nội dung chương trình tạo điều kiện cho giáo viên có thể chủ động trong việc tổ chức các hoạt động dạy và học. Quan điểm dạy học mở của chương trình giúp cho giáo viên không bị áp lực và tự tin khi chuyển từ dạy nội dung kiến thức sang tổ chức các hoạt động hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Làm rõ hơn thông tin từ cơ sở, bà Trần Thị Thanh Huế - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn cho biết: Triển khai thực hiện các nội dung đảm bảo theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành GD-ĐT huyện đã đảm bảo đủ về phòng học, cơ bản đủ các phòng chức năng, mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học tương đối đảm bảo triển khai thực hiện nội dung chương trình.

Các nhà trường bố trí cơ bản đủ giáo viên biên chế, hợp đồng giáo viên với những môn còn thiếu, đáp ứng dạy đúng, đủ các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc theo chương trình. Các hoạt động tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên được tổ chức kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc dạy học các môn mới, môn tích hợp.

Đoàn giám sát thăm Thư viện Trường Tiểu học Phù Linh.

Đoàn giám sát thăm Thư viện Trường Tiểu học Phù Linh.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Phòng cũng nhận thấy một số khó khăn như: Tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra cục bộ, nguồn tuyển giáo viên cho các môn học như Khoa học tự nhiên, Tin học, Ngoại ngữ… còn gặp nhiều khó khăn.

Kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất và mua sắm các trang thiết bị phục vụ chương trình GDPT 2018 chưa kịp thời nên gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức dạy học nhất là môn tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học, các môn thực hành thí nghiệm ở cấp THCS. Việc có nhiều bộ sách giáo khoa không thuận lợi cho việc quản lý chuyên môn của các cấp và khi học sinh phải chuyển trường gặp khó khăn vì những bộ sách khác nhau.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thay mặt Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả Trường Tiểu học Phù Linh đạt được trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới; lắng nghe ý kiến của tập thể lãnh đạo, giáo viên cùng các đơn vị liên quan, đoàn công tác đã có những thông tin cần thiết để hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát.

Ông Phan Viết Lượng cũng đề nghị nhà trường phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn để tiếp tục triển khai thành công chương trình, sách giáo khoa mới. Trong đó, cần quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng; chú trọng công tác tuyển chọn, bố trí, đào tạo, tập huấn để nâng cao chất lượng mọi mặt của giáo viên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao không chỉ với những môn học mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ