Bộ GD&ĐT làm việc với Bình Phước về giám sát triển khai chương trình mới

GD&TĐ - Chiều 28/2, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ họp trực tuyến với Sở GD&ĐT Bình Phước về giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ họp trực tuyến với Sở GD&ĐT Bình Phước về giám sát nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ họp trực tuyến với Sở GD&ĐT Bình Phước về giám sát nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK.

Bình Phước là 1 trong 8 địa phương trên cả nước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát trực tiếp.

Cơ bản đáp ứng mục tiêu đổi mới

Ông Hồ Hải Thạch, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Phước cho biết: Tại địa phương, đoàn ĐBQH tỉnh đã hoàn thành giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Báo cáo kết quả giám sát của đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đánh giá: Việc thực hiện 2 nghị quyết của Quốc hội đã được tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các địa phương trong tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Các nguồn lực để phát triển GD-ĐT được tập trung đầu tư, ưu tiên nguồn kinh phí bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đổi mới.

UBND tỉnh Bình Phước đã kịp thời ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; chỉ đạo các ngành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện kịp thời. Đồng thời, đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo kết quả giám sát của đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đánh giá: Chương trình GDPT 2018 phát huy tính chủ động, tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ một chiều, nặng về truyền thụ kiến thức.

Từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT đã phổ biến và chỉ đạo áp dụng nhiều phương pháp giáo dục mới (như mô hình trường học mới, phương pháp bàn tay nặn bột, giáo dục STEM…) và đổi mới kiểm tra, đánh giá. Do đó, hầu hết giáo viên các cấp học đã được làm quen. Nhiều giáo viên đã vận dụng thành thạo phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá mới.

Nhìn chung, đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT cơ bản đã đáp ứng mục tiêu đổi mới theo quy định tại Nghị quyết 88, Nghị quyết 51. Việc thực hiện đổi mới trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo tinh thần chủ động, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn đã thực hiện có hiệu quả. Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá thực hiện ngày càng thực chất, hiệu quả. Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh học Chương trình GDPT 2018 có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, triển khai Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ triển khai Chương trình GDPT 2018 còn thiếu khá nhiều, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Đội ngũ giáo viên trường phổ thông chưa bảo đảm theo quy định tại Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở GDPT công lập. Môn Khoa học tự nhiên cấp THCS chưa có giáo viên đủ trình độ chuyên môn để dạy cả 3 phân môn. Tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đại trà các mô đun về thực hiện Chương trình GDPT 2018 còn chậm và do dịch Covid-19 phải bồi dưỡng trực tuyến nên phần nào ảnh hưởng đến kết quả bồi dưỡng…

Chương trình GDPT 2018 được hướng dẫn giảng dạy theo hướng mở, giao quyền chủ động cho nhà trường trong thực hiện chương trình. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ động, linh hoạt cũng là khó khăn do giáo viên quen thực hiện theo khuôn mẫu. Ban giám hiệu một số trường chưa có kinh nghiệm, lúng túng khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường…

Tại buổi làm việc, đại diện các trường phổ thông, phòng GD&ĐT, UBND cấp huyện tại Bình Phước chia sẻ những vấn đề cụ thể từ thực tiễn khi triển khai Chương trình GDPT 2018, với kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất. Những vấn đề này được đại diện các vụ, cục của Bộ GD&ĐT trao đổi, chia sẻ, giải đáp; đồng thời lưu ý một số vấn đề khi triển khai thực hiện chương trình, về cơ sở vật chất; đội ngũ; kinh phí, nguồn lực triển khai Chương trình GDPT 2018; việc triển khai chương trình ở từng cấp học…

Đại diện các cục, vụ của Bộ GD&ĐT trao đổi tại buổi làm việc.

Đại diện các cục, vụ của Bộ GD&ĐT trao đổi tại buổi làm việc.

Quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới

Nhìn chung, việc lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông tại Bình Phước được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, tập trung, khách quan và đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đề xuất của các cơ sở giáo dục.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị Sở GD&ĐT Bình Phước tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các vụ, cục. Cần chuẩn bị kỹ để báo cáo, nhận định với đoàn giám sát đúng, rõ, khách quan, chính xác ngay từ ban đầu. Tránh việc khi có kết luận có đoàn giám sát mới thấy nội dung chưa phù hợp, phải giải trình.

Thứ trưởng cũng đặc biệt lưu ý phải nắm chắc các văn bản chỉ đạo và quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo đổi mới. Trong đó, một số văn bản quan trọng như: Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; Nghị quyết 44 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29; Quyết định 404 của Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; Thông tư 32 ban hành Chương trình GDPT 2018; và nhiều văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Cùng với đó, đội ngũ, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý phải nắm chắc Chương trình GDPT 2018, sự khác biệt của Chương trình GDPT 2018 với Chương trình GDPT 2006. Những khác biệt từ quan điểm, mục tiêu của Chương trình GDPT; nội dung và thời lượng giáo dục; phương pháp dạy học đến vai trò sách giáo khoa; vai trò của giáo viên; yêu cầu với học sinh, cha mẹ học sinh; vai trò chủ động của cơ sở giáo dục; điều kiện về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; trách nhiệm của địa phương.

Đầu cầu Sở GD&ĐT Bình Phước có sự tham gia của lãnh đạo Sở và một số UBND cấp huyện, Phòng GD&ĐT, các trường phổ thông.

Đầu cầu Sở GD&ĐT Bình Phước có sự tham gia của lãnh đạo Sở và một số UBND cấp huyện, Phòng GD&ĐT, các trường phổ thông.

Hiện nay, 100% cơ sở giáo dục có cấp Tiểu học ở Bình Phước dạy môn Tiếng Anh, Tin học ở lớp 3. Cơ bản các trường đã bố trí đầy đủ giáo viên dạy lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 theo Chương trình GDPT 2018 phù hợp với tình hình thực tế tại trường.

Một việc rất quan trọng, theo Thứ trưởng, phải đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học. Chuyển từ quản trị nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực. Nếu quản trị nhân sự theo hướng khai thác, sử dụng đội ngũ thì quản trị nguồn nhân lực coi đội ngũ là tài sản tạo ra chất lượng giáo dục, do đó cần phải có chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích đội ngũ, người quản lý cần tạo điều kiện hỗ trợ để giáo viên có thể thực hiện nhiệm vụ tốt nhất. Từ nhận thức như vậy, công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cần phải được đặt lên hàng đầu.

“Hiệu quả công việc bằng tích của 3 chữ làm: Biết làm, được làm, có động lực để làm. Chỉ cần một thừa số bằng không thì tích bằng không”, Thứ trưởng chia sẻ.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng đồng thời lưu ý, làm rõ một số vấn đề liên quan đến môn Khoa học tự nhiên ở THCS; việc có môn học bắt buộc và lựa chọn ở THPT; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ