UBTV Quốc hội bắt đầu giám sát triển khai chương trình mới tại địa phương

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sáng 9/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT bắt đầu chương trình làm việc với các địa phương.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

8 tỉnh/thành Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát trực tiếp gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lai Châu, Đắk Nông, Bình Định, Bình Phước, Sóc Trăng.

Trong thời gian từ 9/3 đến 5/4, Đoàn giám sát sẽ chia thành các tổ công tác làm việc với các cơ sở giáo dục, UBND quận, huyện, trước khi làm việc với UBND tỉnh, thành phố.

Sáng 9/3, tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội dẫn đầu đã làm việc tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

“Việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” là một trong 2 chuyên đề giám sát do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện trong năm 2023.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn là Trưởng Đoàn giám sát. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh là Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh là Phó Trưởng đoàn giám sát…

Mục tiêu của Đoàn giám sát là chỉ ra được những mặt tốt đã làm được nhằm tiếp tục phát huy, đồng thời nhìn nhận rõ những tồn tại, vướng mắc để kịp thời khắc phục, tháo gỡ; qua đó góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thời gian tới.

Đối tượng giám sát là Chính phủ; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chính quyền địa phương 63 tỉnh, thành phố; các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Phạm vi giám sát là việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 trên phạm vi cả nước.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Chuyên đề giám sát sẽ tập trung vào các nội dung: Đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2014 - 2022; đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện hai Nghị quyết này, những kết quả bước đầu, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và hướng khắc phục. Từ đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Chuyên đề giám sát cũng sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp, kiến nghị để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 trong thời gian tới.

Đến thời điểm này, Đoàn giám sát về “Việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã tiến hành hai phiên họp, cho ý kiến về các dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết, phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn giám sát và các đề cương báo cáo...

Đoàn giám sát cũng đã đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp triển khai khảo sát, điều tra xã hội học và đánh giá dư luận xã hội; Ban Dân nguyện tổng hợp kiến nghị cử tri; Viện Nghiên cứu lập pháp nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Theo kế hoạch, Đoàn giám sát sẽ báo cáo kết quả giám sát và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề tại phiên họp tháng 8. Báo cáo kết quả giám sát và Nghị quyết giám sát chuyên đề sẽ được gửi đến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.