Giảm nghèo, phát triển kinh tế nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tỉnh Gia Lai đang thực hiện chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang phát triển các loại có giá trị kinh tế cao nhưng tiết kiệm chi phí.

Người dân phường Yên Thế (TP Pleiku) chuyển đổi từ cây cà phê sang chanh dây.
Người dân phường Yên Thế (TP Pleiku) chuyển đổi từ cây cà phê sang chanh dây.

Chuyển đổi hơn 41.500 ha cây trồng kém hiệu quả

Với mục tiêu gia tăng giá trị canh tác, phát triển sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2016 - 2022, tỉnh Gia Lai đã chuyển đổi 41.582 ha cây trồng kém hiệu quả sang phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó ưu tiên dành một phần quỹ đất cho phát triển các dự án chăn nuôi, xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Theo UBND tỉnh Gia Lai nhìn chung, các mô hình, cây trồng chuyển đổi đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 – 5 lần so với trước kia. Đây là tiền đề, cơ sở để các địa phương doanh nghiệp, người dân của tỉnh trong thời gian tới đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Qua đó gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững.

Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2022 toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 4.713 ha đất trồng lúa thường xuyên bị hạn sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu thị trường. Như năm 2016 huyện Mang Yang chuyển đổi 176 ha lúa sang trồng ngô 10 ha, sắn 72 ha, rau và đậu đỗ các loại 94,3 ha; huyện Chư Prông chuyển đổi 200 ha sang trồng ngô 130 ha, đậu đỗ 70 ha….

Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất trồng lúa thường xuyên bị hạn, Ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích cây trồng kém hiệu quả.

Theo đó, giai đoạn 2016 - 2022, các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đã thực hiện chuyển đổi khoảng 36.869 ha diện tích cây trồng kém hiệu quả, như; cao su, mía, hồ tiêu…sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như khoai lang Nhật, khoai tây, cây ăn quả, cây dược liệu. Bên cạnh đó ưu tiên dành một phần quỹ đất cho phát triển các dự án chăn nuôi, hạ tầng, xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo...

Riêng năm 2022, các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đã thực hiện chuyển đổi khoảng 2.330 ha. Trong đó cao su 67 ha, điều 79 ha, hồ tiêu 884 ha, cà phê 29 ha...

Hiệu quả từ việc chuyển đổi

1ha chanh dây có thể cho lợi nhuận từ 400-450 triệu đồng.

1ha chanh dây có thể cho lợi nhuận từ 400-450 triệu đồng.

Sau thời gian chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất trồng lúa thường xuyên bị hạn và diện tích cây trồng kém hiệu quả tại Gia Lai nhìn chung mang lại những hiệu quả, giá trị kinh tế cao. Theo đó, hầu hết cây trồng được chuyển đổi khá phù hợp điều kiện đất đai và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, cho năng suất cao, chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao hơn. Một số mô hình chuyển đổi có giá trị kinh tế cao như sau: Chuyển sang trồng Chanh dây với chi phí đầu tư bình quân cho 1 ha khoảng 160 - 170 triệu đồng. Sau khi trồng khoảng 8 - 9 tháng, chanh dây cho thu hoạch lứa quả đầu tiên, đến tháng 11 - 12 cho thu hoạch lứa quả thứ hai, đến tháng thứ 14 cho thu hoạch lứa quả thứ 3… Năng suất bình quân khoảng 40 - 45 tấn/ha với giá bán khoảng 14.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 400 - 450 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, nếu chuyển sang trồng khoai lang Nhật, chi phí đầu tư trung bình cho 1 ha khoảng 70 - 75 triệu đồng. Với năng suất bình quân khoảng 20 - 22 tấn/ha, giá bán bình quân khoảng 10.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 130 - 145 triệu đồng/ha/vụ.

Anh Trần Văn Toàn (xã Ia Der, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cũng như nhiều hộ gia đình khác đã chuyển đổi diện tích cà phê cằn cỗi sang trồng rau.

“Trước kia 5 sào cà phê, trừ hết chi phí chăm bón thì gia đình thu được khoảng 15 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, khi chuyển đổi sang trồng rau tôi ước tính có thể thu được khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí’, anh Toàn nói.

Cũng theo UBND tỉnh Gia Lai, đơn vị vừa phê duyệt đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó phấn đấu giai đoạn 2023-2025, địa phương chuyển đổi hơn 58.500 ha cây trồng kém hiệu quả. Tỉnh Gia Lai kỳ vọng thông qua chuyển đổi sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất và nâng cao thu nhập cho người dân...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ