Ảnh chỉ mang tính minh họa/Internet |
Nội dung chất vấn:
Về vấn đề giảm tải chương trình giáo dục phổ thông :
Với tinh thần lắng nghe và sẵn sàng đổi mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những bước hoàn thiện chương trình giáo dục mới bằng việc ban hành chuẩn kiến thức cho chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, chuẩn kiến thức hiện nay đề cập gần hết nội dung chương trình trong sách giáo khoa (thể hiện qua việc liệt kê tất cả các tiêu đề lớn trong bài), điều này làm cho giáo viên đứng lớp không mạnh dạn cắt bỏ các nội dung, chương trình học hiện nay vẫn còn nặng nề với thầy và trò. Đồng thời, việc kiểm tra đánh giá chưa có nhiều thay đổi cũng làm cho giáo viên chưa mạnh dạn trong việc thực hiện chỉ đạo giảm tải. Đây cũng là yếu tố quan trọng làm cho việc tiến hành dạy tích hợp các nội dung khác (giáo dục môi trường, giáo dục kĩ năng sống, ...) được triển khai chậm.
Đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết các bước cụ thể tiếp theo để nhanh chóng giảm tải chương trình cho học sinh ?
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Có một số nguyên nhân dẫn tới học sinh bị quá tải trong học tập, trong đó có nguyên nhân từ chương trình và từ việc áp dụng chương trình trong dạy học. Để nâng cao chất lượng dạy học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện một số công việc:
- Tổ chức biên soạn và tập huấn cho giáo viên sử dụng các tài liệu hướng dẫn dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình để áp dụng trong dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, không vượt quá yêu cầu chương trình, đặc biệt là đối với những học sinh có khó khăn trong học tập, có trình độ nhận thức trung bình hoặc yếu.
- Tiếp tục đánh giá, thu thập các ý kiến góp ý cho chương trình và sách giáo khoa để từ đó có những hướng dẫn điều chỉnh một cách hợp lý theo hướng giảm tải những nội dung không phù hợp hoặc trùng lặp giữa các bộ môn.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lí giáo dục và giáo viên nhằm đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học và phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động trong nhận thức của học sinh, phù hợp khả năng nhận thức của học sinh.
Thực hiện Thông báo Kết luận số 242-TB/TW ngày 15/4/2009 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương triển khai các nghiên cứu, xây dựng Đề án: Đổi mới Chương trình, Sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015 với một số định hướng đổi mới chương trình là:
- Nội dung các môn học cần giảm lí thuyết hàn lâm, tăng cường thực hành, gắn với các tình huống đời sống và yêu cầu giải quyết vấn đề.
- Nội dung các môn học và hoạt động giáo dục được thiết kế theo quan điểm tích hợp, có chú ý đến những nội dung mang tính liên môn, thiết thực với cuộc sống như: Biến đổi khí hậu; Môi trường; Giáo dục kĩ năng sống; An toàn giao thông; Dân số; Giới;... Thực hiện quan điểm tích hợp góp phần làm việc dạy học trở nên thiết thực hơn, giúp phát triển năng lực của học sinh, đồng thời giúp tránh sự trùng lặp không cần thiết gây nên sự quá tải của chương trình.
- Chương trình không nặng về cung cấp nhiều kiến thức mà các kiến thức được lựa chọn cơ bản, vừa đủ để phát triển năng lực tư duy, phương pháp học, phát triển năng lực giải quyết vấn đề, ... cho học sinh.
- Tăng cường phân cấp quản lí thực hiện chương trình, dành thời lượng thích đáng để các địa phương đề xuất, điều chỉnh nội dung, kế hoạch dạy học cho phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh cụ thể.
- Đổi mới phương pháp dạy học đồng thời với đổi mới kiểm tra đánh giá. Không nhồi nhét kiến thức, không bắt nhớ máy móc gây nặng nề cho học sinh.
- Giảm số lượng đầu môn học và hoạt động giáo dục trong một thời điểm (cấp học/lớp học) một cách hợp lý.
Hiện nay, Dự thảo Đề án đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện.
Bộ GD&ĐT
TIN LIÊN QUAN |
---|