Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên.
Nhiều năm nay, đã có rất nhiều ý kiến phản ánh trực tiếp từ đội ngũ, cũng như phản ánh trên báo chí về tính hình thức, chưa thiết thực của yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi giữ hạng, xét thăng hạng.
Trước băn khoăn của đội ngũ, tại cuộc tiếp xúc cử tri thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định trong tháng 11/2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thông báo tin vui: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Bộ Nội vụ để đi tới thống nhất, sẽ xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên.
Thực hiện lời hứa này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết liệt chỉ đạo; cùng với việc thông tin ở Quốc hội, rồi nhiều lần làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ, lãnh đạo Bộ đồng thời chỉ đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (đơn vị tham mưu giúp Bộ trưởng trong ban hành các tiêu chuẩn, quy định liên quan đến nhà giáo) về việc này, để có thể “cởi trói” cho giáo viên về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã hiện thực hóa mong mỏi của hơn một triệu giáo viên.
Các Thông tư này được ban hành trên cơ sở sửa đổi, thay thế các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGD&ĐT-BNV do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2021.
Các Thông tư 01, 02, 03, 04 đã bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên các cấp và bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ thứ hai đối với giáo viên dạy ngoại ngữ. Yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên các cấp, các hạng được điều chỉnh từ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sang tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Điều này không có nghĩa là yêu cầu về ngoại ngữ, tin học của giáo viên bị xem nhẹ, mà đã được nghiên cứu, điều chỉnh một cách hợp lý để đảm bảo yêu cầu về các năng lực này được quy định hiệu quả và thực chất hơn.
Theo đó, yêu cầu về ngoại ngữ, tin học được đặt ra trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên sẽ giúp nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học một cách hiệu quả và thực chất bởi vì các yêu cầu ấy sẽ gắn với những nhiệm vụ cụ thể của giáo viên và phù hợp với điều kiện từng vùng, miền.
Chia sẻ của cô Giang Thị Hải An, Hiệu trưởng Trường mầm non Thái Thượng (Thái Thụy, Thái Bình), trước đây, theo quy định tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là bắt buộc để giữ, thăng hạng.
Cụ thể, giáo viên các cấp học, các hạng chức danh nghề nghiệp, dù ở vùng miền nào, vùng thuận lợi hay khó khăn, đều phải đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ từ bậc 1 đến bậc 3 (tùy hạng và tùy cấp học) và yêu cầu về trình độ tin học ở mức đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thực tế triển khai quy định trên với giáo dục mầm non cho thấy, số đông thầy cô khi cần phải hoàn thiện các văn bằng, chứng chỉ này để đáp ứng việc giữ và thăng hạng đều phải chạy đua để học cấp tốc lấy chứng chỉ cho có lệ mà không thực chất. Có đơn vị đào tạo, bồi dưỡng không có chất lượng thực hiện việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không đúng quy định… gây bức xúc đối với xã hội. Dân đến giáo viên tốn kém cả về thời gian và kinh tế.
“Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên. Nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc bỏ được chứng chỉ ngoại ngữ và tin học đáp ứng được mong mỏi của đông đảo đội ngũ; giúp đội ngũ giảm áp lực không đáng có để tập trung cho chuyên môn, từ đó nâng cao chất lượng dạy học.” - cô Giang Thị Hải An cho hay.
NGƯT Tô Ngọc Sơn, Trường tiểu học Chu Văn An (Đồng Tháp) cũng bày tỏ niềm vui khi giáo viên được “cởi trói” khỏi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
“Thời đại 4.0, kỹ năng ngoại ngữ, tin học là cần thiết; nhưng nên theo yêu cầu công việc, vị trí việc làm cụ thể chứ không phải là từ chứng chỉ một cách hình thức. Bộ Giáo dục và Đào tạo thời gian qua đã rất cố gắng. Tôi đánh giá rất cao những kết quả ngành Giáo dục đạt được trong thời gian qua, cũng như những chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tạo điều kiện, giảm áp lực cho đội ngũ. Riêng việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã tạo điều kiện rất lớn, giảm nhiều áp lực để giáo viên có thời gian tập trung hiệu quả nhất cho công tác chuyên môn”. – NGƯT Tô Ngọc Sơn chia sẻ.
Thể hiện đồng tình khi bỏ được chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, PGS. TS Vũ Trọng Lưỡng, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội đồng thời cho rằng cần làm sao để việc tự học, tự bồi dưỡng giáo viên là phải làm thường xuyên. Đây là chìa khóa để nâng cao chất lượng đội ngũ.