Bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp: Cần phù hợp cho từng đối tượng

GD&TĐ - Bên cạnh sự quan tâm lớn với việc bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, nhiều giáo viên và cán bộ quản lí cũng mong muốn các yêu cầu sẽ có sự phù hợp cho từng đối tượng cụ thể.

Giáo viên trường THCS Bình Thuận (Đại Từ) trao đổi chuyên môn nghiệp vụ.
Giáo viên trường THCS Bình Thuận (Đại Từ) trao đổi chuyên môn nghiệp vụ.

Vấn đề bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đang được các cán bộ quản lí tại các cơ sở giáo dục của Thái Nguyên quan tâm, tích cực truyền tải, chia sẻ thông tin cho đội ngũ giáo viên. Đa phần, các nhà trường đón nhận thông tin về vấn đề này một cách bình tĩnh, với mục tiêu là có sự nhìn nhận và triển khai sao cho phù hợp, hiệu quả.

Cô giáo Phan Thị Phương Ly, Hiệu trưởng trường PT Dân tộc nội trú THCS Phú Lương trao đổi: Đội ngũ giáo viên nhà trường về cơ bản đã đạt chuẩn và vượt chuẩn, đảm bảo yêu cầu về trình độ đào tạo, tuy nhiên vẫn luôn có ý thức, mong muốn tiếp tục nâng cao về năng lực thực tiễn. Vì vậy, phần đa giáo viên đều tích cực đón nhận thông tin về vấn đề bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

“Rõ ràng, việc giáo viên được nâng cao về trình độ nghề nghiệp cũng như mức lương tương xứng là rất cần thiết, rất tốt cho việc góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Vấn đề quan trọng là cần có hướng dẫn triển khai thực hiện cụ thể, phù hợp cho từng đối tượng, nhất là những trường hợp như giáo viên vùng khó khăn,  giáo viên đã xếp hạng I trước đó…” - cô giáo Phan Thị Phương Ly nhấn mạnh.

Trong khi đó, cô giáo Trần Thị Lan Anh, Hiệu trưởng trường TH&THCS 915 Gia Sàng cho rằng: Chứng chỉ thì rất cần thiết cho công tác quản lí, còn đối với giáo viên thì quan trọng nhất là nó phải thực sự đem lại những tác dụng thiết thực. Bên cạnh đó, vấn đề hỗ trợ kinh phí cho các giáo viên khó khăn cũng rất cần được quan tâm cụ thể.

“Theo tôi, việc bồi dưỡng lâu dài thường xuyên hằng năm bằng cách bám sát vào các yêu cầu cụ thể của từng năm học, từng giai đoạn sẽ phù hợp, đem lại những hiệu quả thiết thực hơn là việc bồi dưỡng để có chứng chỉ” - cô giáo Trần Thị Lan Anh nêu quan điểm.

Về phía các giáo viên trực tiếp giảng dạy, vấn đề này cũng đang nhận được sự quan tâm của nhiều người với những góc nhìn riêng.

Giáo viên trường TH&THCS 915 Gia Sàng trong một giờ lên lớp
Giáo viên trường TH&THCS 915 Gia Sàng trong một giờ lên lớp

Cô giáo Nguyễn Thu Quỳnh, trường THCS Nguyễn Du (TP Thái Nguyên) cho rằng: Việc bồi dưỡng nâng hạng chức danh nghề nghiệp cũng sẽ gây ra nhiều vất vả cho giáo viên. Tuy nhiên, dù sao thì đây cũng là một cách thức để đánh giá giáo viên. Khi ban hành chính sách, chắc chắn các cấp ngành đã có những định hướng, tính toán nhất định nhằm đem lại lợi ích và công bằng cho những người dạy học.

“Đã làm giáo viên thì quan trọng nhất, cuối cùng vẫn phải là chất lượng hiệu quả  công việc, uy tín với học sinh, niềm tin từ phụ huynh học sinh” - cô Nguyễn Thu Quỳnh nêu quan điểm.

Thầy giáo Nguyễn Giang Thanh, trường Tiểu học Phú Xá (TP Thái Nguyên) cho rằng: Vấn đề là bản thân mỗi giáo viên khi đã đứng trên bục giảng thì đều đã được đào tạo, đều tự học tập nâng cao năng lực trong cả quá trình. Việc bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cũng tốt, nhưng cần chú ý việc tránh gây ra nhiều khó khăn phức tạp cho giáo viên.

“Việc đánh giá năng lực không chỉ có thông qua bằng cấp đào tạo và chứng chỉ bồi dưỡng, mà quan trọng còn là thông qua việc thể hiện ở tay nghề thực tiễn, ở giảng dạy trên lớp” - thầy giáo Nguyễn Giang Thanh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.