Chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp: Cần cách thức phù hợp với GV miền núi

GD&TĐ - Trước những quy định về thăng hạng giáo viên bao gồm cả chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, các giáo viên tại tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, quan trọng là phải thiết thực và cách thức bồi dưỡng sao cho phù hợp.

Nhiều giáo viên tại các huyện mong muốn lớp bồi dưỡng chức danh phù hợp với điều kiện, nhu cầu giáo viên.
Nhiều giáo viên tại các huyện mong muốn lớp bồi dưỡng chức danh phù hợp với điều kiện, nhu cầu giáo viên.

Quy định cũng cần linh động, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên vùng miền, nhất các huyện miền núi xa xôi học ngay tại nơi công tác.

Cần linh động

Hương Sơn là một huyện miền núi của Hà Tĩnh, địa bàn đi lại khó khăn, trường lớp, giáo viên khá đông. Khi nhắc đến cụm từ “chức danh nghề nghiệp”, hầu hết các giáo viên đều có chung ý kiến, nguyện vọng là nếu triển khai thì nên phù hợp điều kiện vùng miền, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên để họ vừa đảm bảo công tác dạy học, vừa giảm chi phí.

Thầy Phạm Đình Cát, hiệu trưởng Trường liên cấp Tiểu học, THCS Sơn Lĩnh (huyện Hương Sơn) cho biết: “Việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên là cần thiết để nâng cao trình độ chuyên môn nhưng phải dựa trên năng lực thực tiễn của mỗi người. Góc độ nhà trường là luôn sẵn sàng, nhưng thắc mắc của giáo viên là điều khó tránh khỏi mà bản thân tôi thấy nó phù hợp”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cấp tiểu học của Trường liên cấp tiểu học, THCS Sơn Lĩnh có 32 giáo viên, trong đó ăn lương hạng II có 25 người, 6 người hạng III, có 1 giáo viên trình độ CĐ đang chuẩn hóa đại học năm 2021. “Nếu học lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, trường có ít nhất 6 người phải đi học nâng hạng và chưa tính đến việc phải giữ hạng. Tính ra từ Sơn Linh xuống thành phố Hà Tĩnh hoặc ra Đại học Vinh (Nghệ An) để học thì thời gian cả đi, cả về hơn 200km. “Lựa cơm gắp mắm”, tạo điều kiện cho giáo viên vùng miền núi mở lớp ngay tại huyện là phù hợp nhất” – thầy Cát nói thêm.

Thầy Phạm Quốc Nam, Phó hiệu trưởng Trường liên cấp tiểu học, THCS Sơn Hồng (huyện Hương Sơn) chia sẻ: “Vừa rồi nhiều giáo viên tại trường vừa hoàn thành lớp học để lấy chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ, giờ thêm chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, nghĩa là 2 chứng chỉ trên phải “cất tủ”, rất lãng phí. Có những giáo viên phải ra TP Vinh, Hà Nội để học chứng chỉ, mất thời gian tốn kém kinh tế là điều nan giải nhất. Lớp bồi dưỡng chức danh nếu thật sự phù hợp cả về thực tế lẫn đáp ứng được nguyện vọng của giáo viên thì quá tốt”.

Theo dẫn chứng của thầy Hồ Tiến Dương, hiệu trưởng Trường THPT Hương Sơn (huyện Hương Sơn), bản thân giáo viên hạng 1 phải học thạc sĩ để nâng cao trình độ. Việc học thăng hạng là cần thiết, nhưng học thế nào để phù hợp thời gian và tiền lệ phí bỏ ra là điều đại đa số giáo viên băn khoăn. Không nên học tập trung, dồn dập cùng lúc. Tốt nhất đưa vào chương trình bồi dưỡng hàng năm hoặc đăng ký học Online để giáo viên còn có thời gian giảng dạy tại trường.

Một tiết học của cô, trò Trường liên cấp Tiểu học, THCS Sơn Lĩnh (huyện Hương Sơn).
Một tiết học của cô, trò Trường liên cấp Tiểu học, THCS Sơn Lĩnh (huyện Hương Sơn).

Cần thiết nhưng cần phù hợp

Do học liên tục, thời gian kéo dài tới hơn 1 tháng, cô D.T.Ng, GV một trường tại huyện Hương Sơn cũng chia sẻ: Cô phải ở nhờ nhà người quen tại thành phố Hà Tĩnh mỗi lần đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng chức danh hay lấy chứng chỉ. Nhiều giáo viên khác nếu không có mối quan hệ thân thiết thì phải thuê trọ bởi không thể di chuyển hơn 200km cả đi lẫn về.

“Mỗi lần đi học thêm chứng chỉ, nâng hạng chức danh chúng em nộp học phí mất hơn 2 – 3 triệu đồng. Ngoài ra, tiền ăn, chi phí sinh hoạt trong suốt thời gian học cũng khá tốn kém” – cô Ng. ý kiến.

Góc nhìn đa chiều hơn khi hỏi đến việc giáo viên nên hay không việc bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, thầy Hồ Xuân Thông – hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Hương Sơn (huyện Hương Sơn) đánh giá, bản thân thầy, các giáo viên tại trường đều mong muốn, học đâu phù hợp nhất đối với giáo viên là điều mong mỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.