Theo ghi nhận thực tế tại một số điểm trường trên địa bàn TP Cần Thơ, các giáo viên đồng tình rằng việc học, nâng cao trình độ đối với mỗi giáo viên là tất yếu. Từng giáo viên phải học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết của nhà giáo đứng trên bục giảng để đem lại hiệu quả giảng dạy cao nhất. Tuy nhiên, việc học lại những điều đã học, đã biết và tốn thời gian gây ảnh hưởng đến tâm lý và hiệu quả giảng dạy của giáo viên.
Chia sẻ về quan điểm cá nhân, thầy Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) kiến nghị, nếu áp dụng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chỉ nên áp dụng khi tuyển dụng những giáo viên mới hay thăng hạng. Chứ những giáo viên đang giữ hạng và giáo viên sắp hưu đã cống hiến rất nhiều cho giáo dục thì nên xem xét miễn xét chức danh nghề nghiệp.
Trao đổi về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên, thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) nêu ý kiến: “Nếu có yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chỉ nên áp dụng đối với giáo viên tuyển dụng sau ngày 20/3/2021. Riêng giáo viên đã bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp trước đó và giáo viên gần đến tuổi nghỉ hưu thì nên xem xét”.
Theo chia sẻ của cán bộ quản lý và giáo viên, những yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo Thông tư mới vừa có hiệu lực là thực hiện theo những quy định pháp luật có hiệu lực cao hơn trước đó, cụ thể là Luật viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP. Để Bộ GD&ĐT thay đổi quy định về chức danh nghề nghiệp giáo viên trong Thông tư mới thì trước hết phải sửa đổi các quy định này tại Luật viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.