Quan trọng là động cơ của người học, chứng chỉ gì cũng cần thiết

GD&TĐ - Những nội dung của lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hỗ trợ rất thiết thực cho công tác quản lý, giảng dạy của cán bộ quản lý cũng như giáo viên nếu người học thực sự có động lực học tập.

Giáo viên ở Đà Nẵng tham gia khóa học bồi dưỡng giáo viên dạy STEM - khởi nghiệp
Giáo viên ở Đà Nẵng tham gia khóa học bồi dưỡng giáo viên dạy STEM - khởi nghiệp

Tham gia khóa học chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp từ trước khi có thông tư 01, 02, 03 và 04 của Bộ GD&ĐT về việc bổ nhiệm, thăng hạng, xếp lương, cô Đỗ Thị Bích Liên (giáo viên Trường Tiểu học Núi Thành, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Lúc đó đăng ký đi học mà vẫn băn khoăn sao mình đang là GV hạng 2 rồi mà phải đi học để giữ hạng.

Nhưng khi tham gia thì thấy nội dung khóa học bổ trợ rất tốt cho việc phát triển chuyên môn.

Nội dung học thiết thực cho công tác giảng dạy như các phương pháp dạy học tiếp ứng cho chương trình mới, cách thức tổ chức các hoạt động dạy học để giúp phát triển năng lực của người học”.

Hoàn thành khóa học, có chứng chỉ rồi, cô Liên mới tiếp cận được Thông tư 02. “Lúc đó mình mới thấy rằng việc đi học là cần thiết vì đã có chứng chỉ rồi.

Nếu có văn bản hướng dẫn trước khi đi học thì chắc tâm lý tiếp nhận của mình sẽ khác hơn" - cô Liên cho biết.

Ở thời điểm đang áp dụng thông tư 20 - 21 - 22, Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã có GV đi học các khóa bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Đã có 9 người thi thăng hạng lên hạng 1.

"Với những GV đang ở hạng 2, hạng 3 thì họ đi học với tinh thần tự nguyện vì đây vừa là yêu cầu vừa bổ trợ cho công tác chuyên môn.

Dù thăng hạng hay giữ hạng thì đây cũng là nhu cầu thực tế. Với thi để thăng hạng thì GV sẽ được tăng lương.

Còn với giữ hạng thì đã là viên chức phải tuân thủ theo Luật cũng như các Nghị định, việc nên hay không nên chỉ là suy nghĩ mà thôi" - thầy Phan Tấn Bửu, Hiệu trưởng nhà trường phân tích. 

Theo nhận xét của thầy Bửu, nội dung kiến thức của khóa bồi dưỡng bổ trợ cho người học khá nhiều kiến thức về quản lý nhà nước, chuyên ngành cũng như chuyên môn; cập nhật nhiều kiến thức mới về hệ thống giáo dục quốc dân.

Cũng đồng ý với nhận xét này, thầy Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) cho rằng tâm lý phần đông giáo viên là ngại đổi mới và "vào biên chế rồi là xong".

"Nếu GV được điều động đi học như bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên sẽ là bình thường, ít có những phản ứng trái chiều.

Thế nhưng, với những yêu cầu của giáo dục hiện đại thì GV phải có những cập nhật để phát triển nghề nghiệp.

Cùng với bồi dưỡng thường xuyên hàng năm, khóa học sẽ hỗ trợ GV, CBQL trong nâng cao năng lực chuyên môn, cơ hội phát triển nghề nghiệp" - thầy Điệp phân tích.

Như ở trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai, có những GV dù chỉ mới vào ngành vài năm nhưng hệ số lương đã cao hơn Hiệu trưởng nhờ kỳ thi thăng hạng.

Tuy nhiên, theo như thầy Điệp thì cách thức tổ chức của các cơ sở được Bộ GD&ĐT ủy quyền tổ chức các khóa học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mới là điều đáng bàn.

"Nếu mà đi học cho có, điểm danh hộ, thậm chí là không điểm danh, học online hộ, chép bài của nhau thì khóa học cũng chỉ là hình thức, không hỗ trợ gì cho việc phát triển chuyên môn.

Cứ "đầu vào nghiêm túc, đầu ra bài bản" là sẽ thuyết phục được cả người học và dư luận. 

Ở một góc độ khác, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho rằng không nên quy định cứng về mức học phí trên một học viên mà nên căn cứ vào số học viên/khóa học.

Hoặc phải quy định lại sĩ số của một lớp bồi dưỡng để đảm bảo chất lượng của các lớp bồi dưỡng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.