Giải tỏa hội chứng “sợ lớp 1“

GD&TĐ - Giai đoạn chuyển tiếp từ mẫu giáo lên lớp 1 dường như là chuyện hết sức bình thường, nó xảy ra với mọi đứa trẻ. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng tiếp nhận sự chuyển tiếp này một cách dễ dàng, có nhiều trường hợp phụ huynh quá vất vả khi con họ không chịu đi học, thậm chí từ chối ra khỏi giường vào buổi sáng, dưới đây là một số việc cha mẹ cần làm để giúp con trẻ giải tỏa hội chứng “sợ lớp 1”.

Giải tỏa hội chứng “sợ lớp 1“

Năm ngoái, cô bé Simone Wagner 5 tuổi đã có một giai đoạn khó khăn khi bước vào lớp 1. Chị Toronto – mẹ của bé nhớ lại: "Rất nhiều lần con bé khóc lóc và kêu đau bụng rồi có nhiều đêm con bé trằn trọc, thậm chí mất ngủ. Vào buổi sáng, chúng tôi buộc phải kéo con bé ra khỏi giường. Và trong 4 tháng đầu tiên của năm học, chúng tôi luôn đến muộn”.

"Lớp 1 có thể là một vấn đề rất khó khăn với nhiều trẻ em," Jane Garland, bác sĩ tâm thần trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng BC ở Vancouver nói. Khi trẻ em đang chuyển từ một môi trường vui chơi là chủ yếu sang một nơi mà chúng sẽ phải gắn bó với bàn học và sẽ dành phần lớn thời gian cho việc tiếp thu kiến thức, lẽ dĩ nhiên, chúng sẽ cảm thấy sợ hãi, thất vọng và chán nản. Mọi thứ ở môi trường mới có vẻ không như chúng mong đợi chút nào. Nhưng, "nếu con bạn đang giận dỗi, những cơn đau bụng nhanh chóng xuất hiện và cũng mau kết thúc khi cha mẹ cho trẻ ở nhà. Trong những trường hợp như vậy, cha mẹ không nên mắng trẻ, hơn ai hết, chúng cần được an ủi, động viên để cảm thấy thoải mái hơn”, Garland khuyên.

Tìm hiểu lý do tại sao con bạn không thích lớp 1

Bước vào lớp 1 đồng nghĩa với việc trẻ buộc phải làm quen với những quy tắc mới, có thể bao gồm việc giải lao ngoài sân chơi với những anh chị lớp trên, chúng cũng sẽ ăn trưa trong một căng-tin đông đúc. Ngoài ra, trong lớp, trẻ còn phải tập trung cao độ vào nhiều môn học, không đơn thuần là kỹ năng đọc và viết như ở lớp mẫu giáo. Một thứ áp lực kinh khủng hơn là trẻ sẽ được xếp loại vào cuối học kỳ và cuối năm. Lúc này, việc quan trọng mà cha mẹ cần làm là cố gắng tìm hiểu xem điều gì ảnh hưởng đặc biệt đến trẻ. Trong trường hợp của Simone, khủng hoảng của cô bé là môn Toán.

Cha mẹ hãy bắt đầu bằng cách nói chuyện với con, nhưng tránh đặt ra những câu hỏi nghiêm ngặt. "Những mệnh lệnh hay yêu cầu trực tiếp thường khiến đứa trẻ cảm thấy áp lực và chán nản" - Garland nói. Bạn có thể tranh thủ khoảng thời gian bữa tối, hãy tìm cách gợi chuyện để các thành viên trong gia đình giãi bày về một sự việc khó khăn mà họ đang trải qua, và hãy cố gắng khiến họ cảm thấy dễ chịu hơn bằng cách lắng nghe, chia sẻ và đưa ra giải pháp, điều này sẽ giúp các thành viên trong gia đình, kể cả con trẻ đều cảm thấy ổn hơn. "Đây chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề," Garland nói.

“Nếu trẻ vẫn không chịu mở lòng, cha mẹ cần liên hệ với giáo viên chủ nhiệm” - Kym Wand, giáo viên lớp 1 ở Waterloo, Ont, nói - “Nếu bạn nhận thấy đứa trẻ thường xuyên tỏ ra lo lắng khi đến trường, bạn nên cùng giáo viên tìm hiểu điều gì xảy ra vào ngày cụ thể trong tuần, ví như lớp tập thể dục hoặc bảng tính toán khó hiểu – cách này có thể giúp bạn tìm ra nguyên nhân khiến trẻ lo lắng và sợ hãi”.

Giúp trẻ hòa nhập môi trường mới

“Làm thế nào để giúp trẻ vượt qua giai đoạn chuyển giao quan trọng? Điều đó phụ thuộc vào những vấn đề mà bạn tìm hiểu. Mọi khúc mắc đều có cách giải quyết, vì vậy đừng ngại tâm sự hay bày tỏ nỗi lòng của mình”, Wand nói. Ví dụ, nếu con bạn đang lo lắng về những thói quen hay những nguyên tắc mới tại trường, hãy nhờ giáo viên chủ nhiệm kết nối con bạn với một người bạn cùng lớp để chúng có thể cùng đi ăn trưa và trò chuyện trong giờ nghỉ giải lao. Đây là một phương pháp rất hữu ích, vừa giúp trẻ có bạn mới, vừa là cơ hội để mối quan hệ giữa cha mẹ và giáo viên thêm gần gũi.

“Nếu những môn học mới đang gây áp lực cho trẻ, hãy thẳng thắn nói với trẻ rằng trường học không phải lúc nào cũng dễ dàng, và điều đó hoàn toàn bình thường, ai cũng phải đối mặt với nó. Cha mẹ cũng có thể nói với trẻ rằng có nhiều thứ chúng ta không biết, và chúng ta sẽ cùng nhau làm việc này" - Wand chia sẻ. “Nếu đứa trẻ đang gặp khó khăn với việc làm quen môn học mới, cha mẹ hãy dành thời gian để học cùng con tại nhà. Nên nhớ rằng, con bạn không phải trường hợp đặc biệt, bởi rất nhiều đứa trẻ khác cũng đang gặp khó khăn tương tự. Thậm chí trong lớp, việc trẻ chênh nhau vài tháng tuổi cũng tạo nên sự khác biệt và có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu cũng như sự tự tin ở trẻ - Garland nói - “Trong trường hợp này, cha mẹ cần hỗ trợ kịp thời để giúp con theo kịp bạn bè”.

Ngoài ra, thói quen ngủ và chất lượng giấc ngủ cũng rất quan trọng. "Nếu không có một giấc ngủ ngon, trẻ em có nhiều khả năng bị mệt mỏi suốt cả ngày, điều này ảnh hưởng đến tâm trạng, hành vi và khả năng tiếp thu của chúng", Wand nói. “Hãy chắc chắn rằng, con bạn được ăn một bữa sáng thật ngon tại nhà, và cha mẹ cũng nên theo dõi bữa trưa chúng ăn tại trường”, Garland nói.

Khi trẻ tìm mọi cách trì hoãn việc đến trường, các chuyên gia khuyên, điều quan trọng là cha mẹ không nên nhượng bộ mặc dù bản năng của cha mẹ là bảo vệ con, nhưng điều đó chỉ khiến mọi chuyện trở nên khó khăn và phức tạp hơn vào ngày hôm sau. Để con có một sự phát triển bình thường và ổn định, chúng cần phải làm quen và tuân thủ những nguyên tắc.

Một điều đáng mừng là mọi trẻ em đều tiến bộ khi chúng luôn được cha mẹ hỗ trợ kịp thời. Vì vậy, hãy kiên nhẫn để con bạn tự hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Giống như trường hợp của Simone, sau giai đoạn chuyển giao khó khăn giữa trường mẫu giáo và trường tiểu học, giờ đây cô bé là một thành viên có sự tiến bộ vượt bậc trong lớp. “Cuối cùng con bé cũng thích trường học” - Pereira nói - “Vào mùa xuân, con bé chỉ mong chờ đến ngày được tới lớp cùng bạn bè và cô giáo.”

Theo Todaysparent

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ