Canada: Cam kết đầu tư cho GD gây hoài nghi

GD&TĐ - Từ trường học miễn phí cho trẻ em bốn tuổi đến việc sắp xếp lại hệ thống quản trị trường học công lập, các đảng chính trị của Quebec đã và đang đưa ra rất nhiều kế hoạch cho GD để lấy phiếu trong cuộc bầu cử chọn ra chính quyền mới ở tỉnh lớn nhất Canada, thế nhưng cũng có nhiều sự hoài nghi về các kế hoạch này.  

Ứng cử viên Philippe Couillard chơi bóng cùng trẻ em ở St-Félicien, khi đến một cuộc họp báo để công bố chương trình GD trong chiến dịch tranh cử của đảng Tự do hôm 27/8
Ứng cử viên Philippe Couillard chơi bóng cùng trẻ em ở St-Félicien, khi đến một cuộc họp báo để công bố chương trình GD trong chiến dịch tranh cử của đảng Tự do hôm 27/8

Sự hứa hẹn của giới chính khách

HS ở các trường học của Quebec đã trở lại lớp học vào tháng trước, cùng thời điểm với việc các nhà lãnh đạo chính trị trong tỉnh bắt đầu khởi động cho chiến dịch tranh cử của họ.

Trong khi nhiều HS trở lại các trường học đang xuống cấp nghiêm trọng và giáo viên phải bỏ cả tiền túi ra để chi trả đồ dùng dạy học hoặc thậm chí để duy trì hoạt động dạy học, các đảng chính trị đã tung ra một loạt các lời hứa nhằm cải thiện hệ thống GD của tỉnh.

Từ trường mầm non miễn phí cho trẻ bốn tuổi (bất kể là một trường học quy mô hay chỉ là một lớp mẫu giáo) đến GD bậc cao như đào tạo sau ĐH, các đảng phải đều cam kết hàng tỷ đô la Canada, bao gồm khoản kinh phí hứa hẹn để cải tạo hệ thống trường học.

Sheryl Smith-Gilman, Trợ lý Giám đốc Chương trình đào tạo giáo viên tại ĐH McGill, cho biết, cô rất vui khi các lời hứa đang hướng nhiều vào GDMN, bởi thực tế chứng minh sự hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời cho đứa trẻ có cuộc sống khó khăn sẽ mang lại những tác động rất sâu sắc.

Tuy nhiên, cô cho rằng sự hỗ trợ này (nếu có) phải đồng đều cho mọi trẻ em cần được hỗ trợ và cần chú trọng cả về chất lẫn lượng. Theo Smith-Gilman, sự hỗ trợ không chỉ là vật chất, không chỉ là nhằm nâng cao chất lượng sống cho HS trong trường mà cần phải có tác động cả vào chất lượng giảng dạy.

Việc các đảng phái chọn GD là một trong những mục tiêu trọng tâm trong cuộc chạy đua của cuộc bầu cử địa phương có thể được hoan nghênh, nhưng lại thường xuyên là mối mâu thuẫn đầy tranh cãi giữa lời hứa với việc thực thi nhằm cải thiện hệ thống GD công cộng, vốn đã thiếu đầu tư quá lâu và quá nhiều bất cập trong công tác quản lý.

Những thực trạng khó tin

Dù là một trong những tỉnh giàu có nhất nước, nhưng một báo cáo của chính phủ Canada vào mùa xuân năm ngoái cho thấy 55% trường tiểu học của Quebec đang ở trong tình trạng nghèo hoặc rất nghèo. Số trường trung học cùng cảnh ngộ là 47%. Chi trả thấp cũng khiến tình trạng thiếu giáo viên trở nên đáng báo động, nhiều trường phải thực hiện chính sách thuê giáo viên ngắn hạn để lấp đầy bục giảng.

Khó khăn của các trường hầu hết đến từ chính sách đầu tư cho GD, vốn bị tác động nghiêm trọng bởi các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ do khủng hoảng kinh tế cách đây vài năm. Nhiều khoản đầu tư cho GD bị cắt giảm khiến không ít trường phải sa thải bớt nhân viên hỗ trợ chuyên môn và hạn chế số lượng sách bổ sung vào thư viện.

Pascale Grignon, một phát ngôn viên của Tổ chức hỗ trợ các trường công lập (JPMEP) không quên được giai đoạn ảm đạm đến mức “xuống đáy” của các trường công ở Quebec vài ba năm trước. Chính JPMEP đã tổ chức nhiều cuộc phản đối và tuần hành để đưa ra công chúng thực trạng bi thảm của các trường công trong bối cảnh ngân sách bị cắt giảm. Trước sự phản đối của cộng đồng, cũng như nhờ vào nền kinh tế phục hồi, ngân sách dành cho GD dần được khôi phục gần về mức cũ, nhưng không đủ để các trường có thể vực dậy.

“Chúng tôi bị bỏ lại rất xa ở phía sau. Những tác động khủng khiếp trong 3 - 4 năm qua vẫn để lại hậu quả ghê gớm đối với các trường học” - Grignon, hiện có một con đang học lớp 1 và một con đang học lớp 6, nhận xét về thực trạng các trường công ở Quebec hiện nay. Theo cô, các trường học đang cần sự đầu tư rất lớn trong giai đoạn này để có thể phục hồi. Người phát ngôn của JPMEP còn cho rằng, những đứa trẻ đang học mẫu giáo hay lớp 1 khi diễn ra khủng hoảng mới là nạn nhân lớn nhất; bây giờ, khi đã lên lớp 3 hoặc lớp 4, các em vẫn đang tiếp tục bị bỏ lỡ sự hỗ trợ GD cần thiết.

Grignon gọi những đứa trẻ đang ở lớp trên của trường tiểu học bây giờ và những người sẽ sớm đi đến trường trung học là “thế hệ bị bỏ rơi”. Đánh giá cao sự hứa hẹn của các đảng chính trị rằng sẽ đầu tư mạnh vào trẻ em và GD, nhưng điều Grignon chờ đợi là phải có sự ổn định, tài trợ bền vững cho các trường công lập để tránh loại tổn hại này trong tương lai.

Sylvain Mallette, Chủ tịch Liên đoàn GD tự chủ (FAE), một hội đoàn có tới 38.000 thành viên, thậm chí bày tỏ rõ sự hoài nghi về những cam kết mà các đảng chính trị đang hứa hẹn dành cho GD. “Một loạt các biện pháp được đề xuất, nhưng liệu có biện pháp nào sẽ cải thiện các trường công lập của chúng ta? Hay họ chỉ hứa hẹn để lấy phiếu?”, ông đặt vấn đề, rồi kết luận: “Những gì tôi thấy là rất thiếu tầm nhìn (trong các hứa hẹn)”.

Theo Montreal Gazette

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ