Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ
Cha mẹ đọc sách cho một đứa trẻ đang trong giai đoạn tập nói. Khi đó, đứa trẻ vừa nghe, vừa ghi nhớ để mở rộng vốn từ. Cứ thế, mỗi ngày cha mẹ đọc cho trẻ nghe ít nhất một lần, vốn từ ngữ của trẻ sẽ phát triển rất nhanh, trẻ học và hiểu được nhiều từ mới. Cha mẹ cứ kiên trì đọc sách cho con nghe cho đến khi con học lớp 1, biết đọc, biết viết rồi con sẽ tự đọc sách và tạo được thói quen đọc sách.
Nhật Bản đã đưa ra một nghiên cứu rất hay về việc đọc sách cho trẻ. Họ chọn ra 2 nhóm trẻ từ 0 – 3 tuổi. Hàng ngày, các chế độ nuôi dạy, chăm sóc hai nhóm này đều như nhau, chỉ có điều, một nhóm được nghe đọc sách mỗi ngày (liên tục trong vòng 3 tháng); còn nhóm kia không được nghe đọc sách. Kết quả cho thấy: Khả năng ngôn ngữ của nhóm trẻ được nghe đọc sách tiến bộ hơn rất nhiều lần so với nhóm không được nghe đọc sách. Nhóm trẻ được nghe đọc sách dùng từ và câu rất gẫy gọn, ngôn ngữ uyển chuyển, phong phú. Còn nhóm kia dùng từ, câu còn sai. Nhiều em còn chưa gọi đúng tên các con vật, đồ vật.
Giúp trẻ có được tư duy logic
Hàng ngày, được cha mẹ đọc sách cho nghe, trẻ sẽ tập trung, chăm chú, theo dõi diễn biến câu chuyện, tăng khả năng tư duy, liên tưởng. Từ đó, trẻ hiểu được nội dung câu chuyện, ghi nhớ các nhân vật, các tình tiết hay trong truyện. Sau đó, là những cảm xúc như: đồng cảm, sẻ chia với các nhân vật có những đức tính tốt (nhân vật đại diện cho cái thiện) và bất bình, phẫn nộ với những thói hư, tật sâu của nhân vật không tốt (nhân vật hiện thân của cái ác).
Điều đó cho thấy, trong quá trình được nghe những câu chuyện trẻ không những được mở rộng vốn từ phong phú hơn mà còn học được tư duy, liên tưởng hay tưởng tượng...
Hơn thế nữa, đọc sách còn giúp trẻ tích lũy được nhiều kiến thức và kỹ năng sống, cách ứng xử hay với mọi người. Sau này, lớn lên, xa vòng tay cha, mẹ trẻ có thể tự lập được cuộc sống của mình và biết cách giải quyết các vấn đề của một người trưởng thành.
Làm thế nào để trẻ thích đọc sách?
Các nhà tâm lý học, nghiên cứu về tâm lý trẻ nhỏ đã chỉ ra rằng: “Việc cha, mẹ đọc sách cho trẻ nghe hay khuyến khích trẻ đọc sách trẻ mỗi ngày mang lại hiệu quả giáo dục tốt. Ngoài ra, đọc sách còn giúp trẻ phát triển các kỹ năng về ngôn ngữ, nhận thức, tư duy, trí tưởng tượng, cách ứng xử hay, lối sống đẹp, trong sáng, lành mạnh thông qua các nhân vật được kể trong truyện.
Điều này đã chứng minh và kiểm chứng dưới các góc độ thực tiễn và nghiên cứu về trẻ em. Tuy nhiên, làm thế nào để trẻ thích đọc sách, ông Nguyễn Quốc Vương – Chuyên gia cố vấn giáo dục Nhật Bản đã đưa ra một vài lời khuyên.
Trước hết cha, mẹ phải giúp trẻ nhận thấy việc đọc sách như là một thú vui giải trí mỗi ngày. Dần dần tạo thành thói quen khiến trẻ cứ rảnh rỗi lại tìm sách để đọc.
Với người lớn chúng ta cũng vậy, tính chất giải trí rất quan trọng. Một khi đã coi sách như là một phương tiện giải trí thì chắc chắn trẻ sẽ thích và ngày càng ham đọc sách hơn.
Khi đứa trẻ còn rất nhỏ, hãy rèn cho trẻ cách đọc sách; dần dần lớn lên, trẻ sẽ có thói quen đọc sách và coi đọc sách như là một thú vui giải trí rất lành mạnh.
Thứ hai, cần tạo cho trẻ một thói quen đọc sách mỗi ngày. Là một phụ huynh có con nhỏ, tôi đã áp dụng phương pháp đọc sách mỗi ngày cho con nghe. Từ khi cháu mới tập nói, gia đình tôi thường mua những quyển sách tranh về đọc cho con. Tôi nhận thấy, việc thường xuyên đọc sách cho con đã đem lại hiệu quả rõ rệt khi con bước vào lớp 1. So với các bạn cùng lớp con có một vốn từ vựng hơn hẳn. Con nói năng lưu loát, chững chạc hơn, tự tin hơn và đặc biệt là con đã có một thói quen đọc sách. Thứ bảy, hay chủ nhật nào con cũng đòi bố, mẹ cho con đi mua sách về đọc.
Thứ ba, cần tạo cho trẻ hứng thú đọc sách. Đã có nhiều phụ huynh nói với tôi, con không thích đọc sách mà chỉ thích chơi game và lướt web. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi chơi game và lướt web trẻ có hứng thú hơn lần giở những trang sách khi trẻ không tìm được thấy những điều gì hay ho trong đó. Đây chính là vấn đề mấu chốt.
Vấn đề lớn nhất ở đây là cha, mẹ cần biết cách tạo cho con một khả năng tập trung và hứng thú. Vậy, tại sao trẻ không tập trung được? Theo tôi, vấn đề này liên quan đến thói quen sinh hoạt hàng ngày và môi trường xã hội xung quanh.
Hiện nay, có quá nhiều phương tiện để trẻ chạm tay vào để giải trí. Do vậy, việc tạo hứng thú đọc sách cho trẻ không dễ. Cha mẹ phải biết cách để trẻ ít được được tiếp xúc với các phương tiện điện tử như máy tính, điện thoại thông minh… Có như thế, dần dần trẻ mới tìm được hứng thú đọc sách và coi đọc sách như một phương tiện giải trí có ích.