Chương trình GDPT 2018 bậc THCS đã triển khai được 2 năm, tuy nhiên bên cạnh những trường đã giảng dạy hiệu quả môn tích hợp vẫn còn một số gặp khó khăn trong vấn đề sắp xếp, thiếu giáo viên giảng dạy chưa được tháo gỡ dứt điểm.
Khó ló khôn
Cô Bùi Thị Tuyết – Phó Hiệu trưởng Trường PTDNT THCS & THPT huyện Bắc Yên (Sơn La) chia sẻ: “Dạy học môn tích hợp ở bậc THCS được viết cho một giáo viên giảng dạy. Tuy nhiên, đa phần giáo viên nhà trường được đào tạo giảng dạy đơn môn. Do đó, việc bố trí được giáo viên giảng dạy môn tích hợp là vấn đề Ban giám hiệu trăn trở, quan tâm”.
“Để tháo gỡ những khó khăn, nhà trường đã yêu cầu giáo viên phải sát sao, thành lập các nhóm học thông qua Zalo, Facebook để giao và chữa bài tập trên nhóm, hỗ trợ học sinh khi học ở nhà”, cô Tuyết nói và cho biết thêm: “Với đặc thù trường nội trú, các buổi tự học có hướng dẫn của giáo viên, trường còn khuyến khích thầy giảng dạy, gia cố thêm để học sinh không bị hổng các phần kiến thức của phân môn kết thúc sớm”.
Tại Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội), để giảng dạy môn tích hợp hiệu quả, nhà trường cử giáo viên dạy môn học này tham dự các khóa, lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao chuyên môn, kỹ năng, kiến thức cho quá trình dạy học thực tế và lấy chứng chỉ, đủ điều kiện dạy học.
Theo cô Trần Quỳnh Hương, Tổ trưởng chuyên môn Tổ tự nhiên, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa: “Cùng với việc cử giáo viên đi học lấy chứng chỉ, nhà trường thường xuyên tổ chức, tham dự các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng phân tích bài dạy; Cùng thảo luận, góp ý phương pháp giảng dạy cho giáo viên dạy học tích hợp. Trường còn đặc biệt quan tâm, cử giáo viên tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề do Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) tổ chức. Vì vậy, giáo viên giảng dạy một lớp, chịu trách nhiệm cả ba phân môn Lí – Hóa – Sinh thay vì ba giáo viên tham gia giảng dạy một lớp ngày càng vững vàng, có kinh nghiệm.
“Chúng tôi yêu cầu giáo viên đảm nhiệm dạy môn tích hợp phải triển khai các chủ đề, chuyên đề sao cho học sinh tiếp cận kiến thức hiệu quả. Các bài học được xây dựng đúng định hướng dạy học phát triển năng lực, yêu cầu của chương trình mới đề ra. Quá trình dạy, giáo viên phải đặt tiêu chí lấy học sinh làm trung tâm, nội dung trong bài giảng được thiết kế khoa học, chính xác, thú vị…”, cô Quỳnh Hương trao đổi.
Học sinh Trường THCS thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. |
Nỗ lực để giảng dạy
Theo bà Nguyễn Thị Loan - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cao Lộc (Lạng Sơn): “Ngay khi có chương trình dạy học tích hợp, Phòng đã tổ chức cho các trường nghiên cứu, đánh giá, dạy thử để lường trước những khó khăn sẽ gặp. Cùng đó, ngoài các đợt tập huấn của Bộ, Sở GD&ĐT, quá trình lựa chọn sách giáo khoa, Phòng tổ chức cho các trường dạy thử có học sinh để đánh giá thuận lợi, vướng mắc khi triển khai giảng dạy thực tế các môn tích hợp”.
Dù đã chủ động chuẩn bị, nhưng từ quá trình triển khai cho thấy vấn đề lớn nhất mà Phòng GD&ĐT huyện Cao Lộc gặp phải chính là thiếu giáo viên dạy môn tích hợp. “Chúng tôi đã tham mưu với huyện để tuyển dụng giáo viên. Ngoài ra để ứng phó với việc thiếu giáo viên, Phòng sử dụng phương án bố trí thầy cô dạy liên trường (giáo viên trường A sang dạy trường B).
Đồng thời yêu cầu nhà trường sắp xếp thời khoá biểu sao cho giáo viên có thể dạy liên trường không chồng chéo; tạo tâm lý, tư tưởng thoải mái; chú trọng khoảng cách giữa hai trường phải thuận lợi giáo viên. Tuy nhiên, với đặc thù huyện miền núi, khoảng cách giữa các trường xa nhau nên nhiều giáo viên phải biệt phái theo ngày”, bà Loan cho biết.
Bên cạnh đó, hàng tháng các trường THCS trên địa bàn huyện Cao Lộc còn tổ chức hai lần sinh hoạt chuyên môn để đánh giá hiệu quả quá trình dạy môn tích hợp. Bà Loan cho hay: “Trong năm học, Phòng GD&ĐT tổ chức tập huấn, sinh hoạt tổ chuyên môn, cụm chuyên môn cho giáo viên, để chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy môn tích hợp nhằm giúp các thầy cô và nhà trường tháo gỡ những khó khăn mà đơn vị mình gặp phải và nhằm có giải pháp nâng cao chất lượng cho môn học này. Đồng thời, xác định cho giáo viên luôn đổi mới phương pháp giảng dạy và tiếp cận chương trình”.
Còn bà Nguyễn Thị Hà - Đại biểu Quốc hội khóa XV đánh giá ở Chương trình GDPT 2018 bậc THCS, môn dạy tích hợp khá hay. Môn học này có lượng kiến thức sâu, học sinh được học nhiều kỹ năng, kiến thức. Tuy nhiên cái khó khăn lớn nhất mà nhiều trường gặp phải chính là thiếu đội ngũ giáo viên giảng dạy”.
Bà Nguyễn Thị Hà phân tích: “Môn tích hợp không đơn giản là ghép phân môn lại với nhau để dạy mà đòi hỏi kiến thức giáo viên sâu rộng, có kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, ngoài việc thiếu về số lượng thì số giáo viên được đào tạo bài bản cho môn tích hợp chưa nhiều do đó phần nào đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học môn tích hợp. Trong khi đó, đội ngũ sinh viên đào tạo cho dạy học môn tích hợp, đúng chuyên ngành lại chưa tốt nghiệp. Chưa kể sau khi tốt nghiệp, giáo viên trẻ cần có thời gian rèn luyện, giảng dạy thực tế để tích luỹ kinh nghiệm”.
Để tháo gỡ khó khăn về số lượng giáo viên dạy tích hợp, theo vị đại biểu này, các trường cần chủ động để khắc phục bằng cách cử giáo viên đi đào tạo bổ sung. Sở GD&ĐT cần bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy môn tích hợp để đáp ứng được yêu cầu giảng dạy của chương trình. Bên cạnh đó, các trường sư phạm cần bám sát yêu cầu của chương trình mới để đào tạo, đồng thời cho sinh viên tham gia nhiều chương trình thực tế, thực tập để trau dồi kinh nghiệm trước khi ra trường”.
Từ năm 2019 đến nay, Bộ GD&ĐT đã triển khai biên soạn tài liệu và tập huấn cho giáo viên cốt cán cả nước các mô-đun bồi dưỡng cho giáo viên về Chương trình GDPT (do Chương trình ETEP phối hợp với các trường đại học sư phạm và các đơn vị liên quan). Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định về Chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý. Như vậy, đối với mỗi giáo viên, việc dạy học những nội dung phù hợp với chuyên môn không có gì thay đổi lớn so với chương trình hiện hành. Việc thay đổi chủ yếu nằm ở kế hoạch giáo dục của nhà trường (phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu), đã được Bộ GD&ĐT hướng dẫn và được các nhà trường triển khai thực hiện.