Từ đặc trưng riêng của môn học, thầy cô giảng dạy bộ môn chia sẻ những lưu ý giúp học sinh có thể học và làm bài kiểm tra môn này hiệu quả.
Học chủ động, tăng kỹ năng làm việc nhóm
Cô Đỗ Minh Phượng, Tổ trưởng bộ môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội, cho biết: Dù là môn học mới ở cấp THCS nhưng vì có sự kết nối với tiểu học (môn Khoa học) nên hầu hết học sinh không quá bỡ ngỡ khi tiếp cận môn học này. Cái khó chủ yếu ở phía giáo viên vì thầy cô phải thay đổi tư duy, phương pháp, đặc biệt là tự bồi dưỡng để bổ sung kiến thức, đáp ứng với yêu cầu của việc giảng dạy thực tế nhà trường (vì hiện đa số giáo viên mới chỉ được đào tạo đơn môn).
Một trong những điểm đáng lưu ý của môn Khoa học tự nhiên là kiến thức gắn với thực tiễn rất nhiều. Cùng với đó, quan điểm khi xây dựng chương trình cho môn Khoa học tự nhiên là giảm nhẹ các nội dung học thuộc, tăng cường kiến thức ứng dụng thực tiễn. Do đó, trong quá trình giảng dạy, thầy cô Trường THCS Ngọc Lâm đã tăng cường sử dụng phương pháp tổ chức hoạt động nhóm, học sinh tiếp nhận kiến thức thông qua thí nghiệm thực hành…
Các em có thể chuẩn bị bài ở cả không gian ngoài lớp học. Điều này đòi hỏi ở học sinh tính chủ động, tự giác trong học tập và kỹ năng làm việc nhóm. Do vậy, học sinh có kết quả tốt ở môn Khoa học tự nhiên đều là em chịu khó quan sát, có tư duy phản biện, biết đưa ra những thắc mắc và tìm tòi hiện tượng trong tự nhiên…
Từ đặc thù môn học, cô Trần Quỳnh Hương - Tổ trưởng Khoa học tự nhiên, Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa (Hà Nội) - đưa ra một số lưu ý cho học sinh trong học tập. Theo đó, trò cần xem trước nội dung bài học để chuẩn bị câu hỏi, thắc mắc, hoặc điều mình muốn học, muốn biết thêm để hỏi thầy cô. Trong tiết học, các em cần chủ động, tích cực tham gia vào hoạt động học tập, thảo luận nhóm, làm thí nghiệm và có kế hoạch cụ thể, chi tiết đối với các dự án học tập.
Người học cũng cần có thời gian biểu khoa học để cân bằng giữa học tập, sinh hoạt, các hoạt động vui chơi giải trí, để giữ sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái, học tập mới hiệu quả. Sau tiết học, ngoài hoàn thành nhiệm vụ về nhà thầy cô giao, học sinh có thể tìm hiểu đào sâu thêm bằng cách tham khảo tài liệu, sách báo, hay các thông tin ở các website tin cậy trên Internet.
Học sinh lớp 6/2 Trường THCS Bàn Cờ (Quận 3, TPHCM). Ảnh: INT |
Chú trọng vận dụng kiến thức
Với bài kiểm tra định kỳ môn Khoa học tự nhiên, theo cô Đỗ Minh Phượng, cơ bản cấu trúc của đề tương tự như các môn học khác và được thực hiện theo hướng dẫn chung của phòng GD&ĐT. Theo đó, năm học 2022 - 2023, tỷ lệ các câu hỏi trong đề kiểm tra chia theo mức độ: 40% nhận biết, 30% thông hiểu, 20% vận dụng và 10% vận dụng cao.
Về tỷ lệ theo điểm số: Nội dung trắc nghiệm chiếm 70%, câu hỏi tự luận chiếm 30%. Mức độ vận dụng và vận dụng cao thường nằm ở những câu tự luận; mức thông hiểu, nhận biết nằm ở câu trắc nghiệm. Điểm mới trong việc ra đề kiểm tra của năm học này chính là việc phải có bản đặc tả. Bản đặc tả đề kiểm tra giúp nâng cao giá trị của hoạt động đánh giá, giúp xây dựng đề kiểm tra đánh giá đúng mục tiêu dạy học. Nó cũng giúp đảm bảo sự đồng nhất giữa các đề kiểm tra, tạo sự công bằng hơn trong đánh giá học sinh.
Để làm bài đạt điểm tốt, cô Nguyễn Thị Ái Vân lưu ý, học sinh cần ghi chép nội dung học đầy đủ, rèn luyện bài tập thường xuyên. Câu hỏi và bài tập trong đề kiểm tra được sắp xếp theo mạch kiến thức trong sách giáo khoa, nên khi đọc câu hỏi học sinh cần định hướng của nhóm môn nào để tránh trả lời không đúng hướng.
Cô Nguyễn Thị Ái Vân - Tổ trưởng chuyên môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Quản Cơ Thành (Châu Thành, An Giang) - cũng cho biết bài kiểm tra môn Khoa học tự nhiên có những điểm khác. Theo đó, tùy thời điểm kiểm tra định kỳ, phạm vi kiến thức kiểm tra có thể của 1 nhóm môn, hay 2 hoặc cả 3 nhóm môn. Giáo viên xây dựng ma trận đề theo tỷ lệ phần trăm số tiết của từng nhóm môn tính đến thời điểm kiểm tra. Việc này thống nhất trong tất cả giáo viên cùng giảng dạy môn học để phối hợp xây dựng ma trận, đặc tả, đề kiểm tra, đáp án… Tạo thuận lợi cho học sinh trong học tập, kiểm tra, câu hỏi sẽ được sắp xếp theo trình tự mạch kiến thức của chương trình.
Việc chấm - trả - sửa bài kiểm tra cho học sinh do khối trưởng phân công. Nếu thời điểm kiểm tra, nội dung kiểm tra có từ 2 nhóm môn trở lên, giáo viên các nhóm môn đều tham gia chấm bài. Nhóm môn có số tiết dạy nhiều phụ trách việc cộng tổng điểm và nhận xét hay chấm hết phần trắc nghiệm… Việc này cũng tùy thời điểm kiểm tra. Ví dụ, kiểm tra giữa kỳ I môn Khoa học tự nhiên 6 có nội dung 2 nhóm môn là Vật lý (10 tiết) và Hóa học (28 tiết).
Giáo viên dạy Vật lý sẽ chấm 100% câu tự luận của phân môn Vật lý và phần trắc nghiệm của 50% số lớp mình dạy. Giáo viên dạy phần Hóa học sẽ chấm 100% câu tự luận của phân môn Hóa và phần trắc nghiệm của 50% số lớp mình dạy. Sau đó, giáo viên cộng tổng điểm bài kiểm tra, nhận xét, phát, sửa bài kiểm tra cho học sinh.
Chia sẻ về đề kiểm tra môn Khoa học tự nhiên, cô Trần Quỳnh Hương nhấn mạnh, việc không chỉ dừng lại ở kiến thức và dạng bài cơ bản mà đòi hỏi học sinh hiểu sâu kiến thức, năng lực khoa học tự nhiên, có cái nhìn đa chiều về một vấn đề, vận dụng kiến thức đã học, kết hợp liên môn để giải quyết vấn đề. Học sinh không nên ghi nhớ kiến thức máy móc mà cần hiểu bản chất, ứng dụng kiến thức đã học và sử dụng năng lực khoa học tự nhiên vào đời sống.
“Để có điểm tốt, các em cần ôn tập kỹ để nắm vững lý thuyết. Trong quá trình ôn tập, liên hệ lý thuyết với đời sống thực tế. Tìm tòi, mở rộng kiến thức thông qua đọc thêm sách tham khảo và tài liệu trên Internet” - cô Trần Quỳnh Hương cho hay.