Giải tỏa áp lực cho trò cuối cấp

GD&TĐ - Lịch học và ôn thi dày đặc để chuẩn cho các kỳ thi chuyển cấp khiến học sinh căng thẳng và áp lực.

Ts Đào Lê Hòa An đang tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp THPT trường Song Ngữ Lạc Hồng.
Ts Đào Lê Hòa An đang tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp THPT trường Song Ngữ Lạc Hồng.

Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An – nhà sáng lập Ứng dụng hướng nghiệp 4.0 JobWay, Giám đốc thương hiệu Học viện Tiếng Anh DOL ENGLISH, kéo dài tình trạng trên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống và các mối quan hệ của sĩ tử.

Áp lực từ kỳ vọng

- Áp lực học tập của học sinh cuối cấp ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

- Áp lực học tập nếu kéo dài sẽ khiến học sinh cảm thấy mệt mỏi, chán nản, động lực học tập suy giảm đáng kể. Nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam chỉ ra rằng, áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính gây rối loạn sức khỏe tâm thần ở trẻ.

Áp lực học tập là trạng thái dồn nén cảm xúc tiêu cực, đặc biệt xoay quanh việc học tập và thi cử của học sinh cuối cấp. Trong giai đoạn này, không chỉ có bài kiểm tra thông thường học sinh phải đối mặt mà cả kỳ thi quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình từ môi trường trung học lên cấp đào tạo tiếp theo.

Các em cũng gặp cảm giác không chắc chắn về tương lai khi kỳ thi chuyển cấp không chỉ là bước quan trọng để đánh giá kiến thức, mà (trong suy nghĩ nhiều người) còn xem như yếu tố quyết định sự định hình sự nghiệp và tương lai (dù điều này chưa thực sự chính xác).

Cạnh tranh giữa học sinh trong giai đoạn này khá lớn khiến áp lực đạt điểm số cao và chứng tỏ bản thân trở nên nặng nề. Lo lắng về khả năng không đạt kết quả mong muốn có thể tạo ra tâm trạng lo lắng, stress, ảnh hưởng đến sự tập trung và kết quả trong quá trình học tập.

Việc gia đình đặt kỳ vọng cao vào kết quả thi, thường động viên học sinh nhưng cũng trở thành áp lực không nhỏ. Cùng đó, xã hội coi trọng việc đỗ vào các trường đại học danh tiếng tạo ra gánh nặng cho các em trong việc đối mặt với cạnh tranh và đòi hỏi kết quả cao. Điều này tạo nên môi trường căng thẳng và đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển toàn diện của học sinh ở giai đoạn quan trọng này.

TS tâm lý Đào Lê Hòa An.

TS tâm lý Đào Lê Hòa An.

- Những trường hợp bị rối loạn cảm xúc bởi chịu áp lực, căng thẳng do học tập mà ông đã tiếp nhận tư vấn thường có biểu hiện thế nào?

- Học sinh trong giai đoạn này thường phải đối mặt với mức độ stress và lo lắng cao. Tâm trạng trầm cảm, mất hứng thú và niềm vui trong cuộc sống hàng ngày là những biểu hiện phổ biến.

Ngoài ra, áp lực còn có thể dẫn đến giảm tự tin và tình trạng cảm xúc không ổn định, khiến các em trở nên cáu kỉnh hoặc buồn bã đột ngột. Rối loạn giấc ngủ và vấn đề sức khỏe tâm thần cũng thường xuyên xuất hiện trong giai đoạn này.

Áp lực do học quá nhiều nếu không sớm được kiểm soát và giải tỏa kịp thời sẽ gây nên các hệ lụy nguy hiểm. Nó không chỉ gây ảnh hưởng đến bản thân, mà còn tác động đến mối quan hệ gia đình, xã hội.

Học sinh TP Hồ Chí Minh trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2019. Ảnh: MT.

Học sinh TP Hồ Chí Minh trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2019. Ảnh: MT.

Cân bằng thời gian học tập - vui chơi

- Với học sinh đang trong giai đoạn tăng tốc cho kỳ thi cuối cấp, ông có lời khuyên nào trong học tập, sinh hoạt để tạo được sự cân bằng tốt nhất?

- Ở thời điểm chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp, không ít học sinh bị áp lực từ việc lo lắng kết quả cuối cùng. Các em thường bị cuốn vào tâm trạng không chắc chắn, lo sợ về những hậu quả mà kết quả thi có thể mang lại cho tương lai. Đôi khi, các em cảm thấy như đang tham gia vào cuộc thi “ai lo lắng nhiều nhất” thay vì chuẩn bị cho kỳ thi. Nhưng trước khi bước vào “thế giới căng thẳng” của ôn tập và thi cử, có một khía cạnh quan trọng mà thí sinh cần chú ý đó là chuẩn bị kỹ càng tâm lý và sức khỏe.

Khái niệm “điểm rơi phong độ” là khía cạnh quan trọng mà học sinh cần hiểu rõ. Điều này không chỉ đơn thuần là duy trì trạng thái tốt nhất vào ngày thi, mà còn là quá trình ổn định và cân bằng suốt thời gian ôn tập. Điểm rơi phong độ không chỉ phản ánh trạng thái hiện tại, mà còn thể hiện sự kiên định và quyết tâm trong quá trình chuẩn bị của các em.

Để đạt được điểm rơi phong độ, học sinh cần chú ý đến ba yếu tố chính: Sức khỏe, tâm trí và năng lực học tập. Việc duy trì một lịch trình ngủ đủ giấc và đảm bảo cơ thể được bổ sung đầy đủ dưỡng chất là điều quan trọng để có sức khỏe tốt. Duy trì tinh thần lạc quan và tự tin cũng quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi. Hãy tin tưởng vào khả năng bản thân. Mỗi kỳ thi không chỉ là cuộc đua về điểm số, nó còn là cơ hội để học hỏi và phát triển.

Do đó, học sinh cần ngủ đủ giấc trong 2 tuần trước ngày thi, thức dậy đúng thời gian được dự định khi đi thi (tùy vào khoảng cách nhà xa hay gần điểm thi, các em có thể căn giờ thức dậy phù hợp) để đồng hồ sinh học quen với thời gian đó, đến ngày đi thi không bị mệt.

Các em hãy nhớ, đề thi khó hay dễ là chung với tất cả thí sinh dự thi. Do đó, việc cần quan tâm là kiến thức, kỹ năng làm bài của bản thân. Các em cần ôn bài đúng cách, có thể tạo nhóm với bạn bè để cùng nhau giải các bộ đề thi của những năm trước, bấm giờ như thi thật, đối chiếu với đáp án, bài nào sai thì mình làm lại 2, 3 lần. Điều này sẽ giúp các em tập làm quen với không khí khi thi thật, giảm áp lực để tự tin đối diện kỳ thi.

Áp lực học tập là điều không thể tránh khỏi của lứa tuổi học sinh. Ảnh: MT.

Áp lực học tập là điều không thể tránh khỏi của lứa tuổi học sinh. Ảnh: MT.

- Theo ông, khi gặp những biểu hiện áp lực học tập nào thì học sinh cuối cấp cần tìm đến chuyên gia tâm lý?

- Khi học sinh bắt đầu cảm thấy bất ổn và không kiểm soát được áp lực học tập, việc tìm đến sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý là bước quan trọng. Chuyên gia có thể cung cấp sự hiểu biết và hỗ trợ tâm lý, giúp các em xác định nguyên nhân áp lực và phát triển chiến lược giải quyết vấn đề.

Bằng cách nắm vững những công cụ và kỹ thuật, chuyên gia có khả năng hướng dẫn học sinh xây dựng sức mạnh tâm lý và kiên trì trong quá trình đối mặt với áp lực. Việc tìm đến sự giúp đỡ chuyên sâu này không chỉ giúp học sinh vượt qua khó khăn hiện tại, mà còn làm tăng cường khả năng tự chủ, tự quản lý cảm xúc trong tương lai.

Quan trọng hơn nữa, chuyên gia tâm lý có thể tạo ra một không gian an toàn và không đánh giá; là nơi học sinh có thể chia sẻ mọi lo ngại, nỗi sợ, áp lực mà các em đang phải đối mặt. Sự lắng nghe và hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý không chỉ giúp học sinh giải quyết vấn đề hiện tại mà còn thúc đẩy quá trình phát triển cá nhân.

Áp lực học tập là điều không thể tránh khỏi của lứa tuổi học sinh. Quan trọng là chúng ta cần biết cách cân bằng thời gian học tập và vui chơi, nghỉ ngơi để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể gây ra.

Học sinh tham dự bài khảo sát đánh giá năng lực vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP Hồ Chí Minh năm 2019. Ảnh: MT.

Học sinh tham dự bài khảo sát đánh giá năng lực vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP Hồ Chí Minh năm 2019. Ảnh: MT.

Thay đổi quan điểm về thành công

- Để hóa giải áp lực học tập cho học sinh cuối cấp, theo ông, gia đình, nhà trường và xã hội đóng vai trò ra sao và cần giải pháp hỗ trợ gì?

- Để giải quyết vấn đề áp lực học tập cho học sinh, sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội được xem như chìa khóa quan trọng. Gia đình cần thông cảm, hiểu rõ mong muốn, nhu cầu của con cái. Về phía nhà trường phải tạo ra môi trường học tập tích cực và có sự hỗ trợ đa chiều.

Gia đình có thể đóng góp tích cực bằng cách khuyến khích sự đa dạng và phát triển toàn diện cho con cái; tạo ra môi trường ấm cúng mà học sinh cảm thấy được yêu thương, động viên mà không dựa vào thành tích học tập.

Nhà trường cần đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, hỗ trợ tư vấn nghề nghiệp, giúp học sinh hiểu rõ hơn về lựa chọn tương lai.

Xã hội cần thay đổi quan điểm về thành công, không đánh giá dựa trên bảng điểm mà có thể từ những kỹ năng sống và giá trị cá nhân. Việc này sẽ giúp giảm áp lực đánh giá từ xã hội, tạo nên không gian tự do để học sinh phát triển.

Hệ thống giáo dục có thể cân nhắc xem xét lại cách đánh giá để tạo ra quy trình công bằng hơn, không chỉ tập trung vào kết quả cuối cùng mà còn chú trọng vào quá trình học tập, sự phát triển tổng thể của học sinh.

Cộng đồng cần đồng lòng nhìn nhận giá trị của sự đa dạng và khuyến khích sự sáng tạo, từ đó giúp học sinh xây dựng lòng tin vào bản thân và hiểu rõ giá trị của chính mình.

“Một mẹo nhỏ hữu ích khi đi thi, các em nên mang theo chocolate hoặc vài thanh singum. Chocolate có thể cung cấp năng lượng và tỉnh táo hơn. Nhớ mang theo đồng hồ (kiểm soát và quản lý thời gian làm bài), nước uống (đừng để cơ thể thiếu nước sẽ gây cảm giác khó chịu) và nhớ giữ tinh thần thoải mái, nở nụ cười với bạn bè xung quanh cũng như thầy cô giám thị để có được tinh thần tốt nhất cho kỳ thi quan trọng này” - Tiến sĩ Đào Lê Hòa An.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.