Giáo viên 'mách nước' giải tỏa áp lực thi cử cho học sinh lớp 12

GD&TĐ - Giữ vững tinh thần, cân bằng giữa học tập và giải trí hay chăm sóc sức khoẻ là lưu ý của các giáo viên dành cho sĩ tử trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Cô Trương Thị Thu Hường (áo đỏ) chụp ảnh cùng học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: NVCC.
Cô Trương Thị Thu Hường (áo đỏ) chụp ảnh cùng học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: NVCC.

Đồng hành cùng trò từ những ngày đầu tiên

Hơn một tuần nữa, thí sinh cả nước bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Đây cũng là thời điểm nhiều thí sinh lo lắng, căng thẳng, thậm chí quên ăn quên ngủ để ôn luyện đạt kết quả cao nhất. Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, thí sinh cần cân bằng giữa ôn luyện và nghỉ ngơi để bảo đảm sức khoẻ tốt và bước vào kỳ thi trong tâm thế tự tin, thoải mái nhất.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hà, giáo viên Lịch sử Trường THPT Hoàng Quốc Việt, tỉnh Thái Nguyên, cho biết bước vào lớp 12, học sinh không tránh khỏi những áp lực, căng thẳng đến từ việc ôn thi tốt nghiệp. Do đó, việc đồng hành cùng học sinh phải bắt đầu ngay từ đầu năm học để các em xây dựng tâm lý vững vàng và chú tâm học tập, xây dựng nền kiến thức cơ bản, chắc chắn.

Bản thân là giáo viên chủ nhiệm, từ đầu năm học, cô Hà đã quan tâm đến việc học ở tất cả các môn của học sinh trong lớp. Nếu học sinh gặp khó khăn ở môn nào, cô giáo sẽ trao đổi với giáo viên bộ môn để tăng cường hỗ trợ học sinh tháo gỡ khó khăn hoặc trao đổi thêm về kỹ năng làm bài thi tự luận lẫn trắc nghiệm.

Cùng với đó, cô tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của học sinh. Tại Trường THPT Hoàng Quốc Việt, nhiều học sinh là người DTTS hoặc thuộc diện gia đình khó khăn, gia đình nghèo nên điều kiện học tập còn hạn chế. Cô Hà thường gọi điện trao đổi với phụ huynh, động viên, tuyên truyền cho phụ huynh hiểu giá trị của việc học để tiếp tục hỗ trợ con cái trong giai đoạn cuối cấp.

Trong giai đoạn nước rút, cô Hà gợi ý thí sinh nên tận dụng khoảng thời gian ngắn này để hệ thống hóa kiến thức đã học bằng nhiều hình thức khác nhau như sơ đồ tư duy, hình ảnh, đọc kiến thức được cô đọng thành thơ... Phối hợp rà soát kiến thức trong sách giáo khoa và có thể tìm hiểu sâu hơn lượng kiến thức này.

Ngoài ra, học sinh cần chủ động xây dựng thời gian học tập hợp lý, khoa học, cân bằng giữa học tập và giải trí. Vừa ôn tập, thí sinh cũng phải biết cách chăm sóc sức khoẻ, bổ sung thêm dinh dưỡng cần thiết, ngủ đủ giấc, tập thể dục, thể thao...

Cô Ngọc Hà (áo đỏ) hướng dẫn học sinh ôn luyện môn Lịch sử. Ảnh: NVCC.

Cô Ngọc Hà (áo đỏ) hướng dẫn học sinh ôn luyện môn Lịch sử. Ảnh: NVCC.

Mạnh dạn chia sẻ

Với nhiều năm kinh nghiệm ôn tập cho sĩ tử trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô giáo Trương Thị Thu Hường, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT chuyên Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, gợi ý thí sinh cần sắp xếp thời gian giữa học tập và nghỉ ngơi hợp lý, khoa học, tránh trùng chéo khi ôn luyện kiến thức giữa các môn học. Thời gian này, học sinh cũng cần tránh học tràn lan quá nhiều tài liệu, kênh ôn thi vì dễ dẫn đến loạn thông tin.

Theo cô Hường, thời điểm này, thí sinh học tốt có thể nảy sinh tâm lý chủ quan trong khi thí sinh học trung bình, khá lại dễ lo lắng, căng thẳng. Vì vậy, nữ giáo viên cho rằng dù thế nào, thí sinh cũng cần cẩn thận, giữ bình tĩnh và thái độ tự học nghiêm túc, khoa học.

“Một điều vô cùng quan trọng là thí sinh hãy chuẩn bị cho mình một sức khoẻ tốt, một tâm lý thoải mái để có thể làm bài trong trạng thái minh mẫn. Với Tiếng Anh, việc giữ bình tĩnh giúp các em đọc hiểu tốt, tập trung cao độ và có thể hồi tưởng lại những kiến thức đã học”, cô Hường lưu ý.

Từng trải qua thời gian ôn thi vất vả, em Nguyễn Thị Hương, cựu học sinh Trường THPT Mỹ Tho, tỉnh Nam Định, cũng là thủ khoa khối C tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, chia sẻ: Áp lực khi ôn thi là điều khó tránh khỏi nhưng các bạn hãy cố gắng biến áp lực đó thành động lực để ôn tập và hoàn thành kỳ thi một cách tốt nhất.

Hương cho hay, trong thời gian ôn thi và đến sát ngày thi, em vẫn thường chia sẻ với thầy cô giáo, những người đã đồng hành cùng em trong thời gian ôn thi và cũng là những người hiểu về năng lực, trình độ của em. Điều này giúp em giải tỏa những áp lực thầm kín và được tiếp thêm sức mạnh.

Hương kể: Trước khi thi, em lo nhất môn Ngữ văn nên đã tâm sự với cô Phạm Thị Kiều Oanh, giáo viên môn Ngữ văn. Cô Oanh đã khuyên em khi bước vào kỳ thi, hãy tự nhủ rằng “Tôi sẽ chinh phục nó” để lấy lại bình tĩnh.

Giờ đây, khi đã là sinh viên nhưng mỗi lần đối diện với khó khăn, thử thách, Hương vẫn áp dụng cách làm này để vượt qua. “Đối với em, thầy cô giống như những người thân yêu trong gia đình nên em có thể thoải mái chia sẻ lo lắng hay điểm yếu của bản thân. Nhờ sự đồng hành, cổ vũ từ thầy cô, em đã hoàn thành tốt kỳ thi và trưởng thành hơn”, Nguyễn Thị Hương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.