Giải tỏa áp lực thi cử cho học sinh cuối cấp

GD&TĐ - Trước khi thi vào lớp 10, nhiều thí sinh lo lắng, chuyên gia chia sẻ cách giải toả tâm lý cho sĩ tử.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, học sinh cuối cấp THCS sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Trong khi đó, học sinh cuối cấp THPT cũng đang gấp rút ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Đây là hai kỳ thi quan trọng, cạnh tranh cao khiến áp lực đè nặng lên vai sĩ tử.

Căng thẳng, mệt mỏi vì ôn thi

Những ngày này, lịch trình học tập của Hải An (học sinh lớp 9 một trường THCS tại Hà Nội) luôn trong tình trạng chật kín. Ngoài học chính khóa ở trường, An còn học thêm ở các lò luyện thi, tối muộn về đến nhà lại cặm cụi làm bài tập, giải các bộ đề đến tận đêm khuya, có hôm thức tới 2 – 3h sáng.

“Nguyện vọng 1 của em là một trường Top, năm nào cũng có tỷ lệ chọi cao nên giai đoạn này em dồn hết sức để củng cố kiến thức. Thức đêm nhiều nên em cũng mệt mỏi, thèm ngủ, nhưng vẫn phải cố gắng vì thời gian ôn luyện không còn nhiều”, An nói.

Học sinh cuối cấp lo âu, căng thẳng trước những kỳ thi quan trọng

Học sinh cuối cấp lo âu, căng thẳng trước những kỳ thi quan trọng

Không riêng Hải An, nhiều học sinh cuối cấp THCS tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng đang chịu nhiều áp lực trước kỳ thi tuyển sinh vào các trường THPT công lập. Đây là kỳ thi quan trọng, cạnh tranh cao và luôn rất “nóng” trong nhiều năm qua. Đặc biệt, năm nay cuộc đua giành tấm vé vào lớp 10 công lập càng căng thẳng hơn khi số lượng học sinh đông mà chỉ tiêu tuyển sinh lại ít.

Tại Hà Nội, có gần 130.000 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp THCS nhưng chỉ tiêu tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học này chỉ khoảng 72.000 học sinh, chiếm 55,7%. Đây là tỉ lệ thấp nhất so với các năm trước và thấp hơn năm 2022 gần 8%.

Tại TP. Hồ Chí Minh, trong năm học 2023 - 2024, chỉ có khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục vào học lớp 10 tại các trường THPT công lập; 30% còn lại phải lựa chọn học nghề, học trường tư thục… Theo số liệu nguyện vọng ban đầu được Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh công bố mới đây, tỷ lệ cạnh tranh nguyện vọng 1 là khá cao. Một số trường có tỉ lệ chọi gay gắt như THPT Nguyễn Thượng Hiền (1 chọi 3,5), THPT Gia Định (1 chọi 3), THPT Nguyễn Hữu Huân (1 chọi 2,6)...

Cùng chung áp lực thi cử với học sinh cuối cấp THCS là các học sinh cuối cấp THPT. Giai đoạn này, các em cũng đang “chạy đua” ôn luyện để chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp. Mục tiêu chính của kỳ thi này là xét tốt nghiệp THPT nhưng vì kết quả được sử dụng để xét tuyển đại học nên kỳ thi vẫn căng thẳng. Càng đến gần ngày thi, áp lực càng đè nặng lên sĩ tử.

“Đang là giai đoạn nước rút nên em rất lo lắng. Gần đây mỗi ngày em chỉ ngủ khoảng 4 – 5 tiếng, thời gian còn lại tập trung việc học. Có hôm người bồn chồn, học gì cũng không vào nhưng không học thì lại không yên tâm”, Đức Minh (học sinh lớp 12 một trường THPT tại TP.Hồ Chí Minh) tâm sự.

Giải tỏa áp lực thi cử bằng cách nào?

Theo Thạc sĩ Khoa học giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành), học sinh cuối cấp đang đứng trước những kỳ thi quan trọng nên tâm lý căng thẳng, lo lắng là điều dễ hiểu. Giai đoạn này, các em phải đối mặt với áp lực điểm số, áp lực từ sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô, áp lực so sánh mình với bạn bè...

Nhiều em trước kỳ thi bị đau bụng, đau đầu, ngứa phát ban nhưng không phải do bệnh lý mà lo lắng do áp lực tâm lý. Thậm chí, những em căng thẳng quá mức có thể dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm, tự gây hại cho bản thân bằng cách rạch tay, rạch chân, tự tử…

Vì thế, trong mùa thi, các bậc cha mẹ cần đặc biệt quan tâm đến con để giúp con giải tỏa áp lực. Hãy trao cho con sự tin tưởng, nói với con rằng cha mẹ tin con sẽ làm được nhưng nếu con thi trượt hay chỉ đỗ vào trường ít tiếng tăm thì cũng không sao. Có rất nhiều con đường để thành công chứ không phải chỉ có con đường học tập, điều quan trọng là con đã nỗ lực, cố gắng hết mình.

Cha mẹ không nên so sánh kết quả học tập của con mình với “con nhà người ta” vì sẽ khiến con tổn thương, nghĩ mình không đủ giỏi, đủ tốt trong mắt cha mẹ, dẫn đến tâm lý tự ti hoặc có những hành vi ngỗ ngược để phản kháng. Thay vào đó, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện để nắm bắt suy nghĩ, cảm xúc của con, những khó khăn con gặp phải trong học tập… rồi đưa ra lời khuyên hoặc giúp con tìm cách tháo gỡ nhằm đạt được hiệu quả học tập tốt nhất.

Cô Lanh khuyên cha mẹ nên cho con có thời gian thư giãn tinh thần để việc học đạt hiệu quả cao.

Cô Lanh khuyên cha mẹ nên cho con có thời gian thư giãn tinh thần để việc học đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, phụ huynh nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng, giờ giấc ngủ nghỉ của con để con có sức khỏe tốt nhất trước kỳ thi. Đồng thời, giúp con phân bổ thời gian học tập hợp lý, cân bằng giữa việc học và nghỉ ngơi, thư giãn.

“Trong quá trình tham vấn tâm lý học đường, tôi nhận thấy không ít cha mẹ càng gần ngày thi càng ép con tập trung học tập. Con xin đi chơi, cha mẹ liền bảo tầm này phải dồn sức học hành chứ chơi bời gì nữa. Thực tế, học mà không có sự thả lỏng thì sẽ khó hiệu quả. Vì thế, bên cạnh thời gian ôn thi, cha mẹ nên cho con có những khoảng thời gian thả lỏng cơ thể, thư giãn tinh thần bằng các hoạt động thể chất như đi bộ, đi bơi hoặc gặp gỡ bạn bè”, cô Lanh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.