Giải quyết bài toán "đầu ra" cho SV với Học kỳ doanh nghiệp

GD&TĐ - Học kỳ doanh nghiệp được xem là một cách đổi mới hiệu quả của các cơ sở giáo dục đại học, đem lại lợi ích thiết thực cho cả sinh viên và doanh nghiệp, thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn, tăng thêm cơ hội việc làm cho sinh viên.

SV khoa Điện – Điện tử, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng tham gia Học kỳ doanh nghiệp tại Bana Hill.
SV khoa Điện – Điện tử, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng tham gia Học kỳ doanh nghiệp tại Bana Hill.

Những bài học không có trên giảng đường

Kết thúc 2 tháng Học kỳ doanh nghiệp tại Bana Hill, Tạ Ba Đình (SV 14D4, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng) cũng đồng thời được tuyển dụng vào vị trí duy tu, bảo trì tại doanh nghiệp này.

Trong số 7 SV tham gia khóa học cùng đợt với Đình, còn có 2 SV khác cũng được tuyển dụng. Được phân công làm việc tại khu vực kinh doanh với nhiệm vụ bảo trì, xử lý sự cố liên quan đến máy móc, thiết bị điện tại các nhà hàng, Đình cho biết: “Khác với đợt thực tập thông thường, với Học kỳ doanh nghiệp, chúng em được tham gia làm việc như một nhân viên thực thụ của công ty. Những ngày đầu, em có chút áp lực vì so với ở trường thì máy móc ở đây có công nghệ hiện đại hơn; có nhiều thiết bị tự động hóa, về nguyên lý thì mình có thể nắm được nhưng cũng cần phải hỏi lại thầy giáo và học hỏi từ các anh nhân viên trong nhóm”.

Trước khi chính thức tham gia Học kỳ doanh nghiệp tại Bana Hill, Đình được phổ biến một số kỹ năng cũng như văn hóa doanh nghiệp, các nguyên tắc cơ bản khi tiếp xúc với khách hàng. Tạ Ba Đình chia sẻ: “Với 2 tháng tham gia Học kỳ doanh nghiệp, em học được rất nhiều điều, đó là những kỹ năng đơn giản nhưng không phải ai cũng nghĩ đến như kỹ năng ứng xử với khách hàng, cách nghe điện thoại, tác phong làm việc, tinh thần trách nhiệm… Tất cả những điều này đều góp phần hỗ trợ cho em trong học hỏi công việc chuyên môn”.

Rút ngắn khoảng cách đào tạo

PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng cho biết, mô hình Học kỳ doanh nghiệp được nhà trường xem là giải pháp góp phần gắn kết SV vào môi trường làm việc thực tế ở các đơn vị sản xuất. Từ năm thứ hai, SV có thể đăng ký tham gia học kỳ này như một nhân viên làm việc bán thời gian tại các nhà máy, xí nghiệp… để có thể giải quyết một vấn đề thực tế dưới sự hướng dẫn của giảng viên và đơn vị sản xuất.

Tuy nhiên, hiện tại, Học kỳ doanh nghiệp mới chỉ là một học phần tự chọn của SV. Kết thúc mỗi đợt, SV phải bảo vệ đề tài trước Hội đồng với sự tham gia của đại diện nhà máy, doanh nghiệp. Những SV tham gia Học kỳ  này, sau khi bảo vệ đề tài thành công sẽ nhận được giấy chứng nhận có chữ ký của Hiệu trưởng nhà trường và thủ trưởng đơn vị nơi các em tham gia thực tập. Cơ hội để có việc làm sau khi ra trường của những SV này cũng cao hơn.

Theo TS Nguyễn Đức Quận – Phó trưởng khoa Điện – Điện tử thì muốn Học kỳ doanh nghiệp thức sự có hiệu quả, sinh viên phải được trang bị thật tốt các kiến thức chuyên ngành, được thực hành nhiều tại phòng thí nghiệm, xưởng trường cũng như phải có am hiểu nhất định về đơn vị nơi sẽ đến tham gia học kỳ.

“Khác với khóa thực tập đại trà thông thường, với Học kỳ doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải có kế hoạch cụ thể để có việc cho SV làm. Và muốn được như vậy thì nhà trường phải chứng minh cho doanh nghiệp thấy được quyền lợi của họ khi tiếp nhận sinh viên tham gia Học kỳ doanh nghiệp” – TS Quận cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...