Giải pháp tạo gắn kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp

GD&TĐ - Trong bối cảnh thế giới đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yếu tố cốt lõi của việc xây dựng hệ thống giáo dục ĐH đó là đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tiễn, đào tạo đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Phát triển mô hình đào tạo gắn kết giữa cơ sở giáo dục (nhà trường) với doanh nghiệp được xem là yêu cầu quan trọng được đặt ra.

Giải pháp tạo gắn kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp

Nhấn mạnh điều này tại tham luận trong hội thảo quốc tế về tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường lao động cho thanh niên và sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp (diễn ra từ 23/10 đến 27/10/2017 tại Hà Nội), thầy Đỗ Việt Hùng (Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương) cho rằng:

Xác lập mối quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp chính là việc đẩy mạnh hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung về cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, rút ngắn thời gian chuyển giao từ kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống.

Đổi mới quản lý nhà nước để khuyến khích nhà trường doanh nghiệp gắn kết

Đưa ra một số giải pháp thúc đẩy sự gắn kết bền vững giữa nhà trường với doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thầy Đỗ Việt Hùng cho rằng, đầu tiên cần đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước để định hướng, khuyến khích và hỗ trợ sự gắn kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Nhà nước cần có chính sách, cơ chế phối hợp chặt chẽ về nguồn nhân lực giữa nhà trường và doanh nghiệp. Tăng quyền tự chủ cho nhà trường, chủ động về quy mô đào tạo, hình thức tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, thu chi nguồn tài chính.

Đồng thời, khuyến khích cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo để tăng động lực phát triển giữa các nhà trường với nhau về chất lượng sản phẩm đào tạo, uy tín cũng như hình ảnh, thương hiệu.

Thực hiện tốt xã hội hóa giáo dục

Giải pháp thứ 2 được thầy Đỗ Việt Hùng đưa ra là giải quyết vấn đề nguồn tài chính cho quá trình đào tạo nguồn nhân lực. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục bằng việc liên kết về tài chính và cơ sở vật chất.

Nguồn tài chính của nhà trường chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và học phí. Nhà trường muốn có nguồn tài chính dồi dào cần phải thực hiện tốt công tác xã hội hóa dựa vào doanh nghiệp và nhà tài trợ thông qua các hình thức: học bổng cho sinh viên học giỏi hoặc sinh viên nghèo vượt khó, cung cấp nguồn nhân lực cho công tác giảng dạy, hợp đồng nghiên cứu khoa học.

Ngược lại, doanh nghiệp hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất bằng các cách hỗ trợ học bổng cho sinh viên, ký kết các hợp đồng tư vấn, nghiên cứu khoa học. Mặt khác, doanh nghiệp có thể hỗ trợ tài chính cho nhà trường bằng việc thành lập các công ty, khu công nghệ, khu thực hành, giảng đường, phòng thí nghiệm, trang thiết bị cho giảng dạy và học tập.

Gắn kết với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo

Giải pháp thứ ba, theo thầy Đỗ Việt Hùng là gắn kết với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo.

Theo đó, để nâng cao năng lực đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cho người học, nhà trường cần tham khảo nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp. Từ đó, nhà trường xây dựng chương trình giảng dạy cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, của từng giai đoạn phát triển, đảm bảo tính tiên tiến, hiện đại.

Nhà trường cần thực hiện tốt phương châm đào tạo những gì xã hội cần chứ không đào tạo những gì nhà trường có. Vì vậy, chương trình đào tạo, nội dung, phương pháp, giáo trình, tài liệu, cách kết nối của các trường phải thay đổi.

Các trường đại học dần không phải là nơi có chương trình đào tạo ở các chuyên ngành, mà trở thành nơi người học thu nhận, rèn luyện kiến thức, sau đó người học bước ra môi trường làm việc cạnh tranh. Cá nhân người học tự quyết định, tự cảm nhận, đó là cách học của tương lai.

Giáo dục bản chất là dịch vụ cung cấp nhân lực, sản phẩm tốt, nhà trường sẽ mạnh lên và ngược lại. Động lực để phát triển mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đều tuân theo quy luật thị trường.

Doanh nghiệp tạo điều kiện tiếp nhận các giảng viên học tập, trao đổi kinh nghiệm

Nội dung tiếp theo được thầy Đỗ Việt Hùng nhấn mạnh là đẩy mạnh mô hình hợp tác thông qua gắn kết việc điều hành nhân sự và tham gia quá trình đào tạo bằng cách ưu tiên tuyển dụng những giảng viên có kinh nghiệm làm việc trong các doanh nghiệp, xây dựng tiêu chuẩn đứng lớp đối với giảng viên như căn cứ vào trình độ chuyên môn, chuyên ngành, kinh nghiệm thực tế.

Tùy thuộc học phần mà doanh nghiệp có sự phân công và lựa chọn giảng viên cho phù hợp. Doanh nghiệp tham gia đào tạo bằng cách góp ý kiến về xây dựng, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo thông qua việc cung cấp thông tin, phản biện nội dung chương trình đào tạo, qua đó nhà trường có thể chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế.

Doanh nghiệp cử các chuyên gia, kỹ sư, tham gia trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn thực hành. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tạo điều kiện tiếp nhận các giảng viên, cán bộ quản lý đến doanh nghiệp học tập kinh nghiệm, trao đổi những vấn đề giữa chương trình đào tạo và yêu cầu của thực tế.

Trong và sau quá trình đào tạo cần kiểm tra chặt chẽ, sâu sát chất lượng của sinh viên qua việc thực hiện phương pháp đánh giá từ bên ngoài (người sử dụng lao động) kết hợp với đánh giá bên trong (nhà trường).

Đẩy mạnh hợp tác NCKH và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu

Với giải pháp này, thầy Đỗ Việt Hùng cho rằng, đây là hình thức hợp tác cao nhất giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Mục đích của hình thức hợp tác này nhằm hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu của nhà trường, thực hiện các dự án liên kết mà nhà trường và các doanh nghiệp cùng tiến hành. Các trường có thể tìm kiếm sự hợp tác này bằng cách chủ động giới thiệu với các doanh nghiệp những chương trình nghiên cứu có khả năng đem lại lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp.

Từ những kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hai bên cùng công bố các phát minh, đồng sở hữu và khai thác danh mục, các bằng sáng chế, bản quyền.

Tăng cường chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa cựu sinh viên với nhà trường

Theo thầy Đỗ Việt Hùng, cần tăng cường chặt chẽ hơn nữa về mối quan hệ giữa cựu sinh viên với nhà trường, tạo cơ chế để những cựu sinh viên đang làm việc tại doanh nghiệp liên hệ thường xuyên với nhà trường, có thể tổ chức những buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa lý thuyết với thực tiễn.

Qua sự liên kết này, nhà trường sẽ cải tiến chương trình đào tạo theo từng thời điểm sao cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Đây là cầu nối vững chắc giữa nhà trường và doanh nghiệp một cách hiệu quả, thiết thực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ