4 trở ngại chính khiến sinh viên khó tìm việc

GD&TĐ - Hiện nay, nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất vẫn là những người lao động không được đào tạo, tiếp theo là sinh viên tốt nghiệp ĐH do nhiều nguyên nhân như: thiếu định hướng nghề nghiệp, học thụ động, hạn chế về ngoại ngữ, không chú trọng trang bị kỹ năng mềm, không xác định được mục tiêu của công việc đang tìm kiếm; thiếu sự quyết tâm để đạt được mục tiêu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TS Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường ĐH SP Nghệ thuật trung ương - chia sẻ như vậy tại hội thảo quốc tế "Tăng cường cơ hội tiếp cận thị trường lao động cho thanh niên và sinh viên sau khi tốt nghiệp tại Việt Nam" tổ chức sáng nay (23/10).

Những trở ngại chính từ sinh viên

Nguyên nhân đầu tiên khiến inh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, theo TS Đào Đăng Phượng là bởi định hướng nghề nghiệp không phù hợp, dẫn đến xác định sai ngành học.

Ông phân tích: Ở Việt Nam, việc chọn nghề còn phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của các phụ huynh. Với tâm lý muốn che chở, bao bọc con, các bậc làm cha mẹ thường thiên về những ngành "an toàn", mang lại danh tiếng như kỹ sư, bác sĩ... Mặt khác, xu hướng thị trường cũng là điều đáng nói. Một số bạn trẻ có xu hướng chạy theo các nghề "hot" để theo kịp bạn bè chứ không thực sự vì đam mê và đúng sở trường.

Chính vì chọn ngành không phù hợp nên nhiều sinh viên dễ rơi vào tình trạng thụ động, lười tìm kiếm thông tin.

Nhấn mạnh điều này, TS Đào Đăng Phượng cho rằng: học thụ động là cách học lỗi thời, chờ đợi kiến thức từ giáo viên đưa xuống, không chuẩn bị cho môn học, và dĩ nhiên, lười áp dụng bài học vào cuộc sống.

Với các học này, sinh viên không những không nắm được kiến thức mà còn quen với việc lười nhác và thiếu chủ động trong tất cả các công việc sau này.

Bên cạnh 2 vấn đề trên, TS Đào Đăng Phượng cũng đề cập đến năng lực tiếng Anh của sinh viên. Thực ra, sinh viên đều được học tiếng Anh, nhưng chính thái độ học thụ động, không áp dụng thực tế nên dẫn đến hạn chế kỹ năng ngoại ngữ.

"Chủ có được động lực học, cách học phù hợp, khoa học, áp dụng vào môi trường thực tế mới có thể nâng cao trình độ tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng" - TS Đào Đăng Phượng cho hay.

Trở ngại cuối cùng, theo TS Đào Đăng Phượng chính là thiếu kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết phục, làm việc nhóm, kỹ năng cập nhật kiến thức mới, kỹ năng kiểm soát cái tôi, kỹ năng giải quyết vấn đề... Ngoài ra, còn phải kể đến viecj sinh viên không xác định được mục tiêu của công việc đang tìm kiếm và thiếu sự quyết tâm để đạt được mục tiêu...

Vấn đề giới trẻ phải đối mặt

Một trong những vấn đề giới trẻ và người có tay nghề lao động ở Việt Nam phải đối mặt được TS Đào Đăng Phượng đề cập, đó là hệ thống thông tin của thị trường lao động Việt Nam hiện nay còn nhiều yếu kém và hạn chế, như bị chia cắt giữa các vùng, miền; khả năng bao quát, thu thập và cung ứng thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu các đối tác trên thị trường lao động, đặc biệt là người chủ sử dụng lao động và người lao động.

Hệ thống chỉ tiêu về thị trường lao động tuy đã ban hành nhưng chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ, thiếu thống nhất và khó so sánh quốc tế. Do vậy, chưa đánh giá được hiện trạng của cung - cầu lao động, các “nút thắt” về nhu cầu nguồn nhân lực trong nước.

Ngoài ra, còn thiếu mô hình dự báo thị trường lao động tin cậy và nhất quán, thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia làm công tác thống kê, phân tích, dự báo.

Còn phải nói đến sự cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế quyết liệt. "Chính sự cạnh tranh đó đã làm cho nhiều cơ sở sản xuất, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, nhiều cơ sở sản xuất phải tiến hành tinh giản biên chế. Tình trạng đó làm tăng thêm đội ngũ những người không có việc làm hoặc có việc làm không đầy đủ" - TS Đào Đăng Phượng cho hay.

"Trong bối cảnh thị trường lao động hết sức phong phú - nhiều tầng bậc và đặc biệt là dưới sự ảnh hưởng của cơn bão cách mạng công nghiệp 4.0 thì lĩnh vực nghề nghiệp văn hóa nghệ thuật không phải là một ngoại lệ.
Phát triển giáo dục nghệ thuật hiện là vấn đề được đặc biệt quan tâm trong lĩnh vực quản lý văn hóa ở nhiều nước trên thế giới. Giáo dục nghệ thuật cũng đã góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng, miền, quốc gia.
Việc xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế về giáo dục nói chung, giáo dục ĐH nói riêng và phát triển giáo dục nghệ thuật là một nhiệm vụ cấp bách của Việt Nam sau khi gia nhập WTO"
- TS Đào Đăng Phượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ