Tăng cường tự học, khuyến khích trải nghiệm sáng tạo
Về đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, Sở GD&ĐT Bến Tre đưa giải pháp: Căn cứ chuẩn kiến thức kĩ năng bộ môn Toán, tổ chuyên môn tiếp tục xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp năng lực học sinh, theo hướng tăng cường phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh.
Tùy theo đối tượng học sinh, giáo viên lựa chọn phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp, tốt nhất để đạt được mục tiêu dạy học, đồng thời phát huy được sự tích cực, chủ động của học sinh.
Giáo viên linh hoạt tổ chức các hoạt động dạy học, không cứng nhắc hỏi - đáp theo các câu hỏi, bài tập có sẵn trong sách giáo khoa; mạnh dạn thay thế các câu hỏi, bài tập phù hợp năng lực học sinh trong tổ chức các hoạt dạy học.
Tăng cường hoạt động hướng dẫn học sinh tự học, đặc biệt là hoạt động tự học ngoài lớp học, cần phải hướng cụ thể nhiệm vụ học tập: hệ thống các câu hỏi, bài tập cần chuẩn bị, tham khảo tài liệu nào,...
Giáo viên thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm lý học sinh, giao nhiệm vụ phù hợp năng lực, tránh gây áp lực, nặng nề cho học sinh; rèn luyện học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập.
Tiếp tục ứng dụng có hiệu quả các phần mềm Toán: Maple, Sketchpad, Geogebra,...để tổ chức các hoạt động dạy học; các công cụ như Zalo, Messenger vào tổ chức hướng dẫn học tự học; khuyến khích soạn giáo án E- learning đăng website trường để học sinh có thể xem lại, ôn tập kiến thức.
Giáo viên mạnh dạn tổ chức dạy học theo chủ đề, dạy học theo dự án, từ đó phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh và hình thành ý tưởng để học sinh nghiên cứu khoa học và tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
Khuyến khích xây dựng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo góp phần phát triển năng lực học sinh, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.
Đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá
Nhấn mạnh đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá, Sở GD&ĐT Bến Tre yêu cầu tổ chuyên môn, giáo viên tổ chức ra đề, coi, chấm và nhận xét, đánh giá học sinh trong việc thi và kiểm tra đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh.
Chú trọng đánh giá sản phẩm của học sinh như: các hoạt động trên lớp, hồ sơ học tập, vở học tập; kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học- kỹ thuật, qua bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video clip,...) về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.
Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá này thay cho các bài kiểm tra hiện hành. Tiếp tục thực hiện xây dựng đề kiểm tra 1 tiết, cuối học kỳ, cuối năm học theo ma trận với 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức kiểm tra tự luận với trắc nghiệm khách quan.
Đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học
Về thực hiện sinh hoạt chuyên môn, Sở GD&ĐT lưu ý thực hiện đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; xây dựng kế hoạch, thực hiện dạy học theo nghiên cứu bài học, dự giờ và thảo luận rút kinh nghiệm tiết dạy theo các tiêu chí của phiếu đánh giá hoạt động dạy học.
Không đánh giá, xếp loại giờ dạy của các tiết dạy theo nghiên cứu bài học nếu giáo viên dạy không có yêu cầu. Chủ động thực hiện dạy học theo chuyên đề, dạy học theo dự án.
Đổi mới nội dung sinh hoạt tổ chuyên môn theo chủ đề, trong đó cần tập trung tháo gỡ những khó khăn trong giảng dạy, rút kinh nghiệm tiết dạy, cải tiến và đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh.
Giáo viên tự nghiên cứu, tìm tòi, đề xuất các giải pháp mới để đưa vào nội dung sinh hoạt tổ chuyên môn. Chủ động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu giảng dạy với đồng nghiệp trong - ngoài tỉnh.