Giải pháp 'gỡ khó' cho cơ sở GD đại học kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài

GD&TĐ - Chuyên gia chia sẻ về rào cản và giải pháp giúp cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của các tổ chức kiểm định nước ngoài.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng). Ảnh: Website nhà trường
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng). Ảnh: Website nhà trường

TS Trịnh Thế Anh - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) chia sẻ về rào cản và giải pháp giúp cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của các tổ chức kiểm định nước ngoài.

Còn rào cản

- Ông nhìn nhận thế nào về lợi ích việc tham gia kiểm định của các tổ chức kiểm định nước ngoài và được công nhận?

- Lợi ích đầu tiên theo tôi là thông qua hoạt động kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài, cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) có điều kiện tự đánh giá, cải tiến chất lượng và được tư vấn bởi các chuyên gia hàng đầu; từ đó xác định thực trạng, xây dựng và tổ chức thực hiện các hoạt động cải tiến để không ngừng nâng cao chất lượng. Qua đây, nhà trường cũng tăng cường được thương hiệu, uy tín ở tầm quốc tế, giúp thu hút người học đến học tập, giảng viên quốc tế tham gia giảng dạy.

Tham gia kiểm định của các tổ chức nước ngoài và được công nhận đồng thời tạo cơ hội để nhà trường trao đổi chương trình đào tạo, sinh viên, giảng viên với đối tác; mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo cũng như nghiên cứu.

Cùng đó, tạo thuận lợi tiếp cận nguồn lực, tài chính từ các tổ chức quốc tế, hoặc tổ chức tài chính có yêu cầu cao về chất lượng giáo dục. Cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp cũng được mở rộng, đặc biệt là cơ hội làm việc và học tập nâng cao tại nước ngoài. Những điều này đem đến sự phát triển bền vững cho cơ sở GDĐH.

- Theo ông, đối với các cơ sở GDĐH Việt Nam, tham gia kiểm định của các tổ chức nước ngoài và được công nhận có những rào cản, khó khăn gì?

- Trong số 11 cơ sở GDĐH được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài có 3 trường đã thực hiện tái kiểm định chu kỳ 2 vào năm 2023. Đây đều là các trường đại học lớn, có truyền thống, hoặc trường quốc tế.

Theo tôi, có một số khó khăn sau đây khi các cơ sở GDĐH ở Việt Nam đăng ký và thực hiện kiểm định cấp cơ sở giáo dục theo các tiêu chuẩn nước ngoài. Đầu tiên là hiểu biết của cơ sở GDĐH về hệ thống các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài chưa nhiều; do đó, còn e ngại về độ khó khi thực hiện kiểm định.

Các tiêu chuẩn thường có nguồn gốc từ nền văn hóa và hệ thống giáo dục khác nhau, có thể không hoàn toàn phù hợp với điều kiện cụ thể của GDĐH ở Việt Nam. Các tiêu chuẩn, tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc tế đôi lúc chưa phản ánh đầy đủ đặc thù, nhu cầu đặc biệt của GDĐH Việt Nam.

Thêm nữa, các tiêu chuẩn theo tổ chức kiểm định nước ngoài thường đặt trọng tâm vào yêu cầu duy trì và cải tiến liên tục chất lượng giáo dục. Điều này đòi hỏi cơ sở giáo dục phải có khả năng và cam kết thực hiện cải tiến liên tục, thích nghi với yêu cầu mới. Vấn đề tài chính cũng là khó khăn.

Tài chính ở đây bao gồm cả kinh phí thực hiện tự đánh giá, đăng ký đánh giá ngoài và tổ chức đánh giá ngoài. Công tác chuẩn bị tài liệu, minh chứng theo các tiêu chuẩn nước ngoài đòi hỏi đầu tư lớn về thời gian, nhân lực, tài chính. Đây cũng là một thách thức đối với cơ sở GDĐH có nguồn lực còn hạn chế.

Cuối cùng, tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn chất lượng đối với bộ tiêu chuẩn nước ngoài cũng khó hơn ở Việt Nam. Ví dụ, với bộ tiêu chuẩn của Việt Nam, cơ sở GDĐH được công nhận đạt chuẩn khi có điểm trung bình cho các nhóm tiêu chuẩn đạt từ 3,5 điểm trở lên, không tiêu chuẩn nào điểm trung bình dưới 2. Trong khi đó, yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn AUN-QA đòi hỏi có điểm trung bình cho các nhóm tiêu chuẩn đạt từ 4,0 trở lên nếu muốn được công nhận đạt chuẩn.

giai phap go kho (1).jpg
TS Trịnh Thế Anh. Ảnh: NVCC

Cốt lõi là hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong

- Các trường cần chuẩn bị gì để tham gia, đạt kiểm định của các tổ chức nước ngoài, theo ông?

- Để chuẩn bị tốt cho việc tham gia kiểm định của các tổ chức nước ngoài, cơ sở GDĐH cần tìm hiểu rõ về tổ chức này. Mỗi tổ chức kiểm định chất lượng có triết lý, phương thức, bộ tiêu chuẩn kiểm định và yêu cầu để được kiểm định khác nhau. Có những tổ chức chỉ thực hiện một hoặc một số lĩnh vực.

Như ACBSP (Hoa Kỳ) chuyên về lĩnh vực kinh tế, nhóm ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng; ABET (Hoa Kỳ) chuyên về lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, điện toán và khoa học ứng dụng. Trong khi cũng có tổ chức kiểm định thực hiện đánh giá đối với các lĩnh vực như AUN-QA, ACQUIN… Tùy đặc điểm từng trường để lựa chọn tổ chức kiểm định cho phù hợp.

Các cơ sở GDĐH cũng nên lựa chọn những tổ chức kiểm định chất lượng đã được Bộ GD&ĐT công nhận và hoạt động tại Việt Nam để bảo đảm kết quả kiểm định được công nhận cả trong nước và quốc tế. Thiết lập, vận hành hiệu quả hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của cơ sở giáo dục và từng chương trình đào tạo.

Bởi dù sử dụng bộ tiêu chuẩn kiểm định nào thì vấn đề cốt lõi vẫn là đánh giá hiệu quả sự vận hành của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; cần bảo đảm các yêu cầu của chuẩn được thiết lập, duy trì và cải thiện cho các lĩnh vực hoạt động của nhà trường.

Về tự đánh giá, chuẩn bị tài liệu chứng minh, cơ sở GDĐH cần thực hiện tự đánh giá chất lượng theo các tiêu chuẩn của tổ chức kiểm định. Đây là bước quan trọng để xác định điểm mạnh, điểm yếu và lĩnh vực cần cải thiện. Các tài liệu chứng minh như báo cáo tự đánh giá, chứng chỉ, hồ sơ học thuật của giảng viên và thông tin khác phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, minh bạch.

Dựa trên kết quả tự đánh giá, cơ sở GDĐH cần xây dựng kế hoạch cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục. Điều này bao gồm việc thiết lập mục tiêu, hoạt động cụ thể và lộ trình thực hiện để đáp ứng các tiêu chuẩn.

Một yêu cầu quan trọng khác là việc chuẩn bị hồ sơ và tài liệu đầy đủ, chính xác, trình bày rõ ràng để nộp cho tổ chức kiểm định nước ngoài và đoàn chuyên gia đánh giá ngoài. Hợp tác chặt chẽ với các đoàn đánh giá ngoài của tổ chức kiểm định; chuẩn bị phương án tiếp đón, cung cấp thông tin và “dẫn đường” cho đoàn đánh giá trong suốt quá trình kiểm định chất lượng. Sau khi đạt được chứng nhận, cơ sở GDĐH cần cam kết duy trì, cải thiện chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế, liên tục cập nhật và nâng cao các hoạt động của cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo.

- Xin cảm ơn ông!

Việt Nam hiện có 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và 10 tổ chức kiểm định nước ngoài được Bộ GD&ĐT công nhận hoạt động. Việc ngày càng có nhiều cơ sở GDĐH Việt Nam tham gia kiểm định nước ngoài, được công nhận là sự ghi nhận nỗ lực của các đơn vị và cho thấy hướng đi đang theo đúng kế hoạch đảm bảo, kiểm định chất lượng GDĐH của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 14/1/2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.