Trường ĐH kiểm định theo chuẩn nước ngoài: Tránh chạy đua 'tiền mất tật mang'

GD&TĐ - Tính đến 31/5, Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục ĐH được kiểm định và công nhận đạt theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Sinh viên UWE Bristol - Phenikaa Campus. Ảnh: NTCC
Sinh viên UWE Bristol - Phenikaa Campus. Ảnh: NTCC

Để gia tăng con số này cần quyết tâm, nỗ lực lớn của mỗi nhà trường.

Nhiều lợi ích nhưng còn khó khăn

Là người trực tiếp xây dựng chương trình ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ ở ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và đã được kiểm định AUN-QA (Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường ĐH ASEAN), PGS.TSKH Phạm Đức Chính - nguyên Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh khẳng định nhiều lợi ích khi tham gia và được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của tổ chức kiểm định nước ngoài.

Theo đó, cơ sở giáo dục ĐH được tiếp cận với môi trường đào tạo tiên tiến, đẳng cấp toàn cầu; giáo dục ĐH Việt Nam sẽ nâng tầm quốc tế, có nhiều tiếng nói uy tín, được tôn trọng trên các diễn đàn học thuật. Người học được tiếp cận với các chương trình tiên tiến, liên thông với chương trình uy tín trên thế giới, tiếp nhận tri thức cập nhật trong môi trường quốc tế; từ đó tự tin với kiến thức của mình khi tham gia vào thị trường lao động cạnh tranh.

Gia đình người học cũng yên tâm với chi phí bỏ ra để con em được tham gia vào các chương trình uy tín, được kiểm định quốc tế. Chi phí cho học ĐH trong các chương trình kiểm định có thể cao hơn, nhưng vẫn rẻ so với du học nước ngoài. Doanh nghiệp thì có cơ hội tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình được kiểm định ngay tại địa phương mà không cần tăng chi phí tuyển chọn chuyên gia nước ngoài, giảm chi phí đào tạo lại, tăng cơ hội có đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ...

Tuy nhiên, PGS.TSKH Phạm Đức Chính cũng cho biết còn rào cản khi tham gia kiểm định quốc tế của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam. Trong đó có khó khăn liên quan đến chương trình đào tạo; sinh viên đáp ứng yêu cầu chuyên môn của doanh nghiệp; khó khăn về đội ngũ và cơ sở vật chất…

PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng ban Quản lý chất lượng, ĐH Bách khoa Hà Nội nhìn nhận, tham gia kiểm định của các tổ chức nước ngoài và được công nhận là sự khẳng định mình của các cơ sở giáo dục ĐH, tạo nên niềm tin khi lựa chọn đối với người học, cũng như người sử dụng lao động; đồng thời giúp cơ sở giáo dục ĐH tăng tính cạnh tranh trong khu vực và thế giới.

Khó khăn, thách thức khi tham gia kiểm định quốc tế là phải tìm hiểu và tuân thủ “luật chơi” của họ. Chính vì vậy, bên cạnh thực hiện những quy định, quy chế của các bộ, ngành…, cơ sở giáo dục ĐH cần từng bước cải tiến, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Dưới góc nhìn của PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, khó khăn của cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam khi tham gia kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài là yếu tố tài chính; tỷ lệ sinh viên/giảng viên và môi trường quốc tế. Các trường ĐH nước ngoài, cả công lập và tư thục đều có sự hỗ trợ tài chính lớn; số lượng sinh viên trên giảng viên cũng không cao như Việt Nam.

Thêm đó, một trong những tiêu chí quan trọng là môi trường quốc tế hóa, nhưng hiện nay số lượng sinh viên quốc tế tại các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam chưa nhiều. Chia sẻ điều này, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh đồng thời thông tin, Trường ĐH Phenikaa đã có chiến lược và sự chuẩn bị để tham gia kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài, dự kiến vào năm 2027.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Điều kiện cần và đủ

Nêu quan điểm cá nhân, TS Nguyễn Hồng Quốc - Trưởng phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế nhận định, việc chưa có nhiều cơ sở giáo dục ĐH đạt kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài có thể do sứ mạng, tầm nhìn, định hướng phát triển, cũng như các chính sách ưu tiên của cơ sở giáo dục.

Nguyên nhân khác có thể do chi phí kiểm định chất lượng bởi các tổ chức của nước ngoài cao hơn; hoặc do Bộ tiêu chuẩn có những yêu cầu, cách tiếp cận có phần khác biệt so với thực tế vận hành của cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam…

Khẳng định lợi ích việc được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng (cả cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo) bởi các tổ chức kiểm định chất lượng nước ngoài có uy tín, TS Nguyễn Hồng Quốc cho rằng, để có thể đăng ký, được đánh giá bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, cơ sở giáo dục cần tham gia các khóa đào tạo/bồi dưỡng để nắm bắt yêu cầu của các tiêu chuẩn, từ đó triển khai công tác tự đánh giá.

Cơ sở giáo dục phải trả chi phí đào tạo, bồi dưỡng (tách biệt với chi phí kiểm định chất lượng giáo dục). Ngoài ra, báo cáo tự đánh giá phải đáp ứng các yêu cầu của tổ chức kiểm định chất lượng về các minh chứng cốt lõi, báo cáo được viết bằng tiếng Anh...

ĐH Bách khoa Hà Nội vừa hoàn thành và nhận chứng nhận kiểm định cơ sở giáo dục ĐH chu kỳ 2 của tổ chức HCERES (Pháp). Chia sẻ điều này, PGS.TS Trần Trung Kiên đồng thời cho biết: Thông qua những khuyến nghị trong các lần đánh giá, ĐH Bách khoa Hà Nội đã tiến hành điều chỉnh mục tiêu chiến lược, tối ưu hóa cơ cấu tổ chức hướng đến tinh gọn, hiệu quả.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng phục vụ sinh viên, học viên và các bên liên quan; cải tiến chương trình đào tạo cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục thực hiện thành công chiến lược phát triển trong giai đoạn tới.

Đưa gợi ý cho các trường muốn tham gia kiểm định nước ngoài, PGS.TSKH Phạm Đức Chính nhấn mạnh khâu đầu tiên, quyết định là xây dựng đội ngũ tham gia đào tạo đủ về số lượng, tương ứng về trình độ chuyên môn, chuyên sâu. Chủ nhiệm ngành ít nhất phải là PGS, đội ngũ giảng dạy có nhiều TS hơn ThS; chú trọng trình độ chuyên sâu hơn số lượng giảng viên.

Tư duy về xây dựng chương trình phải được thay đổi, bắt đầu từ mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra của môn, ngành học, chương trình đào tạo để xây dựng chương trình. Cần xóa bỏ tư duy, chương trình đào tạo, số lượng môn học được xây dựng trên khả năng đáp ứng của trường, khoa.

Đó là tư duy có gì dạy nấy; không phải cung cấp những gì người học, người sử dụng lao động có nhu cầu. Về cơ sở vật chất phải đáp ứng được nhu cầu người học. Lớp học đủ diện tích rộng, thư viện đủ sách để tham khảo, sân chơi đủ rộng để sinh viên có nơi tự học và hoạt động ngoại khóa.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh cũng nhấn mạnh đến việc cần chuẩn bị từ cơ sở vật chất đến chuẩn hóa đội ngũ, đặc biệt là ngôn ngữ tiếng Anh. “Phenikaa bắt đầu có chương trình đào tạo sử dụng tiếng Anh nhiều hơn. Tôi nghĩ điều đó quan trọng để đáp ứng chuẩn kiểm định quốc tế”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh chia sẻ.

Khẳng định kiểm định cơ sở giáo dục ĐH cần thiết cho sự phát triển, ông Trương Tiến Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội lại lưu ý mục đích cuối cùng là chất lượng, sự phát triển của trường ĐH. Bên cạnh đó, cần xác định mục tiêu mong muốn và cân đối tự lực của mình. Cũng cần xem xét cơ quan nào kiểm định; tránh tình trạng chạy đua để rồi tiền mất tật mang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ